Thứ ba, 07/01/2025, 21:17 [GMT+7]

Thủy điện Đồng Nai 6, 6A vẫn ẩn chứa nhiều... nỗi sợ

Thứ năm, 29/11/2012 - 09:26'
Nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngại về những tác động tiêu cực của dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A đối với môi trường cũng như hệ sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên.

Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A do Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) làm chủ đầu tư, nằm trên địa bàn bàn 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước. Trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình Thủy điện Đồng Nai 6 đưa vào vận hành năm 2015 và Thủy điện Đồng Nai 6A đưa vào vận hành năm 2016. Tuy nhiên, hai dự án này đã trải qua hơn 6 năm chuẩn bị do còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Tại buổi họp Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá ĐTM dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A làm cơ sở cho việc phê duyệt dự án do Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức chiều 28/11, dù chủ đầu tư dự án đã bổ sung, làm rõ nhiều vấn đề trong bản ĐTM lần 3, nhưng các thành viên trong Hội đồng vẫn tỏ ra nghi ngại về những tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường cũng như hệ sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên. Số phận dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A vẫn chưa được định đoạt.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung - chuyên gia ngành lâm nghiệp, thành viên Hội đồng - cho rằng, đây là báo cáo ĐTM chi tiết nhất từ trước đến nay của chủ đầu tư, tuy nhiên còn một số vấn đề chưa rõ ràng. Thứ nhất, đường dây tải điện tại sao không nằm trong dự án, nó ảnh hưởng đến rừng như thế nào? Thứ hai, hệ thống vận hành liên hồ chứa sẽ như thế nào bởi dòng sông này có 13 nhà máy thủy điện, hồ trên xả mà hồ dưới không xả thì rất dễ vỡ đập, tính chất cắt lũ không còn nữa. Thủy điện 6, 6A hiện nay nằm trong danh sách vận hành liên hồ chưa? Chủ đầu tư xử lý vấn đề này ra sao? Ông Lung cũng bày tỏ quan điểm: Dự án có nhiều mặt lợi về hiệu quả kinh tế như sử dụng rất ít đất rừng (137ha, trong khi diện tích Vườn quốc gia Cát Tiên là 70.000ha, tức chỉ chiếm 0,02%), khu vực Bàu Sấu cách vị trí xây nhà máy 25km nên không ảnh hưởng nhiều, không phải di dân tái định cư, diện tích hồ tương đối nhỏ nên tác động của hồ lớn với môi trường là không cao…

Vận hành thủy điện đang là vấn đề nóng tại nhiều địa phương. (Ảnh minh họa)

Vận hành thủy điện đang là vấn đề nóng tại nhiều địa phương. (Ảnh minh họa)

TS Đào Trọng Tứ (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) lại bày tỏ băn khoăn về tính pháp lý và tác động môi trường của dự án. Ông Tứ nhấn mạnh, hiện vẫn chưa phân tích việc thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A có phù hợp với các quy định pháp lý hiện hành không. Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch sẽ có văn bản góp ý riêng về khía cạnh Luật Di sản, bởi Vườn quốc gia Cát Tiên đang trong quá trình được UNESCO xem xét công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Ở góc nhìn khác, TS Tô Văn Trường - chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, thành viên Hội đồng vấn đề của dự án Đồng Nai 6, 6A - cho rằng cần xem xét việc mất vĩnh viễn diện tích rừng và suy giảm đa dạng sinh học Vườn quốc gia Cát Tiên. Theo báo cáo, đối với Đồng Nai 6A, nếu lựa chọn phương án mực nước dâng 175m, diện tích khu bảo vệ nghiêm ngặt bị ngập là 25 ha. Đối với Đồng Nai 6, nếu lựa chọn phương án mực nước dâng 224m thì diện tích chiếm đất vĩnh viễn là hơn 170ha, trong đó có hơn 77ha thuộc rừng Quốc gia Nam Cát Tiên.

Tuy nhiên, trong báo cáo chưa tính đến diện tích đất dùng cho tuyến truyền tải điện, bao gồm cả hành lang an toàn, như vậy diện tích đất và rừng bị mất cũng sẽ không nhỏ. Căn cứ theo Luật Đa dạng sinh học, cả 2 dự án đều vi phạm vào khu bảo tồn thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Toàn bộ quá trình từ giai đoạn chuẩn bị, xây dựng và vận hành đều gây tác động vĩnh viễn đến việc mất tổng số gần 300 ha đất rừng. Cũng theo đánh giá của báo cáo thì khu vực này là một trong những khu vực hiếm hoi ở Đông Nam Bộ có tínhđa dạng sinh học cao, tồn tại nhiều loại động thực vật có tính bản địa, có giá trị kinh tế và cần được bảo tồn vì có nguy cơ tuyệt chủng, thuộc những loài nằm trong sách đỏ Việt Nam.

Theo ông Trường, báo cáo đề cập đến rất nhiều loại rủi ro và sự cố nhưng lại chưa nói tới những rủi ro hoặc lỗi kỹ thuật trong các khâu thiết kế, thi công. Báo cáo cũng cho rằng, trong trường hợp rủi ro, vỡ đồng thời 2 đập Đồng Nai 6, 6A thì mức độ, diện tích ngập ở phía hạ lưu được tính toán tương đương với trường hợp lũ năm 2000 và 2006. Như vậy chủ đầu tư phải có cam kết xây dựng kế hoạch ứng phó trong trường hợp sự cố xảy ra.

Ông Mai Thanh Dung - Cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) - khẳng định, Hội đồng thẩm định mới chỉ họp kỹ thuật, chưa quyết định có phê duyệt ĐTM của dự án hay không. Chủ đầu tư phải tiếp tục hoàn thiện báo cáo, làm rõ các vấn đề mà các thành viên Hội đồng thắc mắc về các lỗ hổng trong báo cáo tác động môi trường. Ông Dung cũng khẳng định, việc có phê duyệt ĐTM hay không cần phải cân nhắc kỹ bởi đây là bài toán đánh đổi giữa hiệu quả kinh tế với tổn thất tài nguyên thiên nhiên và các giá trị di sản văn hóa do dự án nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên.  

Trước đó, ngày 20/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã gửi công văn kiến nghị tới Thủ tướng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát về cơ sở pháp lý, đồng thời tiến hành xem xét đánh giá tác động tới môi trường xã hội trước khi dự án được triển khai trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội.

Theo Thanh Trầm (dantri)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Dốc sức hoàn thành dự án nâng cấp đường tỉnh 133
Dự án nâng cấp đường tỉnh 133 đoạn Km0-km21 (dự án) được đầu tư trên địa bàn 3 xã: Thân Thuộc - Nậm Cần - Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên) trong 3 năm (2021-2024) với tổng chiều dài toàn tuyến là 20km....
Điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Ở bản Huổi Só (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn), anh Mùa A Lùng (sinh năm 1999) được biết tới là người không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Anh là điển hình trong phong trào thanh niên...