Thứ năm, 20/02/2025, 17:38 [GMT+7]

Triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 

Thứ hai, 17/02/2025 - 16:42'
(BLC) - UBND tỉnh Lai Châu vừa ban hành Kế hoạch 620/KH – UBND triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 .

Sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, thường gặp vào vụ đông xuân, là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tiêm vắc xin sởi cho trẻ là biện pháp hiệu quả giúp trẻ phòng ngừa bệnh sởi. Ảnh: Bình Minh

Tại tỉnh Lai Châu, từ đầu năm 2025 đến ngày 11/02/2025, toàn tỉnh phát hiện 31 trường hợp dương tính với virus Sởi tại 06 huyện/thành phố “Phong Thổ (10 ca), Sìn Hồ (10 ca), Tam Đường (05 ca), Nậm Nhùn (03 ca), Tân Uyên (02 ca) và Thành phố (01 ca)”. Lai Châu được Bộ Y tế đưa vào danh sách các tỉnh triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025; thực hiện Quyết định 271/QĐ-BYT, ngày 22/01/2025 của Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025, xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 24/TTr-SYT ngày 12/02/2025, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025, như sau:

 I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung
Tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh Sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh Sởi tại các vùng nguy cơ, vùng đang có các ca Sởi, dịch Sởi xảy ra.

2. Mục tiêu cụ thể
-  95% trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần Sởi theo quy định tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca Sởi/dịch Sởi xảy ra được tiêm 01 mũi vắc xin chứa thành phần Sởi.

-  Đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng.

II. THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI TRIỂN KHAI
1. Thời gian: Năm 2025, triển khai ngay sau khi vắc xin được cung ứng, không muộn quá 1 tháng kể từ khi nhận được vắc xin.

2. Đối tượng: Trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca Sởi/dịch Sởi xảy ra.

Trẻ từ 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca Sởi/dịch Sởi xảy ra, nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh nhân Sởi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần Sởi theo quy định.

Tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương, điều kiện cung ứng vắc xin từ

Trung ương, nguồn lực của địa phương và trên cơ sở trao đổi thống nhất với  Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Sở Y tế hướng dẫn các địa phương quyết định các đối tượng tiêm cho phù hợp, đáp ứng hiệu quả với diễn biến dịch bệnh Sởi trên địa bàn.

3. Phạm vi triển khai: Vùng nguy cơ, vùng đang có các ca Sởi/dịch Sởi trên địa bàn toàn tỉnh.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH          

1. Điều tra, lập danh sách đối tượng
1.1. Đối tượng tiêm chủng:

- Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi bao gồm cả trẻ vãng lai có mặt tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca Sởi/dịch Sởi xảy ra, mỗi trẻ sẽ được tiêm 01 mũi vắc xin Sởi. 

- Trẻ từ 1-10 tuổi bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương được xác định chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vắc xin chứa thành phần Sởi, mỗi trẻ sẽ được tiêm 01 mũi vắc xin chứa thành phần Sởi. 

- Nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh nhân Sởi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần Sởi theo quy định.  Ngoại trừ đối tượng đã được tiêm vắc xin có chứa thành phần Sởi trong vòng 1 tháng trước khi triển khai tiêm (có bằng chứng được tiêm thể hiện trên Phiếu/Sổ tiêm chủng/Phần mềm quản lý Tiêm chủng); đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin chứa thành phần Sởi theo quy định[1]. Nếu không rõ hoặc không rà soát được tiền sử tiêm chủng thì thực hiện tiêm vắc xin ngay.

 1.2. Các huyện, thành phố chủ động chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện việc điều tra, lập danh sách đối tượng tiêm tại các vùng có nguy cơ, vùng đang có các ca Sởi/dịch Sởi xảy ra: 

Điều tra trong trường học (trường tiểu học, mầm non, kể cả các trường ngoài công lập): Trạm Y tế xã/phường/thị trấn/PKĐKKV phối hợp với các trường học để lập danh sách tất cả các đối tượng đang đi học ở trường trong từng độ tuổi, ghi chép danh sách theo lớp, theo trường và rà soát lịch sử tiêm chủng vắc xin có thành phần Sởi để xác định đúng đối tượng cần tiêm vắc xin Sởi theo quy định.  

Điều tra tại cộng đồng: Trạm Y tế xã/phường/thị trấn/PKĐKKV phối hợp với nhân viên y tế thôn/bản, cộng tác viên dân số, trưởng thôn/bản ... và các tổ chức đoàn thể liên quan tại địa phương để rà soát đối tượng đang có mặt trên địa bàn quản lý, bao gồm cả đối tượng vãng lai theo từng hộ gia đình, nhà liền nhà và lập danh sách theo từng nhà, rà soát lịch sử tiêm chủng vắc xin có chứa thành phần Sởi để lọc ra đối tượng cần tiêm theo đúng quy định. 

 1.3. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lập danh sách nhân viên y tế có nguy cơ của đơn vị gửi về Trung tâm y tế huyện, thành phố quản lý địa bàn, nơi có trụ sở của cơ quan/đơn vị.

 Lưu ý: Tránh để trùng đối tượng giữa danh sách đối tượng tại trường học và tại cộng đồng. Tránh bỏ sót đối tượng, đối tượng vãng lai đặc biệt ở những vùng có biến động dân cư.  

2. Truyền thông
- Nội dung: Sự cần thiết và lợi ích của tiêm chủng vắc xin Sởi, đối tượng, thời gian, địa điểm tổ chức buổi tiêm chủng.

- Thời gian: Truyền thông trước, trong và sau khi triển khai hoạt động tiêm chủng chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi. 

- Hình thức truyền thông: 

+ Tuyến tỉnh, tuyến huyện: Thực hiện truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng như Đài Phát thanh & Truyền hình, Đài Truyền thanh, báo chí, trên các trang mạng xã hội …để người dân biết và chủ động đưa con em đi tiêm chủng.

+ Tuyến xã: Truyền thông trực tiếp trong quá trình điều tra đối tượng tiêm, tại các buổi họp dân, trong buổi tiêm chủng, tại các trường học...; truyền thông gián tiếp trên hệ thống truyền thanh cơ sở, trên các trang mạng xã hội… 

3. Tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Tiếp nhận và bảo quản vắc xin tại kho của tỉnh và thực hiện cấp phát vắc xin cho Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chậm nhất 01 tuần trước khi tổ chức tiêm chủng.

- Trung tâm Y tế các huyện, thành phố: Tiếp nhận vắc xin từ kho tỉnh về kho của đơn vị để bảo quản và cấp phát cho các xã trong 1 – 2 ngày trước khi tiêm chủng hoặc ngay trước buổi tiêm chủng.

- Tuyến xã: Tiếp nhận vắc xin từ tuyến huyện, thành phố bảo quản và vận chuyển vắc xin cho các điểm tiêm chủng trên địa bàn.

4. Tổ chức tiêm chủng
4.1. Hình thức triển khai
 Tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin Sởi tại các cơ sở y tế, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực và các trường tiểu học, mầm non một hoặc nhiều đợt theo cụm xã tùy vào điều kiện của từng địa phương.   

-  Triển khai tại các điểm tiêm ngoài trạm: Tiêm chủng cho đối tượng là trẻ tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận. 

-  Thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên.

4.2. Tổ chức buổi tiêm chủng
- Trạm Y tế/Phòng khám ĐKKV tổ chức buổi tiêm chủng, triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi/vắc xin Sởi-Rubella (MR) tại đơn vị hoặc phối hợp với các cơ sở giáo dục, các ban ngành đoàn thể liên quan để bố trí điểm tiêm chủng theo quy định.

- Quy trình tổ chức buổi tiêm chủng thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2018/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các văn bản hiện hành có liên quan.

- Số buổi tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm phụ thuộc vào số đối tượng trên địa bàn, không quá 100 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm tiêm cho riêng vắc xin Sởi hoặc vắc xin MR; không quá 50 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm nếu tiêm cùng các vắc xin khác.

- Rà soát và tiêm vét những trẻ thuộc diện đối tượng đã được đăng ký hoặc chưa được đăng ký có mặt tại địa bàn ở thời điểm triển khai cần được tiêm vét để hạn chế số trẻ bị bỏ sót.

- Đối với các trường hợp tạm hoãn: Cần có kế hoạch tiêm vét vào ngay cuối mỗi đợt hoặc vào ngày tiêm chủng thường xuyên trong tháng.

- Lưu ý:

+ Trong chiến dịch: KHÔNG tiêm vắc xin MR/Sởi cho những đối tượng đã được tiêm vắc xin có chứa thành phần Sởi trong vòng 1 tháng trước khi triển khai tiêm; KHÔNG tiêm vắc xin Sởi cho đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin chứa thành phần Sởi theo quy định.  

+ Sau chiến dịch:

Trường hợp trẻ từ 01 tuổi trở lên đã tiêm 02 mũi vắc xin Sởi, trong đó có 01 mũi vắc xin phối hợp MR thì khi trẻ đủ 18 tháng tuổi không tiêm vắc xin MR trong tiêm chủng thường xuyên. 

 Những trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi được tiêm 01 liều vắc xin Sởi thì được tính là mũi Sởi 0 (mũi bổ sung), sau đó trẻ vẫn phải tiêm đủ 02 mũi vắc xin có thành phần Sởi theo quy định tại Thông tư 10/2024/TT-BYT ngày

13/6/2024 của Bộ Y tế, đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 4 tuần với liều tiếp theo khi trẻ trên 9 tháng tuổi.      

4.3. Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, xử trí phản ứng sau tiêm chủng
- Phòng chống sốc: Bố trí trang bị, nhân lực tại chỗ, sự hỗ trợ và tham gia công tác phòng chống sốc của hệ điều trị (có bảng phân công cơ sở điều trị/đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho từng điểm tiêm). 

- Bố trí các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm nếu có.

- Giám sát, báo cáo phản ứng sau tiêm: Trong thời gian triển khai, thực hiện giám sát và báo cáo nhanh các trường hợp phản ứng nặng, cụm phản ứng sau tiêm chủng theo quy định.

5. Theo dõi, kiểm tra, giám sát và báo cáo
 5.1. Kiểm tra, giám sát  
 Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tuyến tỉnh và tuyến huyện trước, trong và sau khi triển khai kế hoạch:

- Kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị triển khai chiến dịch, giám sát điều tra đối tượng, công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư... 

- Kiểm tra, giám sát công tác tổ chức buổi tiêm chủng, thực hiện quy trình chuyên môn và bảo quản vắc xin, thực hiện an toàn tiêm chủng, tiến độ triển khai chiến dịch, tổ chức tiêm vét …

 5.2. Theo dõi và báo cáo
- Các đơn vị nhập danh sách đối tượng đã tiêm vắc xin Sởi, vắc xin MR trong kế hoạch này trên Hệ thống Thông tin tiêm chủng quốc gia và báo cáo kết quả tiêm và tình hình sử dụng vắc xin theo quy định. 

- Theo dõi, báo cáo tình hình phản ứng sau tiêm vắc xin theo thường quy, báo cáo kết quả cùng với báo cáo tiêm chủng. Các trường hợp tai biến nặng được điều tra và báo cáo theo quy định. 

- Thực hiện báo cáo kết quả tiêm vắc xin hàng tuần trong thời gian tổ chức kế hoạch và báo cáo tổng hợp trong vòng 7 ngày sau khi kết thúc.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổng hợp và gửi báo cáo kết quả tiêm vắc xin trên địa bàn toàn tỉnh cho tuyến trên theo quy định.

 Lưu ý: không đưa vào báo cáo chiến dịch đối với những trường hợp thuộc diện tiêm chủng thường xuyên vào thời gian triển khai chiến dịch để tránh trùng lặp đối tượng, kết quả tiêm chủng, vắc xin sử dụng.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN 1. Nguồn kinh phí Trung ương 
- Bộ Y tế cấp và vận chuyển về tỉnh cho tỉnh Lai Châu 5.490 liều vắc xin Sởi theo Quyết định số 271/QĐ-BYT ngày 22/1/2025 về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025.

- Các nguồn viện trợ, hỗ trợ hợp pháp khác (nếu có).

2. Nguồn kinh phí địa phương
 Bố trí ngân sách địa phương để triển khai kế hoạch theo quy định về phòng, chống dịch bệnh và các quy định khác liên quan, ngoại trừ kinh phí nêu tại mục 1 của phần này.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm theo quy định.

- Theo dõi sát, thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh Sởi trên địa bàn tỉnh và căn cứ kết quả đánh giá nguy cơ để hướng dẫn các địa phương quyết định các đối tượng tiêm cho phù hợp, đáp ứng hiệu quả với diễn biến dịch bệnh Sởi trên địa bàn.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện tiếp nhận, bảo quản, phân bổ, điều phối vắc xin được cấp từ Trung ương cho các đơn vị để triển khai kế hoạch; trong trường hợp tỉnh có nguy cơ xảy ra dịch và khi có dịch mà nhu cầu vắc xin vượt quá số lượng vắc xin đã được Bộ Y tế cấp thì hướng dẫn các đơn vị dự trù nhu cầu bổ sung vắc xin, vật tư đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc triển khai các hoạt động điều tra, rà soát đối tượng, đảm bảo các điều kiện để triển khai kế hoạch theo quy định; Phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về tiêm vắc xin phòng, chống bệnh Sởi.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát tại các đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện kế hoạch theo nhiệm vụ giao.

- Theo dõi tiến độ triển khai và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025  theo quy định.

2. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh đảm bảo kinh phí triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định của Luật ngân sách và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành

3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc truyền thông tại trường học và cộng đồng về các hoạt động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025.

- Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc điều tra, rà soát, lập danh sách các đối tượng tiêm là học sinh và tổ chức tiêm tại địa phương.

4. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền liên quan đến triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

5. Báo Lai Châu, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc truyền thông nâng cao nhận thức người dân về công tác tiêm chủng vắc xin Sởi để phòng bệnh Sởi trên địa bàn.

6. Công an tỉnh
Chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các đơn vị y tế tổ chức rà soát đối tượng tiêm, hỗ trợ ngành Y tế trong quá trình triển khai kế hoạch khi có yêu cầu.

7. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
 Chỉ đạo lực lượng quân y đóng quân trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc tuyên truyền, vận động, lập danh sách đối tượng và tham gia công tác tiêm chủng tại địa phương.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên
Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, các ngành, cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, vận động các đối tượng đi tiêm vắc xin Sởi theo kế hoạch.

9. UBND các huyện, thành phố
- Xây dựng và triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 tại địa phương; lập dự toán kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Sởi từ nguồn kinh phí của địa phương đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025. Theo dõi sát, thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh Sởi tại địa phương để kịp thời tham mưu UBND huyện, thành phố quyết định các đối tượng tiêm cho phù hợp, đáp ứng hiệu quả với diễn biến dịch bệnh Sởi trên địa bàn. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 theo quy định.

- Huy động các ban, ngành, đoàn thể địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong công tác tuyên truyền, điều tra, lập danh sách đối tượng và tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 trên địa bàn.

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thực hiện theo kế hoạch, đảm bảo hiệu quả, an toàn, đạt mục tiêu đề ra; theo dõi sát tiến độ triển khai và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo quy định. 

- Tổ chức kiểm tra, giám sát tại các đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện kế hoạch theo nhiệm vụ giao.

Căn cứ nội dung Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai, thực hiện.

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Không chủ quan với bệnh dại
(BLC) - Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa tiếp nhận bệnh nhân bị chó cắn và đang có biểu hiện nghi giống với biểu hiện của bệnh dại. Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, người dân cần nâng cao cảnh giác...
Nêu gương sáng trong học tập và làm theo Bác
Gần 5 năm với vai trò Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Sơn Bình (huyện Tam Đường), anh Lò Văn Sáng (SN 1990) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên CCB; chú trọng xây...