"Điểm tựa" tin cậy của hội viên
Tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Hội CCB huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, tận dụng triệt để quỹ đất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao ở các địa phương trong huyện và trong tỉnh để tích lũy kiến thức, đồng thời áp dụng vào thực tế của gia đình mình.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bạch Thái Dũng - Chủ tịch Hội CCB huyện Tam Đường cho biết: “Thời gian qua, Hội CCB huyện vận động hội viên phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ dám làm; huy động mọi nguồn lực và sự giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh phong trào CCB giúp nhau làm kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo nhanh và bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp, đóng góp chung cho sự phát triển của địa phương. Qua đó, xuất hiện nhiều CCB làm kinh tế giỏi, nổi bật như ở xã Sơn Bình có mô hình nuôi cá nước lạnh của các hội viên: Hà Kim Thân (bản Nậm Dê), Vàng A Giàng (bản Chu Va 8), Hàng A Khai (bản Chu Va 12); mô hình kinh tế tổng hợp của hội viên Cứ A Lồng ở bản Sàn Phàng Cao (xã Khun Há)… Hiện, hội viên có đời sống khá chiếm 55,3%, hội viên nghèo chiếm 11%.
Mô hình nuôi cá nước lạnh của hội viên cựu chiến binh xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) cho hiệu quả kinh tế cao.
Để giảm nghèo bền vững trong hội viên, Hội CCB huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho 1.668 hội viên có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi; tham gia quản lý vốn vay với tổng dư nợ trên 116 tỷ đồng; tổng số tiền huy động tiết kiệm 2.859,54 triệu đồng/1.653 hộ gửi tiết kiệm. Phần lớn các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Song song với đó, công tác xây dựng quỹ hội được duy trì, đến nay 100% cơ sở xây dựng quỹ hội, tổng số quỹ hội đạt 1 tỷ 551 triệu đồng để giúp hội viên giảm nghèo. Điển hình là Hội CCB các xã: Bản Hon, Bình Lư, Bản Bo, Sơn Bình, Khun Há và thị trấn Tam Đường.
Hiện nay, toàn hội có 1 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã, 2 trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp, 63 cơ sở dịch vụ, thương mại, 89 gia trại, 1 câu lạc bộ giúp nhau làm kinh tế giỏi huyện và 5 câu lạc bộ CCB giúp nhau làm kinh tế giỏi cấp xã; tập trung vào các lĩnh vực: chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thuỷ sản, làm miến dong... Nhờ đó, hội viên CCB có thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện.
Đến thăm mô hình nuôi cá nước lạnh của hội viên Hàng A Khai ở bản Chu Va 12 (xã Sơn Bình), chúng tôi thấy các bể cá được đầu tư xây dựng bài bản, hàng ngàn con cá đang bơi lội trông thật mãn nhãn. Trong câu chuyện với anh Khai, chúng tôi được biết, anh bắt đầu nuôi cá hồi từ năm 2021 với 2 bể. Đến nay, gia đình anh có 8 bể, trung bình mỗi năm xuất 3,5 - 4 tấn cá thịt, 3 vạn cá giống ra thị trường.
Anh Khai chia sẻ: “Tận dụng nguồn nước sạch cùng khí hậu mát mẻ, gia đình tôi đầu tư xây dựng bể và hệ thống lọc nước để nuôi cá nước lạnh. Năm 2021, gia đình tôi nuôi 2 bể cá hồi, thấy hiệu quả, tôi tiếp tục tìm tòi và nuôi thêm cá tầm từ năm 2024. Đến nay, cá tầm sinh trưởng, phát triển tốt, có thể xuất bán vào tháng 8/2025 với trọng lượng 2 - 3,5kg. Những năm qua, cá hồi, cá tầm được giá, xuất bán ra thị trường với giá 180.000 - 220.000 đồng/kg. Nuôi cá nước lạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, trừ chi phí cho thu nhập từ 350 - 400 triệu đồng/năm”.
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ cùng với những cách làm năng động, sáng tạo, hội viên CCB huyện Tam Đường đã và đang thực hiện tốt công tác giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Phương Thanh
Bình luận