Thứ ba, 07/01/2025, 23:38 [GMT+7]

Nghĩa tình của người lính Biên phòng

Thứ bảy, 25/06/2022 - 16:33'
Hơn 30 năm gắn bó với biên giới, trải qua nhiều vị trí, đơn vị công tác khác nhau, năm 2020, Thiếu tá Từ Văn Sương được điều động về làm nhân viên vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ea H’leo, BĐBP Đắk Lắk. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào với bà con biên giới, anh thấu hiểu những khó khăn và luôn đồng hành cùng họ trong nỗ lực thay đổi cuộc sống. Bằng chính những nguồn vốn tích góp của mình, anh đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều gia đình ở khu vực biên giới, lan tỏa hành động đẹp giữa miền biên viễn.

c

Thiếu tá Từ Văn Sương thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò giống cho gia đình ông Nguyễn Văn Triều. Ảnh: Ngọc Lân

Những ngày giữa tháng 5, chúng tôi có dịp cùng Thiếu tá Từ Văn Sương đến thăm hộ gia đình ông Nguyễn Văn Triều tại thôn Dự, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Đón chúng tôi trong cơn mưa chiều rả rích, cũng là lúc hai vợ chồng ông Triều đang tranh thủ cắt ít cỏ, dự trữ cho đàn bò, ông Triều tâm sự: Năm 2004, theo dự án di dân phát triển kinh tế mới, gia đình ông rời quê hương Bến Tre lên vùng biên này lập nghiệp, dù đã cố gắng làm ăn, nhưng đất chẳng thương người, cái nghèo vẫn cứ đeo đuổi. Gần 20 năm mang ước vọng đổi đời ở miền đất hứa này, chút vốn liếng cũng hết sạch cho người con trai, hai ông bà trở lại vạch xuất phát.

Thấu hiểu được hoàn cảnh của ông bà, đã lớn tuổi mà cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, Thiếu tá Sương trăn trở nhiều ngày và đem ý tưởng về việc hỗ trợ cho gia đình ông Triều bàn tính với gia đình. Anh kể: “Động lực để mình quyết tâm hỗ trợ cho bà con nghèo ở đây chính là đồng đội và đặc biệt là gia đình mình, những người luôn sát cánh và ủng hộ mọi quyết định của mình”.

Nhớ lại thời điểm Thiếu tá Sương bàn bạc với gia đình sẽ hỗ trợ vốn cho bà con biên giới nuôi bò, chị Nguyễn Thị Kim Liên, vợ của anh bộc bạch: “Lúc đầu mình cũng thấy lo, lo vì mình bỏ ra số vốn nhiều, không may bò mà bị dịch bệnh thì kế hoạch phá sản. Nhưng thấy anh Sương nói cứ yên tâm, anh có kinh nghiệm trong công việc chăn nuôi rồi. Nếu làm thành công sẽ tạo cho bà con có công ăn việc làm, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, thấy đây là việc tốt nên mình ủng hộ”. Và rồi, đến tháng 3-2021, số tiền hơn 100 triệu đồng mà vợ chồng người lính Biên phòng tích cóp suốt nhiều năm được quyết định mang ra để đầu tư mua 9 con bò cho bà con một cách giản đơn và chân thành như thế.

Nhớ lại những ngày mới tiếp nhận đàn bò, bà Huỳnh Thị Mai Tiến, vợ ông Triều kể: “Chú Sương đến trao bò và nói, anh chị cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng bò thật tốt, những năm đầu sẽ vất vả, nhưng sau này là tiền đề để thoát nghèo. Đưa con cá thì anh chị ăn cũng hết thôi, đưa cái cần câu để anh chị câu con cá, có cái ăn lâu dài thì mới bền vững”.

Lần đầu tiên trong hơn 60 năm cuộc đời, gia đình ông Triều, bà Tiến nắm trong tay một tài sản lớn như vậy. Thời gian đầu, để hỗ trợ kỹ thuật cho vợ chồng ông Triều, Thiếu tá Sương thường xuyên đến tận nhà để hướng dẫn. Một trong những kỷ niệm mà ông Triều không quên được, đó là khi con bê đầu tiên được sinh ra, đêm đó, cả ông và bà thức trắng. Ông Triều liền gọi ngay cho Thiếu tá Sương và nói: “Chú Sương ơi! Con bò mẹ đẻ con bê đẹp lắm! Mai chú vào xem nhé!”.

Với sự cần cù, chịu thương, chịu khó của hai vợ chồng già, sau hơn 1 năm chăm sóc, đàn bò từ 9 con, nay đã thành 11 con. Toàn bộ tâm sức ông Triều, bà Tiến dành cả cho đàn bò, đến nỗi ông bà có thể hiểu tính cách từng con trong đàn, chăm lo chúng từng miếng ăn, giấc ngủ và cũng lo lắng khi có con bò bị đau, bị ốm. Tận dụng những phế phẩm từ chăn nuôi cũng giúp ông bà có thêm nguồn thu nhập hằng ngày.

Biết được những ngày mưa kéo dài, không chăn thả được, đàn bò sẽ bị đói, bị lạnh, ông Triều, bà Tiến lại tần tảo đội mưa, đội gió cắt cỏ mang về, bò nhất định phải được ăn no và ở nơi khô ráo, sạch sẽ nhất. Nghĩ đến những ngày tháng sắp tới, ông Triều phấn khởi chia sẻ: “Từ giờ đến cuối năm, đàn bò tôi chăm sóc sẽ được thêm 8 con bê nữa, nghĩ đến đó là gia đình tôi thấy hạnh phúc lắm rồi”.

Thiếu tá Từ Văn Sương hỗ trợ 2 con bò giống cho gia đình chị Nguyễn Thị Lanh. Ảnh: Ngọc Lân

Thiếu tá Từ Văn Sương hỗ trợ 2 con bò giống cho gia đình chị Nguyễn Thị Lanh. Ảnh: Ngọc Lân

Đối với Thiếu tá Sương, niềm vui của bà con cũng chính là niềm vui của anh. Anh xem bà con như người thân trong gia đình, luôn mong muốn làm điều tốt đẹp cho bà con để bà con phát triển kinh tế. Không những giúp gia đình ông Triều, bà Tiến có 9 con bò giống để phát triển kinh tế, Thiếu tá Từ Văn Sương còn hỗ trợ thêm 2 con bò giống cho gia đình chị Nguyễn Thị Lanh là gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của thôn Dự.

Chị Nguyễn Thị Lanh bộc bạch: “Giữa lúc cuộc sống gia đình đang khó khăn, không nghĩ rằng sẽ có người cho mình vốn để làm ăn, chúng tôi được chú Sương hỗ trợ cho 2 con bò giống, gia đình thấy mừng lắm! Mong rằng, 2 con bò sẽ giúp ích cho gia đình phát triển kinh tế nhiều hơn để sau này mình già yếu, con cháu có vốn để gây dựng cuộc sống”.

Với tất cả sự hy vọng, tin tưởng, mong mỏi đổi thay cuộc sống, những ngày này, chị Lanh dồn hết tâm sức chăm sóc cho cặp bò. Dưới sự hướng dẫn tận tình của Thiếu tá Từ Văn Sương, chị biết rằng, khi thai nghén, bò mẹ rất cần có nguồn dinh dưỡng đủ đầy để có thể chuyển dạ khỏe mạnh. Chỉ còn ít tháng nữa, một trong 2 con bò này sẽ sinh con, nghĩa là sinh kế đã sinh sôi. Và tháng 4-2022 vừa qua, Thiếu tá Từ Văn Sương tiếp tục huy động hơn 100 triệu đồng từ người thân, gia đình để mua bò giống, nhân rộng mô hình thoát nghèo bền vững trên địa bàn xã Ia Lốp. Tấm lòng của người lính quân hàm xanh đã nhân lên niềm hy vọng thay đổi cuộc sống nơi biên giới khó khăn này.

Cập nhật Thứ năm, 09/06/2022 06:05 GMT+7/Nguyễn Ngọc Lân/https://www.bienphong.com.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Dốc sức hoàn thành dự án nâng cấp đường tỉnh 133
Dự án nâng cấp đường tỉnh 133 đoạn Km0-km21 (dự án) được đầu tư trên địa bàn 3 xã: Thân Thuộc - Nậm Cần - Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên) trong 3 năm (2021-2024) với tổng chiều dài toàn tuyến là 20km....
Điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Ở bản Huổi Só (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn), anh Mùa A Lùng (sinh năm 1999) được biết tới là người không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Anh là điển hình trong phong trào thanh niên...