Hiệu quả công tác tăng gia ở Đồn Biên phòng Ka Lăng
Trong câu chuyện với đồng chí Khoàng Sỳ Chừ - Chủ tịch UBND xã Ka Lăng, chúng tôi hiểu rằng từ các mô hình tăng gia sản xuất của bộ đội biên phòng đã giúp người dân trên mảnh đất biên cương nơi thượng nguồn sông Đà thay đổi tập quán sản xuất, chăn nuôi. Đồng chí Khoàng Sỳ Chừ chia sẻ: Nhân dân tại xã Ka Lăng rất tin và làm theo bộ đội biên phòng. Các hoạt động tăng gia của Đồn Biên phòng Ka Lăng từ việc tổ chức trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá đến chăm sóc, điều trị, phòng chống dịch bệnh, phòng chống rét cho đàn vật nuôi được bà con áp dụng hiệu quả. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình ở Ka Lăng biết áp dụng vào phát triển kinh tế theo mô hình vườn – ao – chuồng.
Chiến sỹ Đồn Biên phòng Ka Lăng chăm sóc vườn rau.
Trở lại Đồn Biên phòng Ka Lăng những ngày đầu tháng 4 để "mục sở thị" hiệu quả công tác tăng gia của đồn. Đưa chúng tôi đi thăm quan khu vực trồng rau xanh của đơn vị, Trung tá Phùng Nhù Giá – Chính trị viên Đồn Biên phòng Ka Lăng cho biết: Hiện đơn vị đang triển khai chăm sóc và thu hoạch rau màu vụ đông – xuân và trồng các loại cây vụ xuân – hè. Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chính là bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới trên khu vực được giao quản lý, công tác tăng gia được đơn vị triển khai hiệu quả. Đối với bộ đội biên phòng, nhiệm vụ về tăng gia sản xuất không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên để đảm bảo đời sống cho bộ đội, thông qua các hoạt động tăng gia cán bộ chiến sĩ (CBCS) xây dựng những mô hình phát triển kinh tế để người dân trên địa bàn đơn vị đóng quân học tập và làm theo.
Công tác tăng gia của đơn vị được triển khai thực hiện một cách có tổ chức, ở đồn, các tổ công tác Nậm Lằn, Nhóm Bố và Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ đều được quy hoạch khu vực trồng rau xanh với diện tích hàng nghìn mét và khu vực chăn nuôi hợp lý. Cụ thể như: Tại tổ công tác Nậm Lằn, tận dụng nguồn nước từ khe suối Đồn đã đầu tư hàng chục triệu đồng để thuê máy đào ao có diện tích trên 1.200m2 và tổ chức cho CBCS triển khai trồng cỏ voi, cỏ mật, chuối để gia cố bờ ao và chủ động thức ăn cho cá. Cùng với đó, hệ thống chuồng trại chăn nuôi của Đồn đã được xây dựng kiên cố, bố trí khoa học để duy trì đàn vật nuôi với gần 20 con bò, đàn dê trên 30 con, đàn lợn trên 20 con và hàng trăm con gia cầm. Công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai hiệu quả, CBCS thường xuyên tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh; vệ sinh chuồng trại, bổ sung thức ăn tinh bột cho đàn vật nuôi...
Chiến sỹ Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ - Đồn Biên phòng Ka Lăng chăm sóc đàn gia cầm.
Công tác tăng gia là nhiệm vụ thường xuyên và đã trở thành nề nếp đối với CBCS Đồn Biên phòng Ka Lăng, Đại úy Hoàng Văn Hưng – Trạm trưởng Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ cho biết: Trạm đóng quân ở vị trí đặc biệt nơi con sông Đà chảy vào đất Việt, xa trung tâm các chợ, việc chuẩn bị thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày cho CBCS chủ yếu là tự túc, chính vì thế, đơn vị luôn quan tâm đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Hàng ngày, sau những giờ học tập, huấn luyện, tuần tra bảo vệ biên giới, không ai bảo ai, chúng tôi đều tự động đến khu vực tăng gia. Với tôi, sau mỗi ngày làm việc căng thẳng được cùng đồng đội chăm sóc vườn rau và đàn gia súc, gia cầm, tâm sự về cuộc sống là điều kiện để chúng tôi hiểu nhau, đoàn kết hơn; từ đó CBCS của Trạm an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhờ làm tốt công tác tăng gia sản xuất, đảm bảo hậu cần, Đồn Biên phòng Ka Lăng chủ động được 100% rau xanh, trên 80% thực phẩm tươi cho CBCS; đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội được nâng lên, quân số khoẻ của đơn vị hằng năm luôn đạt từ 98,6% trở lên. Bên cạnh đó, các mô hình tăng gia, sản xuất đã giúp Nhân dân trên địa bàn Đồn đóng quân học hỏi, áp dụng phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo góp phần xây dựng vùng biên giới giàu mạnh. Qua đó, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Hà Dũng
Bình luận