Chủ nhật, 01/12/2024, 08:12 [GMT+7]
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại (28/9)

Chung tay phá vỡ rào cản - phòng, chống bệnh dại

Thứ năm, 26/09/2024 - 09:17'
Đó là chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại năm 2024 với kỳ vọng sự tham gia tích cực của mọi nhà, mọi người, mọi ngành và cả cộng đồng trong phòng, chống bệnh dại sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2030.

Thời gian gần đây, bệnh dại có chiều hướng tăng trở lại. Năm 2021, cả nước ghi nhận 66 trường hợp tử vong, năm 2022 ghi nhận 70 trường hợp, năm 2023 ghi nhận 82 trường hợp tử vong. Riêng 7 tháng đầu năm 2024 đã có 65 trường hợp tử vong, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Còn tại tỉnh Lai Châu, theo thông tin của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 2 trường hợp tử vong do mắc bệnh dại (trong đó: huyện Tân Uyên 1 trường hợp, huyện Sìn Hồ 1 trường hợp), tăng 1 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023. Đã có 1.926 người bị chó mèo nghi mắc bệnh dại cắn được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngày 19/9 vừa qua, gia đình có người thân ở quê lên chơi nên chị Phạm Thu Thủy (đường Trần Phú, thành phố Lai Châu) cho con đang học mẫu giáo nghỉ học ở nhà. Con chị rất yêu thích động vật nên trong lúc nô đùa không may bị chó cào vào hai má. Nhìn con vết cào rớm máu, gia đình chị vô cùng lo lắng, vội đưa đến cơ sở y tế để rửa vết thương, tiêm phòng dại. Chị tâm sự: Rất may là con chó cào cháu đã được tiêm vắc-xin phòng dại, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi trong 10 ngày xem có biểu hiện bất thường không. Còn cháu sau khi hoảng loạn lúc bị chó cào thì hôm sau vui chơi trở lại bình thường, không có biểu hiện bất thường nên gia đình cũng phần nào bớt lo lắng. Được nghe tuyên truyền nhiều về việc “Người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vắc-xin phòng dại càng sớm càng tốt” nên gia đình tôi chỉ tin tưởng vào vắc-xin phòng dại tại cơ sở y tế và thực hiện nghiêm túc việc tiêm theo phác đồ, đủ liều để phòng tránh bệnh dại cho con chứ tuyệt đối không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo hằng năm là cách tốt nhất, tiết kiệm nhất để phòng, chống bệnh dại.

Hưởng ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại năm 2024, nhằm tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại, nâng cao nhận thức của cộng đồng và chính quyền các cấp về bệnh dại, giảm thiểu các ca tử vong do bệnh dại gây ra và số người bị tai nạn do động vật cắn, hướng tới mục tiêu khống chế, loại trừ bệnh dại vào năm 2030, Sở Y tế cùng các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố... tích cực triển khai các hoạt động thiết thực.
Trong đó, tập trung truyền thông sâu rộng bằng nhiều hình thức (trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, trực tiếp qua họp tổ dân phố/bản, loa truyền thanh, phiên dịch các thứ tiếng của đồng bào địa phương...) về sự nguy hiểm của bệnh dại, cách phòng tránh nhằm tạo sự hưởng ứng và tham gia chủ động, tích cực của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại tại địa phương.
Cụ thể, vận động người dân khi nuôi chó, mèo thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho vật nuôi theo quy định; không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân khi không may bị chó, mèo, động vật nghi dại cắn biết cách xử lý vết thương và cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, tiêm phòng kịp thời. Đặc biệt, khuyến cáo bà con không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận; tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa bệnh dại. Truyền thông cho người dân hiểu về lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại sớm khi bị động vật nghi dại cắn. Phổ biến các chế tài xử lý vi phạm về nuôi chó, tiêm phòng vắc-xin dại theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ, nhất là việc chủ nuôi chó không tiêm phòng, để chó cắn người sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật...
Chị Kim Oanh (phường Tân Phong) cho hay: Qua đài, báo tôi biết bệnh dại rất nguy hiểm, mỗi năm có hàng trăm người chết và nửa triệu người bị tai nạn do chó, mèo cắn gây ra. Tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo hằng năm là cách tốt nhất, tiết kiệm nhất để bảo vệ tôi, gia đình và hàng xóm tránh nguy cơ bệnh dại. Do đó, dù có nuôi 1 con mèo cảnh rất đáng yêu, nhưng năm nào tôi cũng chú ý tiêm phòng dại cho mèo.
Bệnh dại là bệnh nguy hiểm do vi-rus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, cào hoặc liếm trên vết thương hở của động vật (chó, mèo), thường tác động lên hệ thần kinh, khi bệnh dại có biểu hiện lên cơn thì tử vong 100%. Bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vắc-xin phòng nên hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại.
Bác sỹ CKI Trần Đỗ Kiên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tính đến ngày 23/9/2024, cả nước ghi nhận 68 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại tại 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023 (62 trường hợp). Từ đầu năm đến nay, tại Lai Châu có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại (ở huyện Tân Uyên và Sìn Hồ) đều do sau khi bị chó cắn không đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Do đó, để phòng bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt 5 biện pháp sau: tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hằng năm; không thả rông chó, mèo, nếu đưa chó ra đường phải được đeo rọ mõm và có người dẫn; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm trên vết thương hở cần xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút càng sớm càng tốt dưới vòi nước chảy với xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng cồn 700 hoặc cồn i ốt, ngoài ra không làm dập nát thêm vết thương, tránh khâu kín ngay vết thương; đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại.
Hy vọng với sự nỗ lực không ngừng trong công tác truyền thông của các cấp, ngành, địa phương trong toàn tỉnh, sẽ góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người trong việc chung tay đẩy lùi bệnh dại để việc phòng dại trở thành việc làm tự giác của mỗi người.

Thảo Nguyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...