Khai thác tuyến giao thông đang thi công: An toàn phải trên hết, trước hết
Kỳ 2: Đẩy nhanh tiến độ thi công, xử phạt nghiêm, răn đe mạnh
*Kỳ 1: Nhiều khó khăn trong đảm bảo an toàn giao thông
Hiện trạng giao thông ở Tân Uyên
Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc (tuyến nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai) đoạn qua địa phận huyện Tân Uyên gồm 3 gói thầu (XL-04, XL-05, XL-06) kéo dài từ xã Pắc Ta đến xã Phúc Khoa dài 23,2km. Với sự dốc sức, nỗ lực của đơn vị chủ đầu tư, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các địa bàn có dự án ngang qua, dự án đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, đến nay, đối với các gói thầu trên địa bàn huyện Tân Uyên vẫn chưa hoàn tất phần đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công. Đối với thực hiện nhiệm vụ xây lắp, các gói thầu mới chỉ đạt tỷ lệ từ gần 40% đến trên 60%. Điều này đồng nghĩa với khối lượng phần việc còn lại rất lớn, thời gian thi công còn dài, trên những đoạn địa hình cắt cua, giải phóng mặt bằng vẫn còn xảy ra các tình huống như: lồi lõm, ổ trâu, ổ gà, sạt lở từ taluy dương ở cả phần đã thi công và chưa thi công. Nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông (ATGT) là thấy rõ.
Tuyến Tỉnh lộ 133 bị chia cắt do sạt lở đất trong mùa mưa năm nay khiến việc tham gia giao thông của người dân rất khó khăn.
Đối với Dự án nâng cấp tuyến đường tỉnh 133, đoạn Km0-Km21 đang được UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền huyện Tân Uyên sát sao hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông tỉnh để tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Công trình kéo dài từ điểm đầu quốc lộ 32 tại xã Thân Thuộc vào đến xã Nậm Sỏ với chiều dài trên 20km. Theo quyết định phê duyệt, dự án được triển khai trong giai đoạn 2021-2024 nhưng thời điểm này, tiến độ vẫn chưa mấy khả quan. Mùa mưa vừa qua, nhiều người dân liên tục ý kiến về việc mất an toàn khi đi qua tuyến đường. Thi công không liền mạch, các đơn vị nhà thầu tận dụng tối đa diện tích đã được bàn giao để thực hiện theo phương châm: dễ làm trước, khó làm sau. Đơn vị nhà thầu thi công lắp cống thoát nước sớm nên nền đường chưa xong, khi mưa xuống, nước đọng lại ở giữa, nhiều đoạn gồ ghề, xộc xệch nền đất đá khiến người dân khó khăn khi đi lại, học sinh đi học rất nguy hiểm.
Ý kiến người trong cuộc
Thừa nhận hậu quả không mong muốn khi khai thác tuyến giao thông đang thi công, công văn do Ban Quản lý Dự án 2 - đơn vị chủ đầu tư Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc (tuyến nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai) nêu rõ: Do tuyến trải dài, nhiều yếu tố khách quan tác động đến cọc tiêu, biển báo nên đôi khi nhà thầu chưa thể kịp thời khắc phục. Ban Quản lý Dự án 2 và đơn vị tư vấn giám sát thường xuyên có mặt để kiểm tra, nhắc nhở đơn vị nhà thầu khi thi công phải đảm bảo ATGT theo đúng quy định. Cũng trên tuyến thi công của dự án, tại vị trí km395 thuộc gói thầu xây lắp số 6 (đoạn tiếp giáp giữa xã Bản Bo (huyện Tam Đường) và xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) trong mùa mưa vừa qua đã xảy ra sạt lở toàn bộ đồi chè tràn bùn đất xuống lòng đường cản trở lưu thông, một số thời điểm gây tắc nghẽn giao thông cục bộ. Ban Quản lý Dự án 2 đã chỉ đạo đơn vị thi công tổ chức hót sụt liên tục, rải cấp phối để các phương tiện tham gia giao thông đảm bảo an toàn trong quá trình lưu thông. Kết thúc mùa mưa, thời tiết thuận lợi, đơn vị chủ đầu tư tiếp tục chỉ đạo nhà thầu thực hiện các giải pháp xử lý triệt để khu vực sụt trượt này đảm bảo khai thác bền vững cho công trình. Để giảm thiểu thấp nhất tình trạng mất ATGT tại các tuyến đường đang thi công thuộc dự án trên, đơn vị chủ đầu tư cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh và huyện tiến hành tuyên truyền nhân dân về tuyến đường đang thi công. Tổ chức tập huấn về ATGT để nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông tại tuyến đường vừa thi công, vừa khai thác.
Thượng tá Vũ Trọng Hiếu - Phó trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cũng khẳng định: Quá trình vừa thi công, vừa khai thác đã tác động đến việc đi lại của nhân dân, các phương tiện di chuyển chậm, hạn chế tầm nhìn, có thể gây ách tắc giao thông trong thời gian nhất định. Số lượng vật liệu thi công và đất đá san lấp nhiều, phương tiện vận tải phục vụ quá trình thi công gây ảnh hưởng đến đảm bảo ATGT.
Để kiểm soát tình hình vi phạm trật tự ATGT và giảm các vụ tai nạn giao thông dẫn đến thiệt hại người và của, Đội CSGT-TT Công an huyện Tân Uyên khắc phục khó khăn do quân số mỏng, phân công lịch trực thường xuyên nắm vững địa bàn. Tiến hành tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường liên bản, liên xã, qua đó phát hiện, xử phạt, lập biên bản hành chính với các trường hợp vi phạm. Trong 9 tháng năm 2024, số trường hợp phát hiện tăng 146% so với cùng kỳ; xử phạt hành chính với số tiền tăng 118,7% so với cùng kỳ; ra quyết định tước 73 giấy phép lái xe và giấy tờ các loại. Đội cũng xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, học sinh vi phạm.
Lấy sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết, lực lượng CSGT Công an tỉnh và Công an huyện Tân Uyên kiến nghị các cấp, ban, ngành, đoàn thể quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trên địa bàn huyện, chỉ đạo giải ngân vốn sớm để các doanh nghiệp triển khai đồng bộ hiệu quả. Đối với các chủ đầu tư, doanh nghiệp, cần triển khai sớm, hiệu quả theo đúng kế hoạch và tiến độ. Phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng phân tuyến giao thông hợp lý trong thời gian thi công, đảm bảo trang thiết bị, phương tiện phục vụ thi công công trình, các biển báo thi công được đặt ở các vị trí dễ quan sát, có bộ phận cảnh giới an toàn cho lực lượng thi công và nhân dân trong quá trình di chuyển trên các tuyến thi công.
Thời gian tới, trên địa bàn huyện Tân Uyên tiếp tục được đầu tư mở mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông. Đây sẽ là những “cú huých” mạnh mẽ cho diện mạo của địa phương song sự an toàn của người dân vẫn phải đặt lên trên hết, trước hết. Do đó, các cấp, ngành, cơ quan liên quan cần thực sự lưu tâm trong quá trình thi công.
Thu Trang
Bình luận