Muôn trái tim hướng tới Trường Sa
Được tham gia đoàn chuyển quà tết Quý Mão đến các đảo, nhà giàn, tôi mới phần nào hiểu được nỗi niềm của mỗi con dân đất Việt hướng về phần máu thịt đang ngày ngày đương đầu với sóng cồn, gió dữ ngoài trùng khơi.
Dịch Covid-19 tuy đã qua đỉnh nhưng những diễn biến khó lường và hệ lụy của nó khiến Bộ Tham mưu (Quân chủng Hải Quân) không thể coi thường bởi không muốn vô tình mang loại virut quái ác lên nơi dễ tổn thương như các đảo, nhà giàn. Chúng tôi - những nhà báo được mời tác nghiệp theo các đoàn chuyển quà tết được xét nghiệm hàng ngày và cách ly tại khách sạn Trường Sa (một khách sạn của lực lượng Hải quân). 3 ngày cấm trại trong khách sạn không vô bổ và tẻ nhạt như nhiều người hình dung. Đó là “khoảng đệm” tuyệt vời để các nhà báo gói gém lại tư trang và nhất là chuẩn bị quà cho các cán bộ, chiến sỹ với hy vọng tết này anh em trên các đảo sẽ được tươm tất hơn.
Nhà báo Đặng Thị Phương Hoa (Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang) và nhà báo Dư Khánh Kiên (Báo Lai Châu) chuẩn bị quà ra Trường Sa.
Chuyến đi này, tôi được gặp những nhà báo có hàng chục lần ra đảo, thậm chí có người có đến cả 32 lần ra các đảo, các tuyến. Tiếp xúc với họ tôi hiểu mỗi lần lên tàu ra đảo không đơn thuần đó là một lần làm nhiệm vụ mà đó còn là trách nhiệm mang xuân đến với Trường Sa. Có người ngay từ lúc xuất hiện ở khách sạn đã để lại ấn tượng khá mạnh với anh em đồng nghiệp khi có hẳn một xe ôtô chở hàng chục thùng hàng và anh em chiến sỹ hải quân khệ nệ khuân vác. Đó không phải là tư trang, đó là quà tết mà chính các anh vận động để mang ra đảo cho anh em chiến sỹ đón tết. Đúng là các nhà báo của biển đảo, cách các anh hành xử, cách các chiến sỹ giao tiếp với các anh khiến tôi thấy họ như một cán bộ hải quân có tâm, có tầm. Cái tâm, cái tầm ấy thể hiện qua cách các anh lựa chọn quà ra đảo. Đó là những thứ khá đời thường với nhiều người nhưng mấy em lính trẻ lại coi đó như của quý. Đó là tông đơ (của Công ty Cổ phần Thương mại kỹ thuật năng lượng Việt Nam (trụ sở tại Hà Nội) thông qua Báo Thanh Niên tặng bộ đội Trường Sa) để anh em cắt tóc, đó là lịch bàn để tiện ghi chép công việc. Thậm chí tôi thấy có anh còn chuẩn bị cả những chậu hoa tươi (những thứ vô cùng xa xỉ với anh em lính đảo) vì các anh bảo “không có hoa thì làm sao có tết”. Khi cùng các anh chuẩn bị hàng ra đảo, tôi còn thấy có anh có cả một bộ áo the, khăn xếp cùng một chiếc quạt giấy màu đỏ khá đẹp. Các anh chỉ nói về dự định sử dụng những vật ấy vào khi nào mà không giải thích công dụng của nó, nhưng chúng tôi ai cũng hiểu, ai cũng phục cái tâm, cái ý của những nhà báo của biển đảo ấy. Họ muốn mang xuân ra đảo, mang cái quê hương, gần gũi nhất đến với những người đang phải hy sinh cho sự bình yên của biển, đảo Tổ quốc.
Nếu nói về mang xuân ra Trường Sa không thể không kể đến chị Đặng Thị Phương Hoa (hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang). Chị Phương Hoa năm nay đã 66 tuổi, đã nghỉ hưu, đã ở cái tuổi đáng lẽ là an nhàn, hưởng lạc, nhưng đây là lần thứ 3 chị ra đảo. Những ngày này gió to và sóng rất lớn. Người dân ở Cam Ranh (Khánh Hòa) luôn xuýt xoa: biển động. Biển động, biển động, ấy là nỗi kinh hoàng của những người vùng cao đi biển, bởi những ngày lử đử lừ đừ vì say sóng. Ấy thế mà người phóng viên già này vẫn chẳng hề nao núng mà còn tủm tỉm đọc mấy câu thơ “Vì Trường Sa phía trước – Sóng gì cũng không say”. Chị hăng hái xung phong đến với phần lãnh thổ phía Đông của Tổ quốc không phải bởi sự hiếu kỳ mà còn có một động lực to lớn. Động lực ấy là 8 thùng các tông to; trong đó là những măng khô, tai chua khô, trà mạn, ớt quả, bánh tam giác mạch và thậm chí chị còn chuẩn bị cả những gói bồ kết tán bột để cán bộ chiến sỹ gội đầu. Nào đã hết, sau chuyến đi đảo lần trước, chị về với quê hương Hà Giang đã tham gia nhiều hoạt động giáo dục, xã hội tuyên truyền về biển đảo. Trong những lần ấy, chị đã truyền được cảm hứng, tình yêu đảo đến với các cháu học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Là và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Và chuyến đi này, bên cạnh các phần quà vật chất, chị còn mang theo tâm tư của 15 em học sinh tiểu học qua 15 bức thư gửi các chú bộ đội Trường Sa, để các chú vơi bớt nỗi nhớ nhà, chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ôi… Tình cảm của một người chị với các em trên đảo, của một người con vùng cao đến với phần lãnh thổ ngàn trùng thật thiêng liêng đáng trân trọng làm sao. Các phóng viên khi khai thác thông tin nơi chị như càng ngỡ ngàng hơn khi biết rằng các phần quà, những hoạt động của chị dành cho biển đảo đều từ khoản lương hưu ít ỏi, những khoản nhuận bút và thậm chí là các giải thưởng mà chị có được.
Khi biết chúng tôi sắp mang quà ra Trường Sa, những bà con ở chợ Mỹ Ca (Cam Ranh – Khánh Hòa) mà chúng tôi tiếp xúc cũng không giấu niềm thương, nỗi nhớ dành cho những người lính đảo. Bà con dặn chúng tôi phải động viên các anh em thật nhiều, viết nhiều về đảo nhé. Chị Nguyễn Thị Bích Phương làm việc ở một quán hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh còn tỏ ý muốn gửi quà cho các anh em trên đảo vì “thương tụi nhỏ lắm”. Cũng muốn chúng tôi viết thật nhiều về biển đảo, binh nhất Trương Minh Nhất làm nhiệm vụ canh gác ở khách sạn Trường Sa cũng gửi gắm: “Chúng em ở đây không vất vả như các bạn ngoài đảo, các anh ra đấy viết nhiều về các bạn ấy để động viên nhé. Nếu được ra đảo em sẽ xung phong đi ngay”.
Các nhà báo tôi đã gặp, những đồng bào tôi đã tiếp xúc, những tình cảm tôi được nghe, những nỗi niềm nhận gửi gắm khiến tôi thật ấm lòng dù ngoài trời gió vẫn vần vò những cây phong ba, bão táp. Muôn trái tim, vạn tấm lòng đang ngày ngày hướng về biển đảo mà phấn đấu. Những tình cảm đó sẽ đem đến cho Trường Sa và các đảo thân yêu nguồn sức mạnh vô bờ để những người lính đảo thêm chắc tay súng, bảo vệ vững chắc biển đảo Tổ quốc.
Khánh Kiên
Bình luận