Cách nhận dạng má phanh xe máy 'xịn'
Má phanh thường nằm ở vị trí khuất khó quan sát, chỉ khi nào thấy phanh không ăn hoặc có tiếng kêu thì người sử dụng mới đưa xe đi kiểm tra. Độ bền của má phanh cũng tùy thuộc vào người sử dụng và chất lượng. Trên thị trường hiện có rất nhiều loại má từ chính hãng cho đến hàng trôi nổi, việc phân biệt và lựa chọn không dễ dàng.
Má phanh tang trống. Ảnh: Lương Dũng.
Các hãng xe máy hiện thường sử dụng má Nissin. Trong khi trên thị trường còn có sản phẩm khác như Delta (Thái Lan), Brembo, Elig… Má phanh chia ra làm 2 loại chính: phanh đĩa và má phanh tang trống. Cấu tạo gồm hỗn hợp amiang trộn với bột đồng hoặc bột nhôm.
Phân biệt má phanh chính hãng và hàng kém chất lượng chủ yếu dựa vào quan sát, cảm nhận và sự tin tưởng người bán. Ở hàng chính hãng, các đường nét góc cạnh sắc nét, tên thương hiệu thường in nổi, ký hiệu và số rõ trên xương má phanh, mặt phẳng của má không bị cong vênh, lồi lõm.
Khi bề mặt má hoặc xương má không phẳng, hoặc không đúng biên dạng tiêu chuẩn sẽ gây hiện tượng bó, mòn không đều và thậm chí sẽ làm giảm tuổi thọ các chi tiết liên quan như đĩa, lòng moay-ơ…Khi phanh sẽ phát ra tiếng kêu.
Theo kỹ sư Nguyễn Hồng Cương, xưởng Thành Gia (Hà Nội), với các loại má phanh làm giả, làm nhái, về ngoại quan các chi tiết góc cạnh không sắc nét, thiếu tinh xảo và thường không có tên hãng sản xuất hoặc tên hãng và số hiệu in mờ, thời gian sử dụng phanh nhanh bị mòn. Một số loại còn dùng xương của má phanh cũ, dán thủ công bằng các tấm ma sát kém chất lượng. Trong quá trình sử dụng các tấm ma sát bong gây kẹt phanh và không đảm bảo chức năng.
Người sử dụng xe nên thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng xe định kỳ, đến trung tâm sửa chữa và bảo dưỡng có uy tín. Lúc chọn mua hay thay má phanh, nên yêu cầu cửa hàng hay người bán cho xem trước để kiểm tra và so sánh nếu có thể.
Má phanh đĩa mới chính hãng với các chi tiết sắc nét.
Bề mặt xương má phanh dầu khi ốp vào nhau không bị cong vênh. Ảnh Lương Dũng.
Theo Lương Dũng (VNE)
Bình luận