Thứ sáu, 10/01/2025, 15:05 [GMT+7]

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới

Thứ sáu, 10/01/2025 - 07:40'
(BLC) - Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp lại như lúc đầu. Đây là những cản trở không nhỏ cho sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu nói chung, huyện Tân Uyên nói riêng tiến xa hơn.

Nhắc đến cơ sở chăn nuôi của anh Đoàn Văn Kiên và chị Đàm Thị Nhiễu (Tổ dân phố 5, thị trấn Tân Uyên) nhiều người đều biết đây là địa chỉ tin cậy trong sản xuất, cung ứng thực phẩm trọn gói uy tín trên địa bàn. Từ công đoạn nuôi, chăm sóc, giết mổ cho đến thành phẩm, cơ sở này đều thực hiện chuẩn chỉ, đảm bảo an toàn thực phẩm. Cũng vì thế, đến nay cơ sở này có tới 5 sản phẩm (đều là thực phẩm) tự sản xuất, chế biến được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao gồm: xúc xích lợn, thịt lợn sấy, thịt trâu sấy, lạp xườn và gà ủ thảo mộc đều mang nhãn hiệu Nhiễu Kiên. Thành công là vậy song ít ai biết, để những sản phẩm được công nhận OCOP, cơ sở Nhiễu Kiên đã phải tốn nhiều công sức, thời gian thế nào.

1

Cơ sở chăn nuôi Kiên Nhiễu hiện có 3 sản phẩm chưa làm thủ tục công nhận lại.

Chị Đàm Thị Nhiễu chia sẻ: Tận dụng lợi thế chăn nuôi của gia đình, chúng tôi sản xuất các sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc, xuất xứ và phấn đấu đạt chuẩn OCOP để quá trình tiêu thụ được thuận lợi. Quá trình xây dựng sản phẩm OCOP tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Xác định chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm là ngành nghề chính của gia đình nên khi sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao, chúng tôi đã chủ động in bao bì, nhãn mác số lượng lớn với số tiền khoảng 45 triệu đồng (chưa kể nhiều chi phí khác).

Sản xuất quy mô lớn nên sau 3 năm được công nhận, cơ sở chưa kịp thu hồi đủ vốn thì lại tiếp tục phải làm thủ tục công nhận lại. Chi phí đầu tư không ít đến nay có 3 sản phẩm hết hạn mà cơ sở vẫn chưa có điều kiện để thực hiện. Giờ đây, thời hạn công nhận sản phẩm OCOP đã hết, thực phẩm làm ra nếu tiếp tục sử dụng nhãn mác là sản phẩm OCOP sẽ không đúng quy định và bị xử phạt, còn không kèm nhãn mác thì sản phẩm cũng giống như các mặt hàng trôi nổi ngoài thị trường. Cơ sở đang lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” trong tìm hướng đi mới cho phát triển kinh tế gia đình.

2

Sản phẩm măng tây xanh Trọng Nghĩa của Công ty TNHH MTV Trọng Nghĩa.

Tính đến hết năm 2024, huyện Tân Uyên có 25 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 24 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao. Tháng 12/2024, có 3 sản phẩm được công nhận lại gồm ổi, bưởi và nhân hạt mắc ca Tân Uyên. Có nhiều sản phẩm hết thời hạn công nhận nhưng các chủ thể chưa làm thủ tục công nhận lại.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, dù các sản phẩm OCOP của huyện đạt được trong thời gian qua mang đậm dấu ấn tiềm năng, thế mạnh của địa phương; góp phần quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tạo dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Tân Uyên, tuy nhiên, quá trình đưa các sản phẩm tiếp tục tiến những bước dài, vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể là một số sản phẩm sau khi được công nhận không duy trì được sản lượng, diện tích như: sản phẩm măng tây xanh Trọng Nghĩa của Công ty TNHH MTV Trọng Nghĩa; sản phẩm gạo Khẩu ký của Hợp tác xã Công nghệ và Môi trường. Một số sản phẩm OCOP chưa phát huy được hiệu quả của sản phẩm sau chứng nhận.

3

Sản phẩm nhân hạt mắc ca của Hợp tác xã Thanh niên Xung phong huyện Tân Uyên vừa được công nhận lại.

Đối với sản phẩm công nhận lại, do không có tiền thưởng như được công nhận lần đầu nên các sản phẩm hết hiệu lực Giấy chứng nhận các chủ thể không mặn mà với việc đánh giá, công nhận lại. Một số chủ thể xác định đánh giá lại cũng khó “nâng hạng” sao nên không tiếp tục đầu tư. Mặt khác, trong nhận thức của một số chủ thể, các sản phẩm đạt OCOP 3 sao năm 2019 đang thuộc UBND tỉnh công nhận, xếp hạng; nay theo phân cấp, sản phẩm lại do hội đồng cấp huyện đánh giá, công nhận, công bố nên xem như “tụt hạng”, làm giảm động lực để tiếp tục xây dựng sản phẩm OCOP.

Theo quy định, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ có thời hạn 36 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận. Để tiếp tục được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP có gắn sao) in, dán trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường, các sản phẩm này cần phải được cơ quan chức năng đánh giá, công nhận lại. Đồng chí Chu Văn Thanh – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên thông tin thêm: Thủ tục công nhận lại sản phẩm OCOP cũng giống như thủ tục công nhận mới, đồng nghĩa với việc các chủ thể phải làm lại từ đầu và không được hỗ trợ gì. Dù cơ quan chuyên môn huyện luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa các chủ thể trong quá trình thực hiện nhưng nhiều cơ sở không muốn làm vì tốn kém.

4

Sản phẩm chè sản xuất theo phương pháp hữu cơ của chủ thể tại Phúc Khoa được công nhận OCOP 3 sao.

Để không trở thành rào cản và tiếp tục tạo động lực cho địa phương phát triển, mở rộng các sản phẩm nông nghiệp mang đậm dấu ấn Tân Uyên, đồng chí Chu Văn Thanh cho biết, đơn vị đang tổng hợp, đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét kéo dài thời gian công nhận lại sản phẩm OCOP lên 5 năm (thay vì 3 năm) đối với các mặt hàng chế biến thường xuyên. Với các mặt hàng nông sản không liên quan đến thực phẩm, nước uống, đề nghị kéo dài thời gian công nhận lại lên 5-10 năm. Về thủ tục công nhận lại, các chủ thể chỉ cần làm đơn đề nghị gửi cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định sản xuất và chất lượng sản phẩm OCOP là có thể đạt yêu cầu…

Hiện huyện vẫn còn 3 xã chưa xây dựng được sản phẩm OCOP, dự kiến trong năm 2025, huyện sẽ hỗ trợ xây dựng sản phẩm cá phi lê đông lạnh và xúc xích cá lăng tại xã Tà Mít, sản phẩm mắc ca ở xã Nậm Cần và sản phẩm thịt sấy ở xã Trung Đồng. Mong rằng, những sản phẩm OCOP ở Tân Uyên sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển, khẳng định vị thế ở nơi mảnh đất “mật ngọt sinh sôi”.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) - Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời...
Điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Ở bản Huổi Só (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn), anh Mùa A Lùng (sinh năm 1999) được biết tới là người không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Anh là điển hình trong phong trào thanh niên...