Thứ bảy, 11/01/2025, 09:02 [GMT+7]

Cục đăng kiểm lên tiếng về xe tay ga Diamond Blue

Thứ năm, 18/11/2010 - 08:15'
Chiều 17/11, ông Đỗ Hữu Đức, phó cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam đã trả lời về việc rút giấy chứng nhận chất lượng của mẫu xe tay ga Diamond Blue do động cơ ghi sai nguồn gốc. 

>> 'Xe lai' Diamond Blue bị yêu cầu thu hồi

Xin ông cho biết quy trình cấp giấy chứng nhận chất lượng động cơ AF14E trên chiếc Diamond Blue 125?

Trong hồ sơ gửi Cục đăng kiểm, công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy và xe máy Vinashin đã cung cấp đầy tài liệu theo quy định và khai động cơ AF14E mang nhãn hiệu "Honda" do công ty Sundiro Honda Motorcycle (Thượng Hải), Trung quốc sản xuất.

Do động cơ AF14E nhập khẩu nguyên chiếc là loại mới, mang nhãn hiệu Honda, lần đầu xuất hiện nên chúng tôi đã có ngay công văn đề nghị Honda Việt Nam cung cấp thông tin.

Diamond Blue, mẫu xe có vóc dáng giống Vespa là lắp động cơ Honda. Ảnh: L.C.
Diamond Blue, mẫu xe có vóc dáng giống Vespa là lắp động cơ Honda.

Ở văn bản trả lời ngày 15/4/2010, Honda Việt Nam không khẳng định rõ được nguồn gốc của động cơ này và đề nghị Cục liên hệ trực tiếp với "doanh nghiệp xuất khẩu phía Trung Quốc và doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam".

Ngày 19/4, chúng tôi gửi văn bản cho Sundiro Honda Motorcycle theo đường bưu điện. Đến 17/5 thì công ty này xác nhận sản xuất và cung cấp cho công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy và xe máy Vinashin động cơ AF14E mang nhãn hiệu Honda.

Trên cơ thử nghiệm chất lượng và tài liệu nêu trên, chúng tôi cấp chứng nhận cho Diamond Blue 125, lắp động cơ Honda AF14E.

Lý do gì khiến mới đây Cục lại rút giấy chứng nhận?

Đến tháng 9, khi Diamond Blue 125 bán ra thị trường, một số báo đăng tải ý kiến của Tổng giám đốc Honda Việt Nam cho rằng động cơ AF14E mang nhãn hiệu Honda không phải do Sundiro Honda Motorcycle, Trung Quốc sản xuất.

Vì vậy, Cục có văn bản thứ 2 yêu cầu Honda Việt Nam cung cấp tài liệu liên quan. Ngày 30/9, ông Hiroshi Sekiguchi, Chủ tịch Sundiro Honda Motorcycle thông báo công ty này không sản xuất và bán động cơ AF14E mang nhãn hiệu Honda.

Do nhận được cùng từ Sundiro Honda Motorcycle hai văn bản có nội dung hoàn toàn trái ngược và không có điều kiện thẩm tra tính xác thực nên chúng tôi đề nghị phòng tham tán kinh tế thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam kiểm tra, xác minh giúp.

Sau khi tiến hành thẩm tra, Phòng tham tán kinh tế thương mại Trung Quốc xác nhận văn bản ngày 30/9 do ông Hiroshi Sekiguchi ký là văn bản chính thức và Sundiro Honda Motorcycle không sản xuất động cơ AF14E mang nhãn hiệu Honda.

Căn cứ kết quả trên, Cục tiến hành việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho Diamond Blue 125 lắp động cơ AF14E mang nhãn hiệu Honda.

Ông có ý kiến gì về việc hai văn bản từ cùng một công ty lại có nội dung trái ngược nhau? Cái nào là giả và cái nào là thật?

Chính tôi cũng bất ngờ. Trong tình huống này thì không thể xác minh thật giả vì văn bản Cục gửi đi bằng đường bưu điện, nhận được cũng bằng đường bưu điện. Chúng tôi chỉ còn cách xác minh thông qua Đại sứ quán.

Trong trường hợp đơn vị lắp ráp đưa ra các giấy tờ chứng minh nguồn gốc động cơ ghi rõ nhãn hiệu Honda, Cục xử lý như thế nào?

Trong hồ sơ gửi đăng kiểm, công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy và xe máy Vinashin khai động cơ do Sundiro Honda Motorcycle sản xuất. Chúng tôi có chức năng kiểm tra về chất lượng, an toàn, khí thải và cấp giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, khi có ý kiến từ Honda Việt Nam và xác minh từ Đại sứ quán Trung Quốc cho thấy động cơ không phải do Sundiro Honda Motorcycle sản xuất thì Cục xử lý theo quy định. Việc này cũng giống như khai lý lịch, người khai hoàn toàn chịu trách nhiệm với lời khai của mình.

Còn họ có những giấy tờ gì ngoài hồ sơ đã nộp thì tôi không có ý kiến. Cục chỉ xem xét dựa trên các tài liệu mà đơn vị nộp theo đúng danh mục và xác minh những thông tin trên đó.

Vậy đơn vị lắp ráp cần có những giấy tờ gì để được cấp lại giấy chứng nhận?

Cái này tôi cũng không thể trả lời. Xử lý của Cục dựa trên những thông tin sẵn có, mà công văn trả lời của phòng tham tán kinh tế thương mại Trung Quốc hiện có giá trị cao nhất.

Theo VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...