Mua ô tô trả góp: Tưởng "ngon ăn", ai dè... "ngã ngửa"
Ký một đằng, áp dụng một nẻo
Tháng 7/2011, qua sự tiếp thị của nhân viên Công ty Western Ford, gia đình ông P (ngụ phường Trường Thạnh, quận 9, TP. Hồ Chí Minh) ký hợp đồng mua trả góp chiếc xe Ford Fiesta (sau này gắn biển số 51A- 151...) của công ty này và trả trước 30%, phần còn lại trả góp hàng tháng với lãi suất chỉ hơn 15%/năm.
Mặc dù gia đình ông P yêu cầu trả góp hàng tháng thông qua Ngân hàng Techcombank, nhưng nhân viên của Western Ford là ông Võ Văn Sơn yêu cầu có tính “bắt buộc” gia đình ông P phải trả góp hàng tháng qua Công ty CP Tài chính Handico (chi nhánh tại số 31 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.Hồ Chí Minh).
Chiếc xe mua trả góp của ông P.
Ông Sơn nhiệt tình hướng dẫn ông Quỳnh Duy (người đại diện của Handico) đến tận nhà ông P tư vấn và làm thủ tục cho vay 380 triệu đồng và trả góp hàng tháng trong vòng 5 năm... Theo lời ông Quỳnh Duy, lãi suất cho vay là 21%/năm, 3 tháng sẽ hạ lãi suất theo quy định. Tin lời nên vợ chồng ông P ký hợp đồng và theo bản thỏa thuận dự kiến trả nợ hàng tháng mà 2 bên đã ký thì tháng đầu tiên ông P trả cao nhất là 13.466.000 đồng, hàng tháng sẽ giảm dần theo số tiền đã trả góp (nợ gốc mỗi tháng là 6.333.333 đồng). Thế nhưng, Công ty Handico chỉ thực hiện trong 3 tháng đầu và sau đó là tự ý tăng lãi suất lên 24%/năm. Và những tháng sau đó, có tháng gia đình ông P phải đóng hơn 14 triệu đồng.
Tiếp xúc với phóng viên, ông P bức xúc: “Điều kỳ lạ là trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước quy định các đơn vị cho vay không được vượt 17%/năm. Và cũng trong năm này, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần yêu cầu các ngân hàng và các đơn vị cho vay hạ lãi suất và nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhưng Công ty Handico vẫn không hạ mà lại tăng... Tính đến đầu năm 2013, Handico tự ý nâng lên mức lãi suất 24,8%/năm”.
Yêu cầu kỳ lạ
Theo Hợp đồng ký giữa gia đình ông P và Công ty Handico, công ty giữ giấy đăng ký xe ôtô và nếu gia đình ông vi phạm hợp đồng thì công ty sẽ kiện ra tòa án. Gần 2 năm qua, chưa một lần gia đình ông P đóng tiền trễ hẹn, nhưng gần đây, Handico thường xuyên gửi giấy đến các cơ quan chức năng và gia đình ông P dọa thu giữ chiếc xe trên, với nội dung: “Hết thời gian lưu hành trên, đề nghị cơ quan pháp luật thực hiện việc giữ xe và thông báo cho cơ quan chúng tôi”.
Theo luật sư Lê Nguyên Đán (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước), việc Công ty Handico có văn bản “đề nghị các cơ quan pháp luật thực hiện việc giữ xe...” là sự xúc phạm khách hàng. “Đây là hợp đồng dân sự, nếu khách hàng không trả nợ, thì công ty phải yêu cầu tòa án giải quyết chứ không thể yêu cầu “cơ quan pháp luật” giữ xe. Sẽ chẳng có bất kỳ cơ quan nào dám giữ xe trong trường hợp này, nên văn bản của họ không có giá trị”- ông Đán nói.
Khi phóng viên đề cập đến đơn khiếu nại của gia đình ông P thì ông Võ Văn Sơn cho rằng, thời điểm mà ông “giới thiệu” cho ông P vay tiền Handico mua xe thì đây là công ty có chính sách tốt nhất. “Tôi chỉ giới thiệu, còn việc vay tiền và lãi suất bao nhiêu là việc của công ty và khách hàng thỏa thuận với nhau. Hiện lãi suất của họ bao nhiêu, chỉ có họ mới biết chứ tôi cũng không được biết...”- ông Sơn nói.
Theo Hữu Danh - Ngọc Ánh (Dân Việt)
Bình luận