Thị trường xe máy điện im lìm chờ khách
Theo khảo sát của HNMO tại một cửa hàng xe điện lớn, có uy tín trên phố Khâm Thiên, lượng người mua xe đạp điện vẫn ở mức cao, chủ yếu là học sinh cấp 2, cấp 3. Giá xe đạp điện cũng rẻ hơn so với xe máy điện, trung bình dưới 10 triệu đồng là có một chiếc xe đạp điện tốt. Trong khi đó, xe máy điện có giá từ 10 triệu đến 15 triệu, kiểu dáng được sản xuất giống với xe tay ga chạy bằng xăng. Mẫu mới nhất là chiếc xe máy điện Vespa, trông khá giống một chiếc xe máy cùng tên chạy bằng nhiên liệu xăng, có giá trên 15 triệu đồng.
Các dòng xe máy điện mang kiểu dáng giống như xe tay ga chạy bằng xăng thông thường.
Theo như chủ cửa hàng phân tích, xe máy điện có tốc độ nhanh hơn (tốc độ tối đa 45km/h, xe đạp điện là 30km/h), được trang bị thiết bị giảm sóc nên có phần êm ái hơn xe đạp điện. Lượng điện cho một lần sạc của xe máy có thể chạy được gần 100 km, trong khi đó xe đạp điện chỉ có thể chạy được khoảng 50 - 70 km. Dù có nhiều ưu điểm vượt trội hơn, nhưng người tiêu dùng vẫn có xu hướng chọn xe đạp điện làm phương tiện đi lại bởi đa phần người lớn tuổi và trẻ em không muốn “mạo hiểm” với tốc độ không quá nhanh. Ngoài ra, xe đạp điện có khá nhiều kiểu dáng và màu sắc để lựa chọn hơn. Một ngày nếu di chuyển khoảng 40 km thì ắc quy bền và có thể dùng trong 3-4 năm.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người e ngại cho rằng xe máy điện, xe đạp điện ở nước ta hiện nay chưa có cơ quan nào kiểm định và cũng chưa đủ thời gian để thị trường tự kiểm định chất lượng.
Mặc dù Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện do Bộ GTVT ban hành bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, nhưng cho đến nay, ranh giới phân biệt giữa hai loại phương tiện này vẫn khá mù mờ. Người điều khiển không quan tâm và không cần biết mình có phải đội mũ bảo hiểm hay đăng ký xe hay không.
Dòng xe máy điện có giá đắt.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện đi kèm Thông tư số 39/2013 do Bộ GTVT ban hành quy định rõ: xe đạp điện là xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 25 km/giờ và xe có bàn đạp, vận tốc trên 25km, trọng lượng trên 45kg thì được quy định là xe máy điện.
Trên thực tế, giữa hai loại xe này có kiểu dáng khá giống nhau nên rất khó phân biệt. Hơn nữa, nhiều loại xe không gắn đồng hồ chỉ vận tốc nên sẽ không có cơ sở để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, theo quy định của Bộ Công an về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe, xe máy điện cũng phải đăng ký để lưu thông như các loại xe cơ giới khác. Tuy nhiên, để đạt được mục đích của mình, nhiều chủ cửa hàng vẫn khẳng định với các “thượng đế” về tính đơn giản, tiện dụng của loại xe này, chỉ cần mua mà không phải đăng ký.
Điều khiển xe máy điện không BKS và không đội MBH.
Trong khi việc quản lý đăng ký, cấp biển số, giấy phép lái xe đối với xe đạp điện, xe máy điện còn đang gây tranh cãi đối với các cơ quan chức năng thì nhiều người tham gia giao thông vẫn vô tư điều khiển những loại phương tiện có tốc độ cao mà không cần mũ bảo hiểm hoặc giấy phép lái xe.
Theo Thúy Nguyễn – Hà Anh/Hanoimoi
Bình luận