Trung Quốc: Hàng loạt công ty phụ tùng ô tô bị phạt chống độc quyền
Mức phạt kỷ lục
Cụ thể, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã áp tổng mức phạt lên tới 1,24 tỷ Nhân dân tệ - NDT (tương đương 200 triệu USD). Trong đó, Sumitomo Electric Industries Ltd. là doanh nghiệp bị phạt nặng nhất - 290,4 triệu NDT, cũng là mức phạt chống độc quyền cao nhất; kế đến là Yazaki Corp.
Khách tham quan xem phụ tùng động cơ tại gian trưng bày của NSK tại Triển lãm ô tô Thượng Hải năm 2011. (Ảnh: Bloomberg)
Mặc dù Trung Quốc học tập Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trong việc phạt các nhà sản xuất phụ tùng có hành vi độc quyền, thao túng giá thị trường, nhưng trừng phạt được đưa ra vào đúng thời điểm các doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng tỏ ý lo ngại Trung Quốc đang siết chặt các quy định.
Từ năm ngoái, hàng loạt nhà sản xuất ô tô, các công ty công nghệ và công ty thực phẩm quốc tế đã bị điều tra chống độc quyền tại Trung Quốc.
Ngoài Sumitomo và Yazaki, NDRC cũng đang cáo buộc một loạt công ty khác tội thao túng giá, gồm: Denso Corp., Aisan Industry Co., NSK Ltd., Hitachi Automotive Systems Ltd., Mitsubishi Electric Corp., Mitsuba Corp., Furukawa Electric Co., Nachi-Fujikoshi Corp., Jtekt Corp. và NTN Corp.
"Không phân biệt đối xử"
Phát biểu tại Bắc Kinh hôm 20/8, ông Li Pumin - người phát ngôn của NDRC - cho biết, chính phủ không nhằm vào các công ty nước ngoài, và một lần nữa khẳng định rằng Trung Quốc sẽ trừng phạt bất cứ doanh nghiệp nào vi phạm luật chống độc quyền, bất kể là trong nước hay nước ngoài.
Trong khi đó, một đại diện của Hiệp hội ngành công nghiệp phụ tùng ô tô Nhật Bản từ chối bình luận về các mức phạt của Trung Quốc.
Việc điều tra tập trung vào hoạt động của các doanh nghiệp từ năm 2000 đến 2011, và liên quan đến các phụ tùng như: bộ dây điện, máy dao điện, bướm ga, và vòng bi.
NDRC cho biết, Hitachi và Nachi-Fujikoshi không bị phạt vì tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng.
Các phụ tùng liên quan đến việc lũng đoạn giá được dùng cho hơn 20 mẫu xe ô tô của Toyota, Honda, Nissan, Suzuki và Ford.
Luật chống độc quyền của Trung Quốc có hiệu lực từ năm 2008; theo đó, chính phủ nước này có thể áp các mức phạt lên tới 10% doanh thu hàng năm của một công ty. Các công ty hợp tác tốt với cơ quan chức năng có thể bị phạt nhẹ hơn.
NDRC cho biết việc điều tra nhằm đảm bảo trật tự trên thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhật Bản, EU
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà sản xuất phụ tùng Nhật Bản bị cáo buộc có hành vi độc quyền, lũng đoạn thị trường.
Yazaki - nhà sản xuất bộ dây điện cho hệ thống điện của xe ô tô, có trụ sở tại Tokyo, và NSK Ltd. là hai trong số các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Nhật Bản bị phạt ở nước ngoài vì hành vi thao túng giá.
Yazaki đã phải nộp phạt 470 triệu USD hồi năm 2012 tại Mỹ - mức kỷ lục đối với một doanh nghiệp sản xuất phụ tùng Nhật Bản, và 136 triệu euro vào năm ngoái cho Ủy ban châu Âu (EC).
Trong khi đó, NSK bị chính cơ quan chống độc quyền Nhật Bản phạt vào năm ngoái do thao túng giá vòng bi.
Mức phạt chống độc quyền cao nhất trước đây ở Trung Quốc là đối với Mead Johnson Nutrition Co - 203,8 triệu NDT vì thao túng giá sữa công thức dành cho trẻ em vào năm ngoái.
Trung Quốc bắt đầu China điều tra hành vi độc quyền trong ngành ô tô và phụ tùng ô tô từ cuối năm 2011. Tuy nhiên, mãi cho tới gần đây, các phương tiện truyền thông mới đồng loạt đưa tin về tình trạng thao túng giá, đặc biệt là với phụ tùng.
Kể từ tháng 7, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz và BMW cùng ít nhất 4 nhà sản xuất ô tô khác đã tuyên bố giảm giá sản phẩm sau khi diễn ra các cuộc điều tra của NDRC.
Cơ quan này hôm 6/8 cho biết sẽ sớm công bố các mức phạt đối với Chrysler và Audi. Theo Tân Hoa Xã, các cán bộ điều tra của chính phủ Trung Quốc đã tìm được bằng chứng cho thấy Mercedes-Benz thao túng giá dịch vụ bảo dưỡng và phụ tùng ô tô.
Căng thẳng trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc tăng lên sau khi diễn ra các cuộc điều tra.
Phòng thương mại của Ủy ban châu Âu cho rằng, các cán bộ điều tra Trung Quốc quá khắt khe với các doanh nghiệp nước ngoài, ép họ phải chấp nhận các mức phạt và không cho họ cơ hội giải trình.
Ông Greg Gilligan - Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc - đã kêu gọi tổ chức đối thoại giữa Mỹ với các quan chức Trung Quốc về những quan ngại của các thành viên.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc (không tính các công ty tài chính) trong tháng 7 đã giảm 17%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc không nói sự sụt giảm này có liên quan gì tới các cuộc điều tra chống độc quyền.
Theo Nhật Minh/ Bloomberg, Dân trí
Bình luận