Đã tìm ra giải pháp lớp phủ mặt cầu cho cầu dây võng lớn nhất Việt Nam?
Theo đó, lớp phủ mặt cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) đã hư hỏng sẽ được thay thế bằng 2 lớp bêtông nhựa polimer dày 7cm. Lớp thứ nhất dày 4cm được dính bám với mặt cầu bằng nhựa đường epoxy và tăng cường bởi các râu thép hàn gắn vào mặt cầu; lớp bê tông nhựa polimer thứ hai dày 3cm. Giữa 2 lớp bêtông nhựa này được gia cường bằng lớp sợi thủy tinh.
Mặt cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) bị hư hỏng nặng.
“Tất cả lớp bêtông nhựa cũ hư hỏng sẽ được bóc bỏ và thay thế bằng lớp bêtông nhựa mới. Đây là loại vật liệu được chúng tôi thử nghiệm trên cầu từ tháng 7.2012 và theo dõi khả năng làm việc suốt 1 năm qua. Khả năng làm việc cho kết quả khá khả quan, có thể đáp ứng được trên 80% yêu cầu làm việc của cầu.
Trước đó, Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng ECC (đơn vị thi công) đã đề nghị cho sửa chữa lớp phủ mặt cầu từ tháng 6.2013, tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu để lớp vật liệu thực nghiệm lâu hơn, nhất là vào thời điểm nhiệt độ môi trường cao nhất nên đến cuối tháng 7.2013 mới thực hiện việc sửa chữa”- ông Trung cho biết.
“Ngày 3.7 tới, chúng tôi sẽ làm việc với các bên liên quan đến tình hình hư hỏng, chất lượng của đoạn thí điểm và chọn phương án sửa chữa đối với lớp phủ mặt cầu Thuận Phước. Sau khi họp bàn, phân tích các nhân tố, chúng tôi sẽ có quyết định cuối cùng về giải pháp dành cho cầu Thuận Phước. Theo cam kết thì Công ty ECC sẽ chịu toàn bộ phí tổn cho công tác sửa chữa khắc phục này”- ông Trung cho biết thêm.
Được biết, cầu Thuận Phước được Công ty cổ phần tư vấn xây dựng 533 liên danh với Viện Thiết kế cầu đường số 2 Trung Quốc thiết kế và thi công theo công nghệ cầu dây võng bắc qua cửa biển - đoạn cuối sông Hàn. Cầu có chiều dài 1.855m, toàn dự án là 2.119m. Cầu Thuận Phước là cây cầu dây võng lớn nhất Việt Nam, được thiết kế với quy mô cầu lớn với bề rộng 18m cho 4 làn xe lưu thông, tải trọng 13 tấn.
Cây cầu được khởi công xây dựng từ tháng 10.2003, do các nhà thầu danh tiếng từ phần dầm cầu (liên danh nhà thầu Công ty công trình giao thông Đà Nẵng và Công ty cơ khí-xây dựng Thăng Long), dây võng (Công ty cơ khí xây dựng công trình 623), lớp phủ mặt cầu (Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng ECC) dưới sự giám sát của Phân viện Khoa học công nghệ GTVT Miền Trung, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT,… với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.
Tháng 7.2009, cầu Thuận Phước được đưa vào sử dụng, thế nhưng chỉ sau 1 năm đưa vào sử dụng, cầu đã xuất hiện những vết nứt ngang dọc trên lớp phủ mặt cầu tại nhịp chính của cầu. Tồi tệ hơn là sau gần 3 năm kể từ khi các vết nứt xuất hiện, các biện pháp khắc phục, xử lý vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, tìm giải pháp tối ưu. Dù công trình đã vận hành gần 4 năm nay, nhưng các chi phí liên quan đến công tác khắc phục, sửa chữa vẫn do nhà thầu chi trả. Trách nhiệm đối với các hư hỏng này được các cơ quan chức năng cho biết thuộc về nhà thầu Công ty ECC, do đơn vị này cam kết bảo hành công nghệ lên đến 10 năm.
Theo Laodong (Thứ ba 02/07/2013 07:43)
Bình luận