Thứ bảy, 11/01/2025, 10:26 [GMT+7]

Đẩy mạnh cải cách hành chính: Cần khuyến khích tính sáng tạo

Thứ ba, 20/08/2013 - 08:15'
Chưa bao giờ việc công khai, minh bạch về thủ tục hành chính (TTHC) lại được chú trọng như bây giờ. Tuy nhiên, không phải phương tiện truyền thông nào cũng phù hợp với mọi đối tượng người dân nên tùy theo tình hình thực tế, mỗi cơ quan hành chính nhà nước cần nghiên cứu, áp dụng các hình thức công khai TTHC phù hợp với từng đối tượng tổ chức, cá nhân. 

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Ảnh: Viết Thành

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Ảnh: Viết Thành

Để tìm hiểu thông tin làm hộ chiếu, anh Nguyễn Hồng Quân (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) đã vào mạng internet tra cứu. Làm theo các hướng dẫn trên mạng, anh chuẩn bị đủ tờ khai, ảnh 3x4, hộ khẩu, chứng minh nhân dân rồi đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP Hà Nội nộp hồ sơ. Đúng ngày theo giấy hẹn anh đã nhận được kết quả. 

Bà Nguyễn Thị Quy (xã Mỹ Đình, Từ Liêm) chưa bao giờ tiếp cận với mạng internet nên việc tìm hiểu thông tin về TTHC không dễ dàng như anh Quân. Bà Quy đã đến UBND huyện Từ Liêm để tìm hiểu thủ tục "Hợp thức hóa thủ tục sang tên chuyển nhượng một phần quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu đất ở hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở". Không đọc các thủ tục được công khai tại bộ phận "một cửa" của UBND huyện, bà Quy hỏi trực tiếp cán bộ và được hướng dẫn khá cẩn thận. Tuy nhiên, bà vẫn thấy không đơn giản khi phải về chuẩn bị hồ sơ gồm: Đơn đề nghị hợp thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy tờ chuyển nhượng có chứng nhận của UBND xã tại thời điểm chuyển nhượng và 4 bản sao có chứng thực; 2 bản sao theo quy định chứng minh thư, hộ khẩu của bên nhận chuyển nhượng; 3 hồ sơ kỹ thuật thửa đất.

Câu chuyện của hai công dân nêu trên cho thấy, rõ ràng, việc cung cấp thông tin về TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước đã tiến bộ hơn nhiều so với những năm trước đây, song dường như vẫn là chưa đủ, nhất là khi nhiều TTHC đòi hỏi nhiều thành phần hồ sơ. Đó là một trong những nguyên nhân làm người dân luôn cảm thấy rối bời khi đi thực hiện các TTHC. Theo quy định, ngoài việc công khai tại cổng giao tiếp, trang tin điện tử của đơn vị, bộ phận "một cửa"… cơ quan hành chính nhà nước còn có thể công khai tại các điểm sinh hoạt cộng đồng như nhà văn hóa, địa điểm họp thôn, tổ dân phố để phục vụ được đông đảo người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ bản các đơn vị mới thực hiện công khai tại đơn vị chứ chưa mở rộng nhiều hình thức công khai TTHC. Do đó, nếu suôn sẻ thì người dân vẫn phải đi lại ít nhất là 3 lần để làm thủ tục (một lần đến tìm hiểu thủ tục, một lần đến nộp hồ sơ và lần đến nhận kết quả). Điều này thực sự bất tiện với người dân ở các địa bàn xa cơ quan hành chính nhà nước. Việc không hiểu rõ về TTHC còn khiến người dân không giám sát được cách làm việc của cán bộ đúng hay không. Ngay trong lĩnh vực tư pháp, rất nhiều thủ tục chỉ cần đối soát với bản gốc nhưng người dân vẫn thực hiện phô tô rồi chứng thực, gây mất thời gian, tốn kém chi phí. Nguyên nhân là do cán bộ cũng không nắm rõ quy định, sợ trách nhiệm, còn đối với người dân "cán bộ bảo sao, nghe vậy".

Đầu năm 2013, một số quận của TP Đà Nẵng rất sáng tạo khi thành lập Tổ hướng dẫn giúp dân làm TTHC và đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đạt được mục tiêu: Nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn. Các cán bộ của Tổ hướng dẫn làm TTHC đều được tập huấn về quy trình giải quyết TTHC đến kỹ năng giao tiếp, thay nhau trực sáng, chiều để tiếp đón, giúp người dân làm TTHC một cách tận tình, chu đáo. Còn UBND huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) lại sáng tạo trong việc tổ chức diễn đàn "Đối thoại với các tổ chức, cá nhân trong công tác CCHC năm 2013". Lãnh đạo UBND huyện và các cơ quan thực hiện TTHC cùng tham dự diễn đàn để trực tiếp trao đổi, giải đáp thắc mắc của người dân. Qua đó, các lĩnh vực nhạy cảm, liên quan nhiều đến đời sống người dân như: Chuyển nhượng, tách thửa đất, thừa kế, đăng ký biến động về đất, cấp phép xây dựng… được giải đáp trực tiếp, từng bước đáp ứng sự mong đợi của người dân. 

Hiện tại, TP Hà Nội mới có ít quận, huyện bố trí cán bộ trực tại bộ phận "một cửa" để hướng dẫn người dân làm TTHC, trong khi nhu cầu giải quyết hồ sơ hành chính của các tổ chức, công dân rất lớn. Hơn nữa, dù đã được đơn giản hóa nhưng vẫn còn không ít thủ tục rườm rà. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương cho rằng: "Cần có cơ chế khuyến khích các đơn vị sáng tạo trong thực hiện CCHC. TP Hà Nội đã coi kết quả thực hiện CCHC của đơn vị là một trong những tiêu chí để chấm điểm thi đua thì rất cần có thang điểm rõ ràng để đánh giá. Đó chính là động lực thúc đẩy các đơn vị không ngừng đổi mới, mang lại sự thuận tiện cho tổ chức, công dân".

Theo Phong Thu (HNM)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...