Để cuộc sống không phải phòng ngừa hoặc... cam chịu!
Cơ quan chức năng đang kiểm tra thực phẩm chức năng có dấu hiệu là hàng giả. (Ảnh minh họa. Nguồn: suckhoedoisong.vn)
Theo con số được công bố, năm 2000, chỉ có 13 cơ sở sản xuất, với 63 sản phẩm thực phẩm chức năng, nhưng đến nay đã có gần 4.000 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu, với hơn 20.000 sản phẩm thực phẩm chức năng được công bố.
Thực phẩm chức năng tràn ngập thị trường, điều đó khẳng định sản phẩm đó đã và đang có chỗ đứng với thị trường và... người bệnh. Điều đó đúng về lý thuyết, nhưng thực tế lại khác.
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh, nhưng không ít loại thực phẩm chức năng lại đắt hơn thuốc chữa bệnh. Đắt vì là chi phí quảng cáo không đúng như giá trị thật, làm người bệnh nhầm tưởng (tính từ năm 2015 đến quý I năm 2015, có hơn 200 công ty bị xử phạt hành chính về vi phạm quảng cáo). Đắt vì phải chi “hoa hồng” cho nhân viên tiếp thị, nhà thuốc, bệnh viện... đến bác sĩ kê đơn.
Không chỉ bác sĩ, dược sĩ... “mê” thực phẩm chức năng, mà không ít công ty kinh doanh đa cấp cũng vào cuộc với danh nghĩa là “tư vấn, chăm sóc sức khỏe” kiêm bác sĩ “ kê đơn”.
Thực phẩm chức năng nhiễu loại, được bán công khai như mọi sản phẩm, hàng hóa khác, có lẽ phải nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, do chưa có quy định cụ thể những thành phần được phép có; không kiểm soát được thực phẩm chức năng xách tay, nhập lậu; v.v.
Đường đi của thực phẩm chức năng ngành Y tế biết cả. Năm 2008, Bộ Y tế đã có quy định không được kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Quy định là quy định, nhưng thực tế, ngành Y tế không thể kiểm soát được tất cả các đơn thuốc điều trị nội trú và ngoại trú. Điều đó đồng nghĩa với việc thực phẩm thức năng vẫn có đất sống.
Không ác cảm với thực phẩm chức năng, nhưng để sản phẩm được gọi đúng tên, không “ bao vây” người bệnh, thì ngành Y tế cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác dụng thật của thực phẩm chức năng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm chức năng (cả sản xuất trong nước và nhập khẩu); xử phạt hoặc tước giấy phép hành nghề đối với bác sĩ lạm dụng kê đơn thuốc kém thực phẩm chức năng vì “hoa hồng”; rút giấy phép kinh doanh đối với nhà thuốc bán thực phẩm thức năng không đảm bảo chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chống sự nhiễu loại của thực phẩm chức năng cũng giống như chống các thực phẩm bẩn gây phương hại đến người tiêu dùng về kinh tế và sức khỏe. Đừng khuyên người bệnh, người dân phải là “người tiêu dùng thông thái” khi họ không đủ điều kiện và công cụ để nhận biết đâu là hàng thật, hàng giả... và sự an toàn khi tham gia thị trường.
Đơn giản, họ là người đóng thuế, đương nhiên có quyền đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý thay mặt họ kiểm soát được hàng hóa, sản phẩm sạch để cuộc sống không phải phòng ngừa hoặc... cam chịu!.
Theo Đăng Dương/dangcongsan/20:32 13/04/2016
Bình luận