Thứ hai, 13/01/2025, 04:55 [GMT+7]

Để không lọt những quy định từ “trên trời rơi xuống”!

Thứ hai, 12/01/2015 - 08:21'
Thời gian qua, đã có không ít những văn bản như từ "trên trời rơi xuống”, có dấu hiệu trái luật khiến dư luận không khỏi băn khoăn, bức xúc...và càng lo lắng hơn khi số lượng văn bản có dấu hiệu trái luật phát hiện hàng năm chưa có dấu hiệu giảm.

Trong năm 2014Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền 3.887 văn bản (gồm 884 văn bản cấp Bộ và 3.003 văn bản của địa phương). Kết quả bước đầu phát hiện 885 văn bản vi phạm các quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP. Trong đó có 81 văn bản của cấp Bộ, 774 văn bản của địa phương), chiếm tỷ lệ khoảng gần 20% số các văn bản đã được kiểm tra. Đáng chú ý, có đến 132 văn bản sai về nội dung; 32 văn bản sai về thẩm quyền; 72 văn bản sai về hiệu lực, còn lại chủ yếu sai về thể thức và kỹ thuật trình bày.

Theo Tiến sỹ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục KTVB QPPL, Bộ Tư pháp, các văn bản sai về thể thức có thể đính chính và chấn chỉnh, rút kinh nghiệm tại các cơ quan ban hành văn bản, nhưng quan trọng là các văn bản sai về nội dung, thẩm quyền và căn cứ pháp lý, hiệu lực cần phải xử lý nghiêm, để các văn bản QPPL được ban hành đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ và tính khả thi.

Một số văn bản có dấu hiệu trái luật bị Bộ Tư pháp "tuýt còi". Ảnh: TH

Thực tế trên cho thấy, số lượng văn bản có dấu hiệu trái luật phát hiện hàng năm vẫn tăng. Trong đó, báo chí và người dân đã góp phần không nhỏ vào việc phát hiện kịp thời những văn bản có dấu hiệu không phù hợp. Đây là thông tin quan trọng để Cục KTVB tiến hành kiểm tra, kiến nghị xử lý.

Có thể điểm qua vài văn bản, trong năm 2014 như một số tỉnh đưa ra quy định sử dụng “Bia tỉnh ta”, “xi măng tỉnh ta”. Hay quy định hạn chế quyền của phóng viên thường trú của UBND tỉnh Thanh Hóa. Mới đây nhất là Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản sửa quy định về “Chi điều tra, thống kê số người mù chữ, tái mù trong độ tuổi 15-55…” tại một thông tư liên tịch, theo đó phải nâng độ tuổi tối đa từ 55 lên 60 cho phù hợp với pháp luật hiện hành.

Theo TS. Lê Hồng Sơn, việc ban hành văn bản sai có nhiều lý do, từ nhận thức, trình độ, thái độ trách nhiệm cho đến cách thức, cơ chế còn nhiều bất cập, kẽ hở. Trong đó, yếu tố con người là quan trọng. Thực tế thời gian qua cho thấy, quá trình chuẩn bị dự thảo, một số cán bộ nắm thực tiễn chưa chắc chắn, còn mơ hồ, tầm hiểu biết hạn chế, không đầy đủ thấu đáo dẫn đến lúng túng trong hoạch định chính sách. Kinh nghiệm, bản lĩnh cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ xây dựng văn bản, chính sách đó còn hạn chế, yếu kém. Hay khi xây dựng văn bản thường cấp trên hay “khoán trắng” cho cấp dưới làm, cấp dưới lại giao tiếp cho chuyên viên thực hiện. Trong khi đó, một số không ít trong đó trình độ kinh nghiệm của một số có thể nói là còn hạn chế, non kém, rồi quy trình lại vội vàng, gấp gáp dẫn đến việc nghiên cứu phản biện nhiều khi chưa thật kỹ càng, thấu đáo.

“Thực tiễn xã hội luôn sống động, đa dạng và phức tạp, việc nắm bắt được thực tiễn của yêu cầu quản lý để hoạch định chính sách và “phản ánh” nó trong văn bản QPPL rất quan trọng, nhưng đây lại đang là khâu yếu nhất”, TS Lê Hồng Sơn thẳng thắn nói.

Thời gian qua dư luận cũng đề cập nhiều đến yếu tố lợi ích nhóm, ngành chi phối các nội dung, chính sách của văn bản hay còn sự nể nang trong khâu thẩm định...

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo các văn bản QPPL hiện nay chủ yếu được tổ chức “cho đủ thủ tục”, hình thức theo quy định, những phản hồi của người dân chưa chắc đã được tiếp thu một cách nghiêm túc nên việc nhiều văn bản như từ “trên trời rơi xuống”, xa rời thực tiễn cũng là điều dễ hiểu.

Theo bà Bùi Thu Hằng, Trưởng phòng công tác xây dựng pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp: Luật VBQPPL 2008 mới chỉ dừng lại ở việc giám sát, kiểm tra và xử lý VBPL có dấu hiệu trái pháp luật mà chưa có quy định về giám sát, kiểm tra việc thi hành luật cũng như cơ chế bảo đảm thực thi pháp luật nên trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn, lúng túng, đặc biệt là cấp địa phương.

Thời gian qua có không ít văn bản QPPL  trái luật. Tuy nhiên, việc xử lý mới chỉ dừng lại ở mức thu hồi, hủy bỏ rồi làm lại mà chưa có sự xử lý người ban hành văn bản trái luật cũng như chưa thấy có việc bồi thường thiệt hại nào cho người dân, doanh nghiệp do văn bản gây ra.

Tại diễn đàn Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga từng phát biểu: Nếu cơ quan soạn thảo VBQPPL cứng nhắc, máy móc về mặt pháp luật thì có thể không sai nhưng không khả thi.Do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo nên tình trạng “nhờn” pháp luật của cả người dân và cán bộ thực thi, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.Vì vậy, theo bà Nga, giải pháp của mọi giải pháp là chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức bằng việc quy rõ, quy đến cùng trách nhiệm cá nhân và kỷ luật lãnh đạo, công chức thẩm định, ban hành văn bản sai trái, thiếu tính khả thi.

TS Lê Hồng Sơn cũng cho rằng, cần chú ý cả một loạt giải pháp từ khâu lựa chọn nhân tài đến khâu đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, quản lý con người trong bộ máy công quyền. Về vấn đề xử lý người tham mưu, ban hành văn bản trái luật đây cũng là một vấn đề cần phải nghiên cứu để  bảo đảm đảm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Quan trọng là quy trình ban hành văn bản luật phải bảo đảm làm sao để tất cả các lợi ích nhóm bị ảnh hưởng đều được quan tâm, lên tiếng, thể hiện quan điểm của mình. Việc ban hành VBQPPL phải dựa trên lợi ích nhóm số đông, lợi ích quốc gia".

Nhiều chuyên gia pháp luật cũng cho rằng cần tăng cường sức mạnh của cơ chế hậu kiểm; nâng cao chất lượng cán bộ thẩm định để vừa có kiến thức pháp luật sâu sắc, vừa có kiến thức chuyên ngành ở mức cần thiết và đặc biệt là kiến thức xã hội... Mặt khác, cần thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến người dân; huy động sức mạnh của báo chí, truyền thông trong việc phát hiện, phản biện, phản ánh ý kiến, dư luận của người dân, doanh nghiệp đối với các văn bản pháp luật được ban hành trái luật. Có như vậy, người dân mới không phải gánh chịu những quy định từ “trên trời rơi xuống”!                                                                                                                                     

 

Theo Thu Hằng/dangcongsan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...