Thứ sáu, 10/01/2025, 09:25 [GMT+7]

Để người Việt dùng hàng Việt: Tiểu thương cần làm mới mình

Thứ tư, 20/03/2013 - 07:48'
Các nhà kinh doanh bán lẻ từ siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống… luôn tìm cách thu hút người tiêu dùng (NTD). Nhưng, vấn đề đặt ra cho các kênh phân phối này là làm sao để tự làm mới mình, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của NTD để họ trở thành khách hàng trung thành. 

Thực tế cho thấy, nét văn minh thương mại của doanh nghiệp (DN) hay mỗi tiểu thương là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Hàng hóa Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.	Ảnh: Đàm Duy

Hàng hóa Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Ảnh: Đàm Duy

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã bước sang năm thứ tư và gây được ấn tượng với NTD trong việc thay đổi thói quen mua sắm theo hướng ngày càng quan tâm đến các thương hiệu sản xuất trong nước. Đây là cơ sở để hàng Việt từng bước khẳng định vị thế trên thị trường. Có thể nói, đến thời điểm này, DN Việt đã có điểm tựa rất lớn là niềm tin yêu của NTD, vì thế những năm qua, các DN hàng Việt Nam chất lượng cao đang tiếp tục cải tiến kỹ thuật, tiên phong vì mục tiêu của CVĐ. Hàng trăm phiên chợ hàng Việt về nông thôn, các hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, chương trình đưa hàng Việt vào chợ truyền thống… càng củng cố thêm niềm tin yêu hàng nội của NTD, tạo điều kiện cho DN thâm nhập và phát triển thị trường tốt hơn. Chính nhờ sự vào cuộc của toàn xã hội trong việc triển khai thực hiện CVĐ đã tạo nên vị thế vững vàng cho hàng Việt. 

Trong lĩnh vực bán lẻ, việc đưa hàng Việt cũng như nâng tỷ trọng hàng trong nước tại các siêu thị đã trở thành xu hướng của các nhà kinh doanh trên địa bàn cả nước. Không chỉ các siêu thị trong nước như Co.opmart, Citimart…, mà tại nhiều hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài như Big C, Metro, Lotte Mart… hàng Việt cũng chiếm hơn 90% tổng lượng hàng hóa bày bán.

Ngoài kênh phân phối hiện đại, các DN đã nhận thức được hiệu quả của kênh phân phối tại chợ và dựa vào tiểu thương để quảng bá, đưa sản phẩm của mình vươn xa khắp các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, không chỉ khách, mà người dân Hà Nội cũng bất bình với thái độ phục vụ trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, ở các chợ, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, thậm chí tại một số siêu thị. Vào cửa hàng, lời chào hay thái độ niềm nở của nhân viên gần như trở thành "xa xỉ".

Tôi đã từng phải chứng kiến cảnh 3 nữ du khách Nhật Bản ghé thăm một cửa hàng quần áo ngay đầu phố Hàng Đào. Chỉ vì phàn nàn về chiếc áo mà một trong 3 nữ du khách này bị chủ hàng chửi té tát, túm áo xô đẩy. Cả góc phố huyên náo vì chủ hiệu xỉa xói khách. Đó chỉ là một trong số những "con sâu làm rầu nồi canh", khiến nhiều người phải thốt lên văn hóa của những người bán hàng ở Hà Nội thua những nhà hàng, cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh. Để "giữ chân" khách hàng, không còn cách nào khác là cung cách quản lý cũng như bán hàng của tiểu thương phải thay đổi.

Năm ngoái, lần đầu tiên một chương trình đào tạo ngắn hạn về "nghiệp vụ quản lý chợ cho ban quản lý và tập huấn kỹ năng bán hàng dành cho tiểu thương" trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, được Sở Công thương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức. Đây được xem là con đường ngắn nhất để khu vực chợ truyền thống từng bước cải thiện, hòa nhập với các hình thức kinh doanh văn minh, hiện đại. Tính đến nay, đã có khoảng 2.115 tiểu thương (chiếm 3% trong tổng số tiểu thương) đã qua các lớp tập huấn. Trong chương trình học, các tiểu thương được truyền đạt kiến thức tổng quan về bán hàng, văn hóa trong kinh doanh, nâng cao kỹ năng bán hàng, thái độ ứng xử với khách hàng.

Quan trọng hơn cả, qua lớp học sẽ cải thiện khả năng giao tiếp và bán hàng của tiểu thương, từ đó nâng cao hình ảnh văn hóa, văn minh thương mại, đồng thời phát động phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Một số tiểu thương chia sẻ, từ trước đến nay họ thường bán hàng theo thói quen, vẫn có những tật xấu như không hài lòng khi khách hỏi mà không mua hàng, chưa chăm sóc khách hàng… Sau khi tham gia lớp học, nhiều tiểu thương thừa nhận, cần phải thay đổi mình.

Vì khách hàng chính là người giúp tăng doanh thu. Đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ DN chia sẻ, chương trình đồng hành với tiểu thương không chỉ góp phần giúp tiểu thương có kiến thức về trưng bày hàng hóa khoa học, bắt mắt để thu hút sự chú ý nhiều nhất từ khách hàng; được học hỏi cách nắm bắt tâm lý khách hàng và cách marketing để tăng hiệu quả bán hàng… Ngoài ra, còn giúp các DN tăng độ phủ của hàng Việt tại mạng lưới kinh doanh truyền thống, vì không ai có thể tư vấn, giới thiệu và quảng bá hàng hóa cho DN Việt tốt hơn tiểu thương. 

Trong cuộc cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc thu hút khách hàng luôn đóng vai trò quyết định sự sống còn của DN. Nhưng, để thành công, thì sự hài lòng của khách hàng là cách tốt nhất để thu hút, giữ chân họ. Người bán hàng cần nghĩ rằng khách hàng là người trả lương cho họ...

Theo Thanh Hiền (Hanoimoi)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) - Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời...
Điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Ở bản Huổi Só (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn), anh Mùa A Lùng (sinh năm 1999) được biết tới là người không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Anh là điển hình trong phong trào thanh niên...