Chủ nhật, 12/01/2025, 12:22 [GMT+7]

Đối phó với bệnh sởi: Phân tuyến điều trị, hạn chế lây nhiễm chéo

Thứ sáu, 18/04/2014 - 08:28'
Hôm qua 17-4, Bộ Y tế đã ban hành công văn yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác phòng chống dịch sởi. Công văn nhấn mạnh yêu cầu phân tuyến điều trị tại các bệnh viện (BV), phân loại bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng để khám và điều trị bệnh sởi nhằm hạn chế sự lây nhiễm chéo.

Điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Nhi trung ương.  Ảnh: Quang Duy

Điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Quang Duy.

Giảm quá tải: Yêu cầu số 1

Sau chuyến thị sát tại BV Nhi trung ương, nơi tập trung nhiều ca mắc sởi nhất miền Bắc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận xét, tại BV này, sự quá tải diễn ra ở tất cả các khoa, phòng, ngay cả phòng bác sĩ cũng phải dùng làm phòng điều trị cho bệnh nhân sởi, vì vậy, chất lượng điều trị rất khó bảo đảm. Trong điều kiện đó, tình trạng nhiễm trùng BV dễ xảy ra, nguy cơ lây nhiễm chéo trong BV là rất lớn. Bệnh nhân sởi có thể đồng thời mắc thêm các bệnh lý khác và ngược lại. 

Theo ghi nhận của chúng tôi trong ngày 17-4, để chống dịch sởi, BV Nhi trung ương đã đưa ra hai giải pháp quan trọng là chuyển bệnh nhi về đúng tuyến điều trị và thành lập các đơn nguyên mới để phân loại những trường hợp phải nhập viện điều trị. Giải pháp đó nhằm giảm tải BV, hạn chế lây nhiễm chéo. Cụ thể, BV đã xây dựng lưu đồ xử lý và phân loại bệnh nhi phát ban nghi sởi ngay tại phòng khám. Với những trường hợp bị sởi nhẹ thì hướng dẫn để theo dõi, điều trị cho bệnh nhân tại nhà hoặc chuyển về BV tuyến dưới; chỉ cho nhập viện những trường hợp có dấu hiệu nặng hoặc những trường hợp có thêm các tổn thương và bệnh nguy hiểm khác. Với những trường hợp đang điều trị nội trú, BV sẽ đánh giá lại từng ca bệnh. Bệnh nhân nào có tình trạng tốt lên sẽ được chuyển ngay về tuyến sau, số còn lại được chia về ba đơn nguyên mới thành lập là hồi sức sởi, cấp cứu sởi và điều trị sởi. Ba đơn nguyên mới này có tổng số 90 giường bệnh, giúp san sẻ gánh nặng cho khoa Truyền nhiễm đang liên tục bị quá tải thời gian qua. 

Các BV trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp nhận bệnh nhi sởi là Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Hà Đông, Sơn Tây. Ngoài ra, các BV nhi ở Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình sẽ được hỗ trợ để đón người bệnh tại các tỉnh lân cận, nhằm giảm tải cho BV tuyến trên. 

Dù sức "nóng" của bệnh sởi không như tại BV Nhi trung ương nhưng BV Bệnh Nhiệt đới trung ương cũng đã khám và điều trị cho 458 trường hợp mắc sởi trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến ngày 16-4, trong đó có 1 trường hợp tử vong và 4 ca nặng đã xin về. Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, ngành y tế đã bổ sung phác đồ điều trị cho trẻ mắc sởi. Theo đó, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế thống nhất sử dụng phác đồ năm 2009 - 2010 nhưng bổ sung thêm Gamaglobulin - một loại thuốc tăng cường miễn dịch, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. BV đã sử dụng loại thuốc này để điều trị thành công cho một số trường hợp bệnh nhân sởi nặng, có biến chứng. Để giảm tải, tránh việc lây nhiễm chéo, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương đã áp dụng giải pháp khám phân loại bệnh nhân ngay từ đầu. 

Hà Nội chưa đủ điều kiện công bố dịch

Bệnh sởi đã lan ra 61 tỉnh, thành phố và Hà Nội được cho là địa bàn "nóng" nhất. Nhưng đến nay, Hà Nội vẫn "nói không" với việc công bố dịch, vì sao? 

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tại cuộc giao ban báo chí cuối giờ chiều qua 17-4 tính từ tháng 12-2013 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.118 trường hợp mắc sởi, số mắc phân bố rải rác tại 338/584 (57,9%) xã, phường, thị trấn. Những nơi có nhiều bệnh nhân sởi nhất là Hai Bà Trưng (132 trường hợp), Đống Đa (103), Hoàng Mai (100), Hà Đông (79), Ba Đình (59). 

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Thủ đô có đông dân cư, dân số luôn biến động bởi một bộ phận không nhỏ là người ngoại tỉnh, khách du lịch. Hà Nội là nơi tập trung BV tuyến trung ương, bệnh nhân đến khám chữa bệnh cũng dễ mang theo bệnh sởi. "Điều gây khó khăn rất lớn cho công tác phòng dịch tại Hà Nội là nhiều gia đình không hợp tác với ngành y tế, dù cán bộ y tế đến tận nhà vận động nhưng vẫn từ chối đưa con em mình đi tiêm chủng do sợ bị tai biến sau tiêm". - Ông Nguyễn Nhật Cảm nói. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, nếu đạt tỷ lệ tiêm chủng khả quan (khoảng 95%) thì vẫn còn khoảng 5% số trẻ Hà Nội chưa được tiêm (khoảng 5.000 trẻ). Thêm vào đó, hiệu lực bảo vệ của vắc xin sởi đạt tỷ lệ 90-95%, đồng nghĩa với việc có khoảng 50.000 trẻ dưới 5 tuổi dù được tiêm đủ 2 mũi theo quy định nhưng vẫn không được bảo vệ đầy đủ… 

Bởi vậy, xét trên nhiều phương diện, nếu tính số trường hợp mắc sởi so với tổng số dân thì không thể nói rằng Hà Nội là địa phương "nóng" nhất, chưa kể việc thông báo có dịch và công bố dịch là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, dù không công bố dịch nhưng rõ ràng Hà Nội đang phải vật lộn với bệnh sởi, điều này ai cũng biết. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn rải rác ở nhiều nơi chứ không bùng phát ở một địa bàn cụ thể nào. Việc công bố dịch cần thực hiện theo đúng quy định. Theo đó, việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có sởi, chỉ được thực hiện khi hội đủ nhiều yếu tố: Số người mắc vượt quá dự tính bình thường; quy mô, tính chất của bệnh vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế; xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả… Xét về các yếu tố này, Hà Nội chưa đủ điều kiện để công bố dịch. 

Tuy nhiên, chưa công bố dịch sởi không có nghĩa Hà Nội lơ là phòng chống dịch hoặc không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân. Trên thực tế, công tác phòng chống dịch vẫn tiếp tục được tăng cường để hạn chế thấp nhất số ca mắc, tử vong trên địa bàn. Cụ thể, từ hôm nay 18-4, Hà Nội thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch và lập danh sách 30 cán bộ ở 30 quận, huyện, thị xã nhằm đôn đốc việc tiêm vét vắc xin sởi.

Ngày 17-4, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xuất cấp trang thiết bị dự trữ quốc gia và bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, Bộ Y tế xuất cấp (không thu tiền) 12 máy thở chức năng cao thuộc hàng dự trữ quốc gia để trang bị đều cho BV Nhi trung ương, BV Thanh Nhàn, BV Đống Đa. Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định bổ sung 80,875 tỷ đồng cho Bộ Y tế từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2014 để mua sắm một số trang thiết bị cho BV Bạch Mai, BV Nhi trung ương, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương và mua thuốc Gamaglobulin phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

 

Theo Thu Trang/hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...