99% số vận động viên không “mơ” đóng thuế thu nhập
Vận động viên Hữu Việt.
Tiếng là lao động… siêu đặc thù, song tình cảnh chung của VĐV Việt Nam là ráo mồ hôi là hết tiền, giải nghệ xong là tay trắng. Thậm chí, chế độ ưu đãi ngay cả với một số ít tài năng có đóng góp đặc biệt cũng thuộc diện “nợ xấu”.
“Vua ếch” Hữu Việt & lời hứa 7 năm
Năm ngoái, khi kình ngư đã giải cơn khát vàng cho bơi lội VN đằng đẵng 28 năm chán nản đến mức phải tuyên bố giải nghệ thì một sự thật phũ phàng mới được phơi bày. Thật khó tin, tổng thu nhập hằng tháng của tài năng đặc biệt từng 17 năm dành trọn cho đường bơi chưa nổi 2,5 triệu đồng. Cũng may Việt quanh năm tập huấn thi đấu quốc tế theo chế độ, nhu cầu cá nhân chưa lớn, lại có thêm khoản thưởng thành tích, nên mới đủ trang trải và tích lũy được một chút ít thỉnh thoảng hỗ trợ bố mẹ.
Càng xót xa hơn bởi lời hứa như đinh đóng cột của lãnh đạo ngành thể thao Hải Phòng với anh ngay sau SEA Games 2005 rồi tuyên bố xanh rờn trước công luận rằng kiểu gì anh cũng được cấp, một mảnh đẹp sát trung tâm TP, rộng khoảng 200m2, vẫn hoàn toàn bị “treo”. Trước và sau mỗi lần Việt xuất ngoại du đấu, nó lại được đưa ra như một hình thức “treo” thưởng, với điệp khúc quen thuộc “đất đai không thành vấn đề, miễn sao cứ yên tâm phấn đấu đóng góp”..
Rốt cuộc, ngôi sao số 1 đất Cảng cứ việc ngậm ngùi chờ dài cổ đến 7 năm, qua mấy đời lãnh đạo, nhất là khi người đứng đầu Sở VHTTDL sáp nhập không phải là dân thể thao.
Chẳng hiểu lời hứa còn bay theo gió đến bao giờ nếu Việt không dũng cảm đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của mình, với sự ủng hộ tuyệt đối của mọi người. Trước sự phản ứng sục sôi từ dư luận và báo chí, chỉ chưa đầy 2 tháng, Hải Phòng đã hoàn tất việc cấp đất cho nhà vô địch SEA Games 3 lần liền.
Vận động viên Nguyễn Thị Thiết.
Căn chung cư “đóng băng” của kỷ lục gia Nguyễn Thị Thiết
Xem ra, Hữu Việt vẫn còn may hơn nhiều đô cử từng hai lần dự Olympic Nguyễn Thị Thiết - người đang khóc dở mếu dở với phần thưởng là một căn chung cư đang “đóng băng” suốt 3 năm nay.
Tuyển thủ Hải Dương đã giải nghệ vào cuối 2010 sau khi giành HCV ĐH TDTT toàn quốc. Ai cũng mừng cho chị với một món quà mà trước đó Thiết chưa dám mơ: Một căn chung cư tại KĐT Tuệ Tĩnh đẹp nhất giữa thành phố. Đó là món quà của Cty CP bất động sản Thành Đô tặng, được hứa chìa khóa trao tay ngay trong năm 2011.
Chỉ có điều, đến giờ 3 năm đã trôi qua, song dự án đó vẫn đang giậm chân tại chỗ. Cô gái có biệt danh “Sắt Thép” của cử tạ VN cũng nản vì chẳng biết bấu víu vào đâu. Những người có trách nhiệm của thể thao xứ Đông cũng chẳng thể tác động được gì vì đó là quà tặng theo kiểu tài trợ, không có gì ràng buộc.
Khổ nỗi vì mọi người đều đinh ninh Thiết đã được tặng chung cư “xịn” rồi nên các đợt xét mua đất ưu đãi hay hỗ trợ đều không xét đến.
Giờ Nguyễn Thị Thiết đã trở thành HLV, lấy chồng và có con nhỏ. Họ vẫn phải ở nhờ nhà bố mẹ chồng ở huyện, ngày ngày chị phải chạy mấy chục cây số đi về nên rất cực.
Thở than cùng nỗi cám cảnh của những ngôi sao một thời Hữu Việt, Nguyễn Thị Thiết, và càng giật mình hơn nếu biết rằng suốt gần 20 năm thể thao Việt Nam hội nhập quốc tế, vươn lên nhóm dẫn đầu ĐNA mới chưa có nổi 10 trường hợp VĐV được cấp đất, tặng nhà.
Chỉ 1% phải đóng thuế thu nhập. Tính mọi nguồn thu nhập, mức thu nhập trung bình của một tuyển thủ QG chỉ từ 4- 6 triệu đồng/tháng. Với mức này, kể cả một số tuyển thủ hàng đầu, đủ ăn đã là may, chứ nói gì đến chuyện sống khỏe bằng nghề. TTVN cũng đã bắt đầu có một số VĐV đã nằm trong diện đóng thuế, như phần lớn cầu thủ bóng đá nam, một phần các cầu thủ bóng chuyền nữ, cùng với một số trường hợp đặc biệt ở các môn khác, nhưng số này cũng chỉ chiếm 1%.
Theo Laodong (Thứ tư 24/04/2013 11:11)
Bình luận