Ai là ông chủ thực của thương hiệu kem Tràng Tiền?
Công ty "vàng" giá rẻ
Ra đời từ năm 1959, cho đến nay Kem Tràng Tiền của Công ty Cổ phần Tràng Tiền luôn là thương hiệu ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội. Kem Tràng Tiền trở thành một nét văn hóa đặc trưng của thủ đô ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, giá trị thực của thương hiệu này không chỉ chỉ có vậy mà còn nằm ở khu đất 1.500m2 mà nó sở hữu.
Tính sơ qua, hiện nay giá thuê mặt bằng tại khu vực Tràng Tiền hiện đang ở mức trung bình 2 triệu đồng/m2. Như vậy với diện tích 1.500m2, chủ sở hữu của khu đất này có thể thu về tới 3 tỷ đồng mỗi tháng nếu đem cho thuê. Còn nếu bán đứt ngay tại thời điểm này, với giá đất trung bình tại khu vực này hiện ở mức xấp xỉ 1 tỷ đồng/m2, tổng trị giá sẽ là một con số khổng lồ 1.500 tỷ đồng.
Mặc dù hiện tại, mảnh đất vàng có trị giá cao đến vậy nhưng tại thời điểm Công ty Cổ phần Tràng Tiền tiến hành cổ phần hóa vào năm 2000, với 32.000 cổ phần, mỗi cổ phần là 100.000 đồng, số tiền định giá của công ty chỉ có 3,2 tỷ đồng. Theo nhiều chuyên gia bất động sản, tại thời điểm đó, giá trị của thương hiệu Tràng Tiền vẫn là quá thấp so với giá trị thực.
Kem Tràng Tiền đắt giá không chỉ vì thương hiệu mà còn vì sở hữu mảnh đất giá trị.
Việc cổ phần hóa Kem Tràng Tiền đã gây xôn xao dư luận vì có nhiều thế lực bên ngoài muốn thâu tóm thương hiệu Tràng Tiền. Thế lực này đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2001, chỉ đúng 1 năm sau khi cổ phần hóa.
Ông Lê Kim Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tràng Tiền lúc đó cho biết: "Có một nhóm cá nhân ngoài công ty có tiềm lực tài chính đang tìm cách thôn tính toàn bộ doanh nghiệp của chúng tôi. Đến 15/10/2011, họ đã dùng số tiền lớn mua ngầm khoảng 80% số cổ phiếu của công ty”.
Tại thời điểm đó đã có rất nhiều cổ đông trong công ty được cho là cấu kết với người ngoài nhằm bán tháo một số lượng lớn cổ phần. Đáng lưu ý, khi ban lãnh đạo của Tràng Tiền cho biết bên mua đều thông qua một người có tên là Nguyễn Văn H. Và các cổ phần đều được chào mua với giá rất hời, thường cao gấp 7-10 lần giá trị ban đầu.
Như vậy có thể thấy, chỉ cần bỏ ra số tiền từ 20-30 tỷ đồng là đã có thể thôn tính được công ty Tràng Tiền với ưu thế siêu lợi nhuận về kinh doanh cũng như cơ sở hạ tầng. Song vụ việc chỉ dừng lại ở đó khi ban lãnh đạo công ty kéo lực lượng thanh tra vào cuộc nhằm hạn chế tình trạng bán tháo cổ phần.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2008, công ty Tràng Tiền đã tổ chức họp Đại hội cổ đông bất thường, đi đến thống nhất bầu ông Hà Trọng Nam, người nắm giữ hơn 92% số lượng cổ phiếu lên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Nhiều ý kiến tại thời điểm đó cho rằng, đây chính là nhân vật đã đứng sau những vụ mua bán cổ phần của Tràng Tiền trong nhiều năm qua.
Và cũng từ đó cho đến nay, ông Hà Trọng Nam vẫn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty có giá trị nghìn tỷ này nhưng số tiền được được bỏ ra để có chiếc "ghế" trên vẫn nằm trong vòng bí mật. Nhưng theo dự đoán của các chuyên gia thương hiệu, tại thời điểm đó chi phí cũng không vượt quá 10 lần số tiền 3,2 tỷ đồng được định giá thương hiệu Tràng Tiền hồi năm 2000.
Thế lực nào đứng sau ông Hà Trọng
Hiện có khá ít thông tin cá nhân cũng như tiểu sử của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tràng Tiền nhưng có một chi tiết rất đáng quan tâm, người đàn ông này là anh trai của ông Hà Văn Thắm, chủ tịch tập đoàn Đại Dương, người đang nằm trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương.
Tập đoàn Đại Dương là đơn vị có lĩnh vực kinh doanh khá đa dạng từ bất động sản, khách sạn, tài chính cho đến truyền thông. Nhiều người cho rằng, đây chính nguồn cung tài chính chủ yếu cho ông
Nhận định trên càng có cơ sở hơn nếu biết vào cuối năm 2009, tập đoàn Đại Dương đã nắm 50% quyền kiểm soát trong công ty cổ phần Tràng Tiền. Tiếp đó đến tháng 1/2011, công ty cổ phần Khách sạn và dịch vụ Đại Dương, một công ty con của Tập đoàn Đại Dương đã tiến hành mua 99,17% cổ phần của công ty Tràng Tiền. Kể từ đó, thương hiệu cũng như đất đai của Tràng Tiền đã nằm trong quyền quyết định của tập đoàn Đại Dương.
Giới bất động sản tại thời điểm đó cho biết, tập đoàn Đại Dương đã theo đuổi công ty Tràng Tiền từ lâu. Sở hữu thương hiệu kem lâu đời này chỉ là phụ, mục đích chính của Đại Dương là ngắm tới khu đất vàng rộng 1.500m2, tọa lạc trên phố Tràng Tiền, một trong những con phố đắt giá nhất Hà Nội.
Sau đợt thâu tóm đầy ồn ào này, tập đoàn Đại Dương cũng đã dự kiến triển khai dự án xây dựng tổ hợp khu dịch vụ, ngân hàng kết hợp với 20 căn hộ cao cấp tại khu "đất vàng" này với giá bán dự kiến lên tới 10.000 USD/m2. Tuy nhiên, có lẽ do tình hình kinh tế khó khăn qua các năm liên tiếp nên cho đến giờ dự án này vẫn chưa được triển khai.
Có thể thấy, thương vụ thâu tóm thương hiệu Tràng Tiền là ví dụ tiêu biểu cho khả năng định giá tài sản bất động sản và thương hiệu quá thấp của các doanh nghiệp Nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa. Và cho đến nay, đây cũng là một trong những bài học thuộc hàng "mẫu mực" dành cho các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam mỗi khi muốn thâu tóm một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa - Một nước đi không chỉ có được thương hiệu mà còn sở hữu được diện tích bất động sản khổng lồ.
Theo Theo Nguyễn Lê - VTCNews
Bình luận