Thứ sáu, 10/01/2025, 09:32 [GMT+7]

Báo động mâu thuẫn gia đình thành thảm án

Thứ tư, 20/03/2013 - 14:09'
Vụ án làm đau lòng xã hội, xảy ra tại Hải Phòng, nghi phạm được xác định là ông nội, đang tâm đổ xăng đốt vợ chồng con trai và hai cháu.

Báo động mâu thuẫn gia đình thành thảm án

Xô xát xảy ra ngay sau khi đón thi hài cháu bé.

Vụ án làm đau lòng xã hội, xảy ra tại Hải Phòng, nghi phạm được xác định là ông nội, đang tâm đổ xăng đốt vợ chồng con trai và hai cháu.

Nguyên nhân dẫn đến bi kịch thảm khốc, phá vỡ mối quan hệ huyết thống trong nhiều gia đình, trở thành vấn nạn mà trách nhiệm, lại chẳng thuộc... về ai. Tiến sĩ tâm lý Hoàng Minh Hòa nhận định: Do bế tắc không tìm được lối thoát để giải quyết mâu thuẫn. Bạo lực và tìm đến cái chết là con đường được lựa chọn.

Tội ác - trời không dung, đất không tha

Không có con trai để nối dõi tông đường, trở thành “họa” đối với nhiều phụ nữ. Điển hình là vụ án đau lòng vừa mới xảy ra ở Hải Phòng, chỉ vì con dâu sinh con một bề, khiến mâu thuẫn trong gia đình, ngày một căng như sợi dây đàn. Kết thúc những cuộc khẩu chiến, cha chồng đã đang tâm đổ xăng vào giường ba mẹ con đang ngủ. Con dâu bị bỏng 50%, hai cháu nội, một 5 tuổi, một lên 4 bị bỏng trên 80%, tính mạng đang “ngàn cân treo sợi tóc”. 

Sáng 19.3, chúng tôi có mặt tại Viện Bỏng Quốc gia, đúng là lúc gia đình đưa thi hài bé Thu Huyền rời bệnh viện. 

Tiên lượng bé Như Ngọc, khi chúng tôi hỏi, BS điều trị cho bé cũng lắc đầu. Ông nội và mẹ hai bé bị bỏng trên 50% cũng rất nguy kịch. 

Bạo lực gia đình đã phá vỡ mối quan hệ huyết thống, phạm trù đạo đức trong gia đình. Ngày càng nhiều những vụ án mà nạn nhân, thủ phạm đều cùng “dòng máu”. Những vụ án có hành vi giết người mà không thể khởi tố được bị can, như vụ án vừa mới xảy ra ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) người mẹ trẻ đang mang song thai đã buộc con trai vào mình, nhảy sông tự vẫn vì  sau “lời qua tiếng lại”, bị chồng đánh, đuổi đi. Nhiều người mẹ vì kinh tế quẫn bách, chồng rượu chè, đánh đập... cùng đường tìm đến cái chết, thương con ở lại bơ vơ đã... đang tay giết con. Nhiều vụ, con thì chết mà mẹ thì cứu được, khiến người mẹ sống những tháng ngày dằn vặn về tội lỗi.

Cha, mẹ giết con, con giết cha mẹ, ông bà...đặc biệt là xuất hiện tội ác man rợ: Thiêu sống người thân đã xuất hiện thời gian gần đây. Đau lòng những vị quan tòa khi xét xử những vụ án mà bị cáo cũng là bị nạn,  nguyên nhân xuất phát từ bạo lực gia đình là chủ yếu. Phân chia tài sản, yếu tố kinh tế đã đẩy nhiều gia đình, không lựa chọn “ chém, giết” thì dẫn nhau  ra...tòa. Theo nghiên cứu của TS tâm lý Hoàng Minh Hòa -Trung tâm Tư vấn tâm lý gia đình - thì đối tượng lựa chọn bạo lực (chém, giết) để giải quyết mâu thuẫn gia đình thường là người hiểu biết hạn chế, không có nơi chia sẻ để tìm lối thoát... Nạn nhân số đông là con cái, các em nhỏ tuổi, không có khả năng tự bảo vệ. Đối tượng lựa chọn giải pháp ra tòa thường là tranh chấp về kinh tế, tài sản. Hầu hết họ là người có học vấn. TS Hòa nhấn mạnh: Nền tảng gia đình, đạo đức ngày một băng hoại. Trong thời khó khăn, người ta sẵn sàng nhường cơm, xẻ áo cho nhau, nhưng bây giờ anh em cũng bất hòa...khi kinh tế hơn kém nhau. 

Thi hài của cháu Trần Thu Huyền được đưa về an táng.

Chính quyền đủ ban bệ, dân vẫn chơi vơi

Qua những vụ án mạng, nguyên nhân khởi nguồn từ bi kịch gia đình - người phụ nữ và trẻ em là nạn nhân chính. Những đứa trẻ mà mẹ (cha) người thì chết, người thì đi tù sẽ sống ra sao khi các em tận mắt chứng kiến hành vi man rợ mà cha, mẹ mình gây ra. 

Các em bị tổn thương tâm lý, sống trong mặc cảm... ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách - thêm một gánh nặng cho xã hội khi gia đình không còn là chỗ dựa, nơi trú ngụ của các em... Chính quyền cơ sở gần dân nhất cũng đầy đủ ban ngành, đoàn thể, nhưng những nạn nhân của bạo lực gia đình không “với tới” được. Khi mâu thuẫn đến cực điểm, chỉ một phút thiếu kiềm chế là gây ra tội ác. Nhiều bị cáo từng thổ lộ, họ phạm tội vì không chịu nổi hành vi bạo lực. Mỗi lần bị đánh, cũng báo chính quyền, đoàn thể... đâu vẫn hoàn đó. 

Họ không biết bấu víu vào đâu nên tự lựa chọn giải pháp...để rồi trở thành kẻ phạm tội TS Đinh Phương Duy - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TPHCM - phân tích: Để giúp cho những phụ nữ  bị bạo hành, stress được giải tỏa tâm lý, tìm ra giải pháp cho cuộc sống của mình là điều mà xã hội  chưa quan tâm đến. Hiện chỉ ở những thành phố lớn mới có những trung tâm tư vấn tâm lý, nhà tạm lánh dành cho phụ nữ bị ngược đãi, bạo hành. Bi kịch này vẫn tiếp diễn nếu như các mâu thuẫn trong gia đình không được sự trợ giúp, có giải pháp căn cơ, toàn diện.

Trở lại vụ án thiêu sống 6 người trong gia đình ở Hải Phòng chỉ vì không có cháu đích tôn. Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình đang trình dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính về dân số. Với chính sách ưu đãi gia đình sinh con một bề, việc xử phạt: Xúc phạm con một bề, tư vấn thai nhi...xem chừng vẫn không thể “cứu cánh” được tệ nạn “khát con trai” đang ăn sâu trong “tâm can” nhiều người, kể cả giới quan chức.    

Theo Laodong (Thứ tư 20/03/2013 12:30)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) - Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời...
Điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Ở bản Huổi Só (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn), anh Mùa A Lùng (sinh năm 1999) được biết tới là người không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Anh là điển hình trong phong trào thanh niên...