“Bạn tôi hi sinh ở Đà Nẵng, nhà ngoại cảm chỉ vào Quảng Trị bốc mộ”
Dư luận hiện đang rất quan tâm đến sự thật về việc đi tìm hài cốt liệt sỹ theo các “nhà ngoại cảm”. Những vấn đề được phơi bày như nhiều trường hợp hài cốt được giám định chỉ là xương động vật, tổ mối… và thậm chí còn có những vụ dàn dựng chôn làm giả mộ liệt sĩ đã bị lộ. Là một người lính từng chiến đấu trên những chiến trường mà người ta đang "quần thảo" để đi tìm hài cốt, ông nghĩ gì về việc này?
Không phải bây giờ tôi mới nghe những thông tin này mà ngay khi còn đang công tác (Trung tướng Phùng Khắc Đăng nguyên là Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, nghỉ hưu năm 2007 - PV) đã nghe nói. Có thể nói, khi đồng đội của chúng tôi mất mát, những người thân của các anh muốn tìm kiếm hài cốt con em là nhu cầu, tâm nguyện hết sức chính đáng. Đảng, Nhà nước cũng như quân đội (trong đó có lực lượng cựu chiến binh) hết sức ủng hộ.
Việc chưa đưa được các anh về bên gia đình là trông đợi đau đáu, một nỗi đau ở trong lòng mà ai cũng muốn đem hết tất cả những công sức cuối cùng để tìm lại. Vì vậy rất nhiều cựu chiến binh đã tự bỏ công sức, tiền bạc, tập trung nhau lại để đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, đưa các đồng đội trở về với gia đình, mang lại đôi chút sự thanh thản cho người thân của các liệt sỹ.
Nhưng một số người đã lợi dụng lòng tin, tâm linh của người thân các liệt sỹ đã ngã xuống. Việc này để lại nỗi đau vô cùng lớn cũng như nhiều bức xúc xã hội. Tôi thấy họ đã lợi dụng lòng tin, khát khao tìm kiếm lại được di hài con em của các gia đình liệt sỹ, cứ nói là vì mục đích nhân đạo, tri ân… nhưng vẫn không thể ngoại trừ mục đích trục lợi, vì lợi ích cá nhân của mình.
Theo dõi những thông tin vừa rồi, tôi cũng như nhiều anh em trong Hội bức xúc lắm. Sự việc tôi cho còn là sự xúc phạm đến các đồng chí lãnh đạo tiền bối của quân đội chúng tôi nữa. Thời còn làm, tôi cũng không đồng tình việc tìm kiếm kiểu này.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng với kỷ vật về người bạn cùng chiến đấu 40 năm trước.
Được biết, trong trường hợp đi tìm mộ liệt sỹ Phùng Chí Kiên vào năm 2009 như ông nhắc tới, khi đó, Bộ Quốc phòng và gia đình cũng nhờ đến nhà ngoại cảm và kết quả đưa lại sau đó rất phũ phàng, chỉ có 1 chiếc răng của động vật và mảnh sành cũ?
Đoạn ấy thì là thời kỳ sau này tôi nghỉ rồi, tôi không biết nhưng về việc này, khi còn công tác, một thời gian, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đặt vấn đề, gợi ý nghiên cứu, tìm hiểu nhưng tôi đã “can” là vấn đề đó nên để tự xã hội kiểm nghiệm, còn Bộ Quốc phòng xin phép chưa tiếp cận với việc này.
Quan điểm của cá nhân ông về việc này?
Theo tôi, giờ để giải quyết tâm nguyện của thân nhân, gia đình những người có con em tham gia chiến đấu và hi sinh trong 2 chiến tranh thì có thể huy động nhiều phương thức, hình thức nhưng cuối cùng phải được kiểm nghiệm thông qua khoa học.
Tôi không cho là những thông tin báo chí vừa qua đưa ra sự thật về những biểu hiện lắt léo, lừa đảo này để hạ thấp uy tín của các nhà ngoại cảm, để quảng cáo cho các nhà khoa học. Nhận định đó không đúng, không khách quan. Vấn đề là sự thật vẫn phải là sự thật. Tôi mong làm thế nào, có lẽ trước hết phải tuyên truyền sao cho nhân dân hiểu được là tin những “nhà ngoại cảm” này thì rồi thành ra bỏ tiền bỏ của mà tiền mất tật mang, “mồ cha không khóc mà khóc tổ mối”, “mả mẹ không khóc đi khóc mớ bòng bong”.
Các cựu chiến binh luôn là lực lượng tâm huyết, nhiệt tình hàng đầu trong hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Nhưng không hiếm các trường hợp, gia đình, thân nhân liệt sỹ vẫn tìm đến các “nhà ngoại cảm” hơn là tìm đến đồng đội cũ của con em mình?
Điều đáng nói có nhiều người có trình độ, tri thức nhưng cũng đồng tình với cách làm này, để những người tự xưng là nhà ngoại cảm lợi dụng làm những việc thất đức như vậy. Ngày trước, tôi biết vụ một số nhà ngoại cảm chỉ cho gia đình nhiều liệt sỹ vào Tây Nguyên để bốc mộ. Sau khi các gia đình đã vào, bốc “mộ” người thân về rồi, anh em đội quy tập hài cốt liệt sỹ của Bộ Quốc phòng chúng tôi lại tìm được mấy chục ngôi mộ, có tên tuổi cụ thể nhưng gọi về địa phương báo tin thì những gia đình đã đi tìm mộ theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm trước đó nhất định không chịu nhận vì họ nói đã đón được con em về lâu rồi. Anh em được chôn cất tại đó có cả lọ penixiclin đựng thông tin cá nhân mà người nhà vẫn nhất định không nhận.
Nhiều ý kiến cho rằng khó ngăn thực tế, rất nhiều gia đình trên khắp mảnh đất còn nằm lại hàng trăm nghìn liệt sỹ chưa tìm được hài cốt này đã và vẫn rong ruổi tìm kiếm thân nhân bằng “ngoại cảm”?
Tôi nói một chuyện rất cụ thể thế này, để tùy mọi người suy nghĩ. Tôi có 1 người bạn thân vào Nam chiến đấu cùng với tôi. Anh ấy hi sinh ở Đà Nẵng năm 1967 thế mà sau này, các nhà ngoại cảm lại phán anh ấy chết ở Quảng Trị và mang một cái lược có chữ “Tâm” ở Quảng Trị về và chỉ cho gia đình vào Quảng Trị bốc mộ anh mang về. Đó là một hướng sai hoàn toàn nhưng khi đến gia đình, tôi cũng quá ngỡ ngàng vì người nhà vẫn tin vào lời phán chỉ đó. Tôi vẫn khằng định với gia đình bạn tôi là anh mất ở Đà Nẵng, không thể là ở Quảng Trị vì đơn vị chúng tôi chưa bao giờ chiến đấu ở Quảng Trị cả.
Để xảy ra một việc như thế ngay với bạn bè mình tôi cũng hết sức áy náy, đau lòng nhưng không hiểu làm sao người ta lại tin như vậy.
Tâm linh là vấn đề khó lý giải như ông nói nhưng thực tế rất nhiều gia đình vẫn đang phải đổ công sức, tiền bạc và cả lòng tin để đổi lấy một sự giả dối, thậm chí là xúc phạm. Để xã hội tự điều chỉnh thì sẽ còn nhiều gia đình tiếp tục trả cái giá bất công như vậy?
Một số nhà khoa học cũng cho rằng ngoại cảm là một bộ môn mà con người có thể nghiên cứu, phân tích được. Thôi thì cứ để cho xã hội, dư luận trả lời.
Còn đôi khi người ta vẫn dựa vào vấn đề tự do tín ngưỡng, lý luận về năng lực siêu nhiên của con người mà tính xác thực đến đâu rất khó để nói. Nhưng tôi nghĩ là trước hết người dân nên tỉnh táo với quyết định, lựa chọn của chính mình. Như thông tin đưa ra, tỷ lệ tìm được chính xác theo cách này gần như là bằng 0. Đó là một con số để tất cả mọi người phải xem lại.
Nhưng giờ các cấp chính quyền cũng phải có trách nhiệm dẹp ngay những hiện tượng lợi dụng, thậm chí lừa đảo để trục lợi, không thể để tình trạng tiếp tục thế này.
Xin cảm ơn ông!
Theo P.Thảo/dantri
Bình luận