Bất động sản du lịch: Nhiều tiềm năng phát triển
Bất động sản du lịch đang là một kênh đầu tư hấp dẫn.
"Cơn sốt" đầu tư bất động sản du lịch
Chia sẻ tại Diễn đàn bất động sản du lịch 2019 được tổ chức mới đây, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, nếu như năm 1994, Việt Nam lần đầu tiên đón 1 triệu lượt khách quốc tế; năm 2015 đón 7,9 triệu lượt khách quốc tế, thì đến năm 2018, con số này đã lên đến 15,5 triệu lượt. Sự tăng trưởng mạnh lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua đã tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực bất động sản lưu trú du lịch.
Thực tế, chỉ chưa đầy 10 năm, số lượng cơ sở lưu trú, chủ yếu là khách sạn, resorts (khu nghỉ dưỡng), biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch đã tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, du lịch tăng trưởng mạnh đã kéo theo "cơn sốt" đầu tư phát triển bất động sản du lịch trên phạm vi cả nước. Nhiều dự án bất động sản du lịch được mở bán tại các thành phố lớn, khu vực ven biển, miền núi, hải đảo như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hạ Long (Quảng Ninh), Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Lạt (Lâm Đồng)... Trong đó, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc được ghi nhận là 3 địa bàn thu hút đầu tư, phát triển bất động sản du lịch mạnh nhất.
Kết quả khảo sát ý kiến các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Việt Nam do nhóm chuyên gia của Công ty Tư vấn Economica Vietnam và TheLeader (Diễn đàn các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam) mới đây cho thấy, có tới 75,9% doanh nghiệp cho rằng lĩnh vực nhà ở đang mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất; theo sau là lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng với 17,5%.
Cùng với sự tăng trưởng mạnh của ngành Du lịch Việt Nam, những năm gần đây các doanh nghiệp bất động sản cũng cho thấy niềm tin của họ trước những dấu hiệu khả quan của thị trường. Có tới 36,4% doanh nghiệp có ý định đầu tư mới vào lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và 45,5% doanh nghiệp mong muốn mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực này.
Ông Võ Quang Hoàng, Tổng Giám đốc Ariyana Smart Condotel Nha Trang cho hay: “Phát triển một sản phẩm bất động sản nhà ở, chủ đầu tư cần đầu tư đồng bộ cho cả một khu vực đó về cơ sở hạ tầng, tiện ích, dịch vụ. Trong khi đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, chủ đầu tư không cần lo quá nhiều về vấn đề đó. Đây chính là điểm hấp dẫn các doanh nghiệp khi tham gia phân khúc này”.
Cũng theo ông Hoàng, thị trường bất động sản du lịch của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển mạnh trong thời gian tới. Điều quan trọng là chủ đầu tư dự án phải quản lý, vận hành như thế nào để bảo đảm chất lượng dịch vụ, thu hút khách đến và trở lại.
Kênh đầu tư hấp dẫn
Theo Tổng cục Du lịch, với xu hướng dòng khách tiếp tục hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, dự báo đến năm 2020, Việt Nam đón 21 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2025 đón 32 triệu lượt khách và đến năm 2030 sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân 9-11%/năm.
Cùng với đà tăng trưởng của ngành Du lịch, nhu cầu đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cũng tăng lên. Ông Hà Văn Siêu nhận định, bất động sản du lịch vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao. Tuy nhiên, tính chất, loại hình và địa bàn sẽ thay đổi để phù hợp với xu hướng nhu cầu của khách du lịch thế hệ mới, thời kỳ gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, khách du lịch dựa vào công nghệ sẽ có nhiều lựa chọn tiếp cận điểm đến và quan tâm nhiều hơn tới chất lượng dịch vụ. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư mở rộng và phát triển thêm nhiều trải nghiệm du lịch, ví dụ dự án bất động sản du lịch sẽ trở thành quần thể và gắn với nhiều tiện ích như casino, thể thao, sự kiện, nghệ thuật...
Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, dù dư địa thị trường lớn, “miếng bánh” trên thị trường bất động sản du lịch “rất ngon”, nhưng không phải ai cũng ăn được. Để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư chất lượng. Ông Nam đánh giá, du lịch Việt Nam đôi khi quá xem trọng vai trò của khách du lịch nước ngoài, trong khi hàng chục triệu người Việt đóng vai trò khách du lịch nội địa cũng quan trọng không kém.
“Khi tham quan các resort 5 sao Việt Nam, tôi thấy khách du lịch Việt Nam là chính, còn khách du lịch nước ngoài lại thích kiểu khác. Họ thích khám phá, phiêu lưu, mạo hiểm, du lịch tiết kiệm. Vì vậy, chúng ta phải cân đối, cần quảng bá du lịch cho cả khách nội địa” - ông Nam chia sẻ.
Khuyến nghị với đầu tư bất động sản du lịch, ông Hà Văn Siêu đưa lời khuyên, các chủ đầu tư dự án cần nghiên cứu kỹ về thị trường du lịch, thị trường bất động sản; sử dụng tư vấn chuyên nghiệp; xác định tầm nhìn dài hạn; có ý tưởng riêng biệt về sản phẩm của dự án gắn với đặc điểm tài nguyên du lịch. Trong đó, thiết kế sản phẩm dự án phải phát huy được những giá trị của tài nguyên du lịch về văn hóa và sinh thái. Đồng thời, lựa chọn tính chất và loại hình lưu trú phù hợp với xu hướng nhu cầu du lịch; sáng tạo và mạnh dạn chuyển hướng, chủ động khai phá những điểm đến mới có những giá trị tài nguyên đặc sắc hiện còn tiềm ẩn.
Theo DẠ KHÁNH/hanoimoi.com.vn/07:12 thứ năm ngày 11/04/2019
Bình luận