Thứ tư, 15/01/2025, 11:53 [GMT+7]

Bất thường một lãnh đạo huyện hai lần được cấp đất

Thứ hai, 12/06/2017 - 15:29'
Dù đã được cấp đất theo chính sách dành cho cán bộ, công chức, viên chức được điều động ra công tác tại huyện mới Nậm Nhùn khi huyện này vừa chia tách, song ông Phan Văn Thóc – Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, vẫn đề nghị và được cấp thêm một mảnh đất tại xã Nậm Hàng cạnh đó, nơi gia đình ông đang sinh sống. Điều đáng nói, mảnh đất tại xã Nậm Hàng là đất công, đã được quy hoạch xây dựng điểm bưu điện văn hóa xã từ thời ông Thóc còn làm chủ tịch tại đây.

Ngôi nhà ông Phan Văn Thóc xây dựng trên đất công mượn tạm của xã Nậm Hàng được huyện Nậm Nhùn cấp giấy chứng nhận vào cuối tháng 7-2016.

“Hô biến” đất công thành đất tư

Theo kết quả xác minh nguồn gốc đất mà Đảng ủy xã Nậm Hàng báo cáo lên Thường trực Huyện ủy Nậm Nhùn, mảnh đất đã được cấp sổ đỏ cho gia đình ông Thóc tại xã này là đất công, đã quy hoạch để xây dựng điểm bưu điện văn hóa xã, từ thời ông Thóc còn làm Chủ tịch UBND xã này. Việc ông Thóc biết rõ nguồn gốc và quy hoạch đất mà vẫn tự ý xây nhà kiên cố và đề nghị xin và được cấp quyền sử dụng là trái với quy định của pháp luật.

Cụ thể, thửa đất mà ông Thóc được cấp quyền sử dụng có từ năm 2006. Khi đó, mảnh đất trên được quy hoạch để xây dựng trường mầm non. Đến năm 2007, do trường mầm non xây ra vị trí khác nên mảnh đất này được chuyển quy hoạch sang thành khu đất xây dựng điểm bưu điện văn hóa xã. Do chưa có nhu cầu, xã Nậm Hàng chưa xây dựng điểm bưu điện văn hóa nên mảnh đất trên để không. Năm 2010, ông Phan Văn Thóc được UBND huyện Mường Tè điều động về làm Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng. Do chưa có nơi ở, ông Thóc có mượn mảnh đất trên ở tạm. Việc mượn trên chỉ là thỏa thuận miệng trong Đảng ủy xã mà không có văn bản đi kèm.

Đến năm 2015 (lúc này ông Thóc đã được điều động về làm Chủ tịch UBMTTQ huyện Nậm Nhùn), gia đình ông Thóc tự ý xây dựng nhà kiên cố trên mảnh đất đã mượn của xã mà không thông báo với chính quyền địa phương. Đợi đến khi hoàn thành xây dựng theo kiểu “việc đã rồi”, gia đình mới báo lại chính quyền địa phương. Đến tháng 7-2016, ông Thóc đề nghị xã Nậm Hàng xác nhận để xin cấp quyền sử dụng đất cho mảnh đất trên nhưng không được xã này đồng ý. Tuy nhiên, bằng cách “phù phép” nào đó, ông Thóc cùng cán bộ địa chính xã Nậm Hàng, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã “hô biến” cho mảnh đất trên, đến cuối tháng 7-2016, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất trên cho gia đình ông Thóc.

Mặc dù là đất công đã có quy hoạch, dù cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nậm Nhùn đã xuống xác minh nguồn gốc, cán bộ địa chính xã và bản thân ông Thóc cũng biết rõ về quy hoạch của mảnh đất này nhưng không hiểu vì sao, bằng cách nào mà gần 900m2 đất này đã biến thành đất thổ cư, đất liền kề; từ tài sản công biến thành tài sản riêng thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Chủ tịch UBMTTQ huyện Nậm Nhùn?

Cần thu hồi lại mảnh đất trên

Sẽ không có vấn đề gì nếu mảnh đất trên không phải là đất công đã có quy hoạch và trước đó, ông Thóc chưa được huyện Nậm Nhùn cấp cho một mảnh đất tại mặt bằng mới ở trung tâm huyện này. Tuy nhiên vấn đề ở đây lại khác.

Năm 2013 sau khi tách ra khỏi huyện Mường Tè, có rất nhiều cán bộ từ các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Tân Uyên và thành phố Lai Châu được tỉnh Lai Châu điều động vào nhận công tác tại huyện mới Nậm Nhùn.

Để giảm bớt khó khăn về nơi ăn ở, huyện Nậm Nhùn đã có tờ trình và được tỉnh Lai Châu đồng ý về chủ chương giao đất có thu tiền sử dụng đất cho cán bộ, công chức, viên chức được điều động vào công tác tại huyện thời gian đầu. Thực hiện chính sách trên, cuối năm 2015 đầu 2016, huyện Nậm Nhùn đã cấp 95 suất đất tại trung tâm huyện cho 95 hộ là cán bộ của huyện này, trong đó có gia đình ông Chủ tịch UBMTTQ Phan Văn Thóc.

Theo ông Lê Quang Mạnh – Trưởng phòng Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu), trường hợp của ông Thóc cần phải xem xét lại vì chưa phù hợp với Luật Đất đai. Theo quy định của luật này, một đối tượng chỉ được cấp đất một lần. Việc gần như cùng một thời gian, ông Thóc hai lần được cấp đất là chưa phù hợp. Nếu mảnh đất tại xã Nậm Hàng không thuộc quy hoạch được cấp theo chính sách mà tỉnh đã đồng ý cho huyện Nậm Nhùn cấp cho cán bộ, công chức, viên chức như đã nêu trên; lại là đất công đã có quy hoạch thì càng không hợp lý.

Tại báo cáo xác minh nguồn gốc đất mà Đảng ủy xã Nậm Hàng báo cáo thường trực huyện Nậm Nhùn cũng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đã cấp cho ông Thóc tại xã này. Lý do là bởi trước đó, ông Thóc đã được huyện cấp đất trên mặt bằng thị trấn, và vì ông Thóc đã biết rõ nguồn gốc đất nhưng vẫn xin và được cấp là trái với quy định của pháp luật, vi phạm Điều lệ Đảng.

Với sự bất thường như đã nêu trên, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu cần vào cuộc, xem xét và xử lý vấn đề này theo đúng quy định của pháp luật.

Cần xem lại việc cấp đất tại Nậm NhùnTại Tờ trình số 04 ngày 15-1-2015 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Lai Châu được Ban Thường vụ tỉnh này thông qua; về phương án giao đất có thu tiền sử dụng đất cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động thuộc các phòng, ban, cơ quan trên địa bàn huyện Nậm Nhùn thì đối tượng được giao đất ở đây là: “Cán bộ, công chức, viên chức có hộ gia đình đang sinh sống tại thị trấn Nậm Nhùn được điều động đến công tác tại huyện Nậm Nhùn từ ngày 15 tháng 3 năm 2013 đến ngày 31 tháng 12 năm 2013”.Nếu theo tờ trình này thì mặc dù ông Thóc được điều động về công tác tại huyện đúng thời gian và có hộ gia đình. Tuy nhiên hộ gia đình ông thóc đang sinh sống tại xã Nậm Hàng chứ không phải tại thị trấn Nậm Nhùn. Vì vậy việc được cấp đất tại mặt bằng thị trấn này cũng cần phải xem xét lại. Ngoài gia đình ông Thóc, trong số 94 hộ gia đình cán bộ, lãnh đạo còn lại được cấp đất cùng đợt này còn một số hộ gia đình khác cũng đang sinh sống tại xã Nậm Hàng nhưng vẫn được cấp đất tại mặt bằng thị trấn Nậm Nhùn.Theo ông Lê Quang Mạnh – Trưởng phòng Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu, nếu đúng theo văn bản này thì đối tượng ở đây đã được khoanh vùng là cán bộ, được điều động trong khoảng thời gian quy định và hộ gia đình phải sinh sống ở thị trấn. Chính sách đã khoanh vùng chỉ ở thị trấn, nếu đối tượng sinh sống ở xã Nậm Hàng hay bất cứ xã nào khác của huyện mà được cấp đều không hợp lý.

 

Báo cáo xác minh nguồn gốc đất của xã Nậm Hàng chỉ ra sai phạm của ông Thóc và đề nghị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên mảnh đất công của xã mà ông Thóc được cấp cuối tháng 7-2016.

Theo Trần Tuấn/nhandan/Thứ Năm, 08/06/2017, 16:43:34

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...