Bắt đầu thực hiện xử phạt xe không sang tên đổi chủ
Trong trường hợp xe đang lưu thông trên đường, cảnh sát giao thông không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi không sang tên đổi chủ.
Theo đó, việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện được thực hiện trong các trường hợp sau: Thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe thì cảnh sát giao thông sẽ xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm: “mua, bán xe không sang tên” và xử phạt trường hợp quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định. Trong trường hợp xe đang lưu thông trên đường, cảnh sát giao thông không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.
Thời gian gần đây người dân nhiều nơi tỏ ra hoang mang, không biết cảnh sát phạt hay không phạt hành vi không sang tên đổi chủ phương tiện. Hoang mang là bởi, theo thông tư 11 của bộ Công an ban hành ngày 1-3-2013 nói rõ sẽ xử phạt nếu sau khi thực hiện mua bán phương tiện 30 ngày mà không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Trong khi đó, trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ – đường sắt (sửa đổi nghị định 71) thì Bộ Giao thông Vận tải kiên quyết đề nghị đưa nội dung xử phạt hành vi này ra khỏi nghị định. Hay nói cách khác là Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định, không muốn xử phạt hành vi này. Điều này khiến nhiều người dân hiểu rằng Nhà nước chưa xử phạt “người chạy xe không chính chủ”.
Giải thích thêm về vấn đề trên, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết: Từ ngày 15-4, lực lượng cảnh sát giao thông trong cả nước sẽ đồng loạt triển khai xử phạt đối với hành vi không sang tên đổi chủ đối với phương tiện mô tô, xe gắn máy và ôtô. Tuy nhiên, những trường hợp khó khăn trong việc sang tên đổi chủ, thì chưa xử phạt ngay.
Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị cho biết thêm: Việc xử phạt hành vi này là thực hiện theo Thông tư 11 – thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 71, đây là nghị định đang có hiệu lực thực thi nên phải thực hiện.
Sở dĩ có sự loại trừ như trên bởi, đây là khó khăn khách quan nên cần tạo điều kiện, có thêm thời gian để người dân tự giác đi thực hiện sang tên đổi chủ khi thủ tục này hiện nay đã được “nới lỏng” rất nhiều và khá thuận lợi (như chỉ cần cam kết và có giấy chứng nhận của địa phương trong trường hợp chủ xe hiện tại không có giấy mua bán chuyển nhượng). Còn với những trường hợp có thể xác định được chủ xe trước, có giấy tờ chuyển nhượng nhưng không sang tên đổi chủ sau 30 ngày mua bán, tức là cố tình vi phạm, thì sẽ bị xử phạt nghiêm.
Người dân trên cả nước có thể phản ánh những điều cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông chưa làm đúng theo quy định hoặc những thắc mắc về các vấn đề bất cập có liên quan trên địa bàn cả nước qua số điện thoại đường dây nóng của Cơ quan Cảnh sát giao thông ở các địa phương như sau:
Hà Giang (0219.3869 142); Cao Bằng (026.3852 439); Bắc Kạn (0281.3869 152); Lạng Sơn (025.3811 294); Tuyên Quang (027.3821 968); Lào Cai (020.3869 176); Lai Châu (0231.3877 027); Điện Biên (0230.3824 357); Sơn La (022.3852 393); Yên Bái (029.3869 339); Phú Thọ (0210.3952 157); Vĩnh Phúc (0211.3867 853); Thái Nguyên (0280.3869 121); Bắc Giang (0240.3854 789); Quảng Ninh (033.3789 136); Hải Phòng (031.3895 827); Hải Dương (0320.3889 227); Hưng Yên (0321.3865 306); Bắc Ninh (0241.3822 415); Hà Nội (04.39396 886); Hòa Bình (0218.3869 218); Hà Nam (0351.3851 021); Nam Định (0350.3891 026); Thái Bình (036.3870 281); Ninh Bình (030.3873 338); Thanh Hóa (037.3853 085); Nghệ An (038.3839 222); Hà Tĩnh (039.3690 680); Quảng Bình (052.3822 188); Quảng Trị (053.3890 305); Thừa Thiên Huế (054.3823 856); Đà Nẵng (0511.3821 306); Quảng Nam (0510.3852 577); Quảng Ngãi (055.3822 883); Kon Tum (060.3862 459); Bình Định (056.3822 863); Phú Yên (057.3847 045); Gia Lai (059.3869 184); Khánh Hòa (058.3561 515); Đắc Lắc (0500.3869 163); Đắc Nông (0501.3544 499); Lâm Đồng (063.3241 333); Ninh Thuận (068.3823 309); Bình Thuận (062.3858 121); Bình Phước (0651.3879 924); Bình Dương (0650.3822 863); Đồng Nai (061.3826 889); Tây Ninh (066.3822 000); Bà Rịa - Vũng Tàu (064.3852 150); TP Hồ Chí Minh (08.38387 521); Long An (072.3820 900); Tiền Giang (073.3899 589); Bến Tre (075.3829 657); Vĩnh Long (070.3833 939); Đồng Tháp (067.3851 054); An Giang (076.3942 942); Cần Thơ (0710.3882 226); Hậu Giang (0711.3952 179); Trà Vinh (074.3749 227); Sóc Trăng (079.3617 617); Bạc Liêu (0781.3822 762); Kiên Giang (077.3820 114); Cà Mau (0780.3831 214).
Theo CHU ANH – MINH YẾN (Quandoinhandan)
Bình luận