Bệnh than xuất hiện tại Hà Giang
Thương tổn nặng nề ở da bệnh nhân bị bệnh than. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế cho biết, bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do trực khuẩn than (Bacillus anthrasis). Ở môi trường bên ngoài, trực khuẩn tạo bào tử và bào tử B.anthracis rất bền vững với những điều kiện môi trường khắc nghiệt và sự khử khuẩn, trực khuẩn có thể sống sót trong đất nhiều năm, bào tử than có thể tồn tại trong đất 5 - 10 năm. Bệnh than thường xảy ra đối với những người có liên quan đến công việc chăn nuôi và giết thịt động vật ăn cỏ, ở những công nhân chế biến da, lông thú; những nhân viên thú y...
Bệnh lây truyền qua da là do tiếp xúc với xác của động vật (gia súc, cừu, dê, ngựa, lợn và các súc vật khác) chết vì mắc bệnh than, do hít phải bào tử vi khuẩn, ăn phải thịt động vật bị nhiễm khuẩn.. Thời gian ủ bệnh là từ một vài giờ đến 7 ngày, hầu hết các trường hợp xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiếp xúc.
Bệnh than có các biểu hiện thể bệnh da, thể phổi và thể ruột. Nơi nhiễm khuẩn không được điều trị có thể lan tới các hạch bạch huyết vùng rồi vào máu gây nhiễm trùng huyết và tổn thương não. Tỷ lệ tử vong bệnh than thể da nếu không được điều trị từ 5 - 20%. Nếu điều trị kháng sinh có hiệu quả ít khi xảy ra tử vong.
Trong những năm gần đây, các tỉnh miền núi phía Bắc như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang vẫn ghi nhận rải rác một số trường hợp mắc bệnh than.
Mới đây nhất, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Giang, từ 17/9 đến 9/10/2014, 9 trường hợp mắc bệnh than thể da đã được ghi nhận tại xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Các bệnh nhân đều sử dụng thực phẩm từ gia súc mắc bệnh đã chết. Địa phương trên cũng đã xác định có bệnh nhiệt thán trên gia súc từ ngày 11/9.
Để chủ động và tăng cường phòng chống bệnh than, ngày 15/10, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Hà Nội khẩn trương chỉ đạo tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh than, lấy mẫu bệnh phẩm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, tập trung vào các khu vực có ổ dịch đang hoạt động và nơi có ổ dịch cũ, triển khai kịp thời các biện pháp quản lý bệnh nhân và vệ sinh môi trường để xử lý triệt để ổ dịch, không để xảy ra tử vong và hạn chế lây lan; phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý các ổ dịch bệnh nhiệt thán trên gia súc, xử lý tốt các gia súc bị bệnh, kịp thời thông báo về tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để lây nhiễm sang người...
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh than:
- Bệnh lây trực tiếp từ gia súc bị bệnh sang người, do vậy biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là không được tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh.
- Khi gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy và chôn xa nơi ở theo hướng dẫn của ngành thú y.
- Những người thường xuyên tiếp xúc với vật nuôi hoặc xác súc vật bị ốm chết không rõ nguyên nhân nên mang ủng, găng tay cao su, quần dài và áo sơ mi dài tay. Tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc. Sau khi tiếp xúc với vật nuôi phải rửa tay và bất kỳ chỗ da nào hở ra bằng xà phòng dưới vòi nước.
- Những nơi có ổ bệnh xảy ra, cần triển khai phun hóa chất xử lý môi trường, xử lý chất thải của gia súc và chất thải người bệnh theo đúng hướng dẫn của ngành thú y và y tế. Đặc biệt, khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, phải kịp thời đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chăm sóc và điều trị.
Theo Thanh Hương/hanoimoi
Bình luận