Có cán bộ khoe bản thân có 3 thẻ BHYT
Ảnh: Hải Nguyễn.
“Từ thời tôi là Bộ trưởng, đã phát hiện ra việc phát trùng thẻ BHYT. Có huyện số thẻ phát ra còn cao hơn số dân cả huyện. Có cán bộ khoe với tôi bản thân có 3 thẻ BHYT. Giờ có trường hợp còn trùng tới 4 thẻ cơ . Vì sao cả chục năm nay vẫn kéo dài mãi”- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (HĐDT) Ksor Phước phát biểu tại TVQH sáng nay (11.9).
Từ chỗ bị âm năm 2009, trong suốt 4 năm qua, Quỹ BHYT đang kết dư kỷ lục. Trong khi đó, tại những địa phương có kết dư lớn, một trong những nguyên nhân là “do dân cư phân tán, giao thông khó khăn, xa bệnh viện, ít kỹ thuật y tế hiện đại nên người dân dù có bệnh cũng ít tiếp cận dịch vụ y tế”.
Báo cáo giám sát bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 vừa được trình bày tại Thường vụ Quốc hội sáng nay 11.9 đưa ra những con số kết dư khổng lồ. Năm 2009 thu 13.037 tỷ, âm quỹ 3.083 tỷ thì chỉ một năm sau, năm 2010, số thu BHYT đã lên tới 19.686 tỷ, kết dư 2.810 tỷ và năm 2012, số thu 35.584 tỷ, kết dư gần 13 ngàn tỷ.
Ngoài nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng nhanh, từ 58,2% (2009) lên 66,8% (2012). Như vậy, sau 4 năm thực thi Luật, đã có thêm 8,6% dân số tham gia BHYT, tương đương 9,24 triệu người, bình quân tăng 2,8%/năm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, việc kết dư quỹ là do sau khi Luật BHYT có hiệu lực, đối tượng được ngân sách hỗ trợ tham gia BHYT đã được mở rộng, mức đóng BHYT tăng từ 3% lên 4,5% cùng với mức tăng lương tối thiểu nhiều lần trong những năm vừa qua, trong khi viện phí hầu như không thay đổi, đồng thời công tác quản lý quỹ BHYT cũng ngày càng tốt hơn.
Nhiều tỉnh miền núi và Tây Nguyên có số kết dư quỹ BHYT khá cao, có tỉnh kết dư hàng trăm tỷ đồng, đây là địa bàn gần đạt 100% dân số có BHYT. Tuy nhiên, do dân cư phân tán, giao thông khó khăn, xa bệnh viện, ít kỹ thuật y tế hiện đại nên người dân dù có bệnh cũng ít tiếp cận dịch vụ y tế dẫn đến quỹ BHYT kết dư lớn.
Dẫn trường hợp Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên, Chủ tịch HDDT Ksor Phước đặt câu hỏi “Vì sao tỉnh nghèo, đồng bào đông, đối tượng lớn mà phải trả về. Hỏi ra mới biết vì (quy định) cùng chi trả, những đối tượng được hỗ trợ như gia đình chính sách, hộ nghèo, thì dù phần cùng chi trả rất ít nhưng đồng bào cũng không có tiền trả. Ông Phước khẳng định “Đồng bào không trả, quỹ cũng không chi được và phải trả lại, chứ không phải đồng bào không ốm đau”.
Chủ tịch HDDT gọi đây là vấn đề đang làm “đau đầu các tỉnh nghèo” khi “có những đối tượng phải siêu âm mới xác định được bệnh. Mà một lần siêu âm từ hộ cận nghèo trở thành hộ nghèo. Các tỉnh đông đồng bào dân tộc đều ở tình trạng này hết”.
Theo Laodong/Thứ tư 11/09/2013 10:43
Bình luận