Chủ nhật, 12/01/2025, 19:31 [GMT+7]

Cơ hội tỏa sáng làng nghề, phố nghề truyền thống Việt

Thứ hai, 15/09/2014 - 08:09'
"Những hoạt động phong phú tại Hội chợ làng nghề Việt Nam lần thứ X - Craft Viet 2014 sẽ giúp các sản phẩm thủ công của các làng nghề, phố nghề truyền thống Việt tỏa sáng" - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân khai mạc Hội chợ vào tối 11/9 vừa qua.

Phóng viên (PV): Thứ trưởng đánh giá như thế nào về Hội chợ làng nghề Việt lần thứ X – Craft Việt 2014 lần này?

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng thăm quan gian hàng trưng bày ngay sau Lễ khai mạc (Ảnh: HNV)


Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng:
 Hội chợ là sự kiện quan trọng quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm và thông tin về tiến bộ khoa học công nghệ, mở rộng quan hệ hợp tác, góp phần nâng cao hình ảnh và sức cạnh tranh của sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên thị trường trong và ngoài nước.

Hội chợ cũng là cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ, tăng cường quan hệ thương mại, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và người sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời còn là dịp để tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công và các làng nghề truyền thống, khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công, giới thiệu hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

PV: Theo Thứ trưởng, tình hình sản xuất nông sản, thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện nay có những thuận lợi và khó khăn gì cần khắc phục trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp nói riêng cũng như của kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và gia tăng cạnh tranh như hiện nay?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Những năm qua, nền nông nghiệp nước ta đã phát triển với tốc độ khá nhanh và đạt được những kết quả khả quan. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển mạnh mẽ theo hướng áp dụng quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Trình độ chế biến nông, lâm, thủy sản ngày càng được nâng cao với công nghệ và thiết bị tiên tiến; sản phẩm phong phú, chất lượng cao, được khách hàng nhiều nước ưa chuộng. Hiện nay, nước ta có trên 3.355 làng nghề, trong đó 1.318 làng nghề được công nhận. Sản phẩm làng nghề Việt Nam ngày càng tinh xảo, với nhiều chủng loại sản phẩm, mẫu mã đẹp, đa dạng phong phú, đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Những điều kiện trên thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản, thủ công mỹ nghệ Việt Nam không ngừng tăng lên trong những năm qua. Năm 2013, tổng giá trị xuất khẩu của ngành đạt 27,5 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu 8 tháng 2014 của ngành đạt 20,2 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2013, riêng mặt hàng thủ công mỹ nghệ đóng góp trên 1,2 tỷ USD. Cũng trong 8 tháng 2014, thặng dư thương mại của cả ngành đạt 5,9 tỷ USD, góp phần xuất siêu cho nền kinh tế cả nước.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nói chung và làng nghề thủ công mỹ nghệ nói riêng còn gặp nhiều hơn khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. Các làng nghề thiếu thốn về vốn và mặt bằng sản xuất, ô nhiễm môi trường từ các làng nghề ngày càng trầm trọng, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún, chậm đổi mới về kiểu dáng, mẫu mã, sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước còn yếu, thị trường tiêu thụ có nguy cơ bị thu hẹp, thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, thu nhập và đời sống của nghệ nhân, thợ thủ công và doanh nghiệp.

PV: Thưa Thứ trưởng, cần phải làm gì để khắc phục khó khăn trên và phát huy cơ hội để quảng bá rộng hơn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống “made in Vietnam”?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Trước tình hình đó, việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp trong việc gia tăng và phát triển bền vững càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ không những đối với xuất khẩu mà ngay cả đối với thị trường trong nước, làm cầu nối và đòn bẩy thúc đẩy quá trình CNH, HĐH nông nghiệp – nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Và Hội chợ làng nghề Việt lần thứ X – Craft Việt chính là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp quan trọng đó.

Với quy mô 300 gian hàng, Hội chợ là nơi tập trung các làng nghề, phố nghề, các hiệp hội, HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ phục vụ nông nghiệp nông thôn... Hội chợ trưng bày phong phú nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc, tinh xảo, nhiều sản phẩm đạt giải cao trong các hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam và các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, đồ uống, vật tư nông nghiệp, sản phẩm lưu niệm và quà tặng.

Không những thế, Hội chợ còn có rất nhiều hoạt động đa dạng và phong phú như: Hội thảo vai trò của Hợp tác xã (HTX) tham gia chuỗi liên kết sản xuất; trình diễn thao tác tay nghề của các làng nghề tiêu biểu Việt Nam; Không gian văn hóa ẩm thực 3 miền; Hội thi mâm cơm truyền thống; tổ chức đoàn nghệ nhân, thợ thủ công tham quan, giao lưu, học tập, chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ trò chơi dân gian, tôn vinh khen thưởng cá nhân, đơn vị có nhiều thành tích tham gia Hội chợ.

Chúng tôi tin tưởng rằng, thông qua nhiều hoạt động phong phú tại Hội chợ, đây sẽ là cơ hội để tỏa sáng làng nghề, phố nghề truyền thống Việt với các sản phẩm thủ công truyền thống tinh xảo, đặc sắc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Nguyệt Hà Chinhphu.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...