Cần xử lý bất cập quy định về cơ chế giám hộ
Bộ luật Dân sự (BLDS) 1995 quy định 3 cơ chế giám hộ cho những người chưa thành niên mà không còn cha mẹ và những người mắc bệnh tâm thần là: “Giám hộ đương nhiên của những người gần gũi thân thích của người được giám hộ dựa trên nguyên tắc xác lập tự động và không phụ thuộc vào ý muốn của người giám hộ; Giám hộ của những cá nhân và tổ chức từ thiện trong xã hội; Giám hộ của Nhà nước thông qua cơ quan LĐTB&XH”.
Ba cơ chế giám hộ như nêu trên là hợp lý, đã thể hiện được mối tương quan giữa gia đình-xã hội-Nhà nước trong trách nhiệm trợ giúp cho những người thuộc thế yếu của xã hội.
Việc giám hộ trước hết do những người gần gũi, thân thích nhất của người được giám hộ đảm trách, là giám hộ đương nhiên, không phụ thuộc vào bất cứ thủ tục hành chính nào. Nếu những người gần gũi, thân thích nhất này không đảm trách được việc giám hộ thì đến lượt các cá nhân hảo tâm và các tổ chức từ thiện trong xã hội đảm trách theo sự tự nguyện. Cuối cùng, nếu không có ai trong số nêu trên thì Nhà nước sẽ nhận trách nhiệm giám hộ.
Tuy nhiên, trong BLDS 2005 có hai thay đổi lớn trong cơ chế giám hộ.
Thay đổi thứ nhất, BLDS 2005 quy định những người mắc bệnh tâm thần sẽ chỉ được xác lập giám hộ sau khi người mắc bệnh tâm thần đó được Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự. Điều này dường như không phù hợp với nhận thức pháp lý của số đông người dân. Do vậy những người mắc bệnh tâm thần được giám hộ sẽ là rất ít chỉ vì họ chưa được Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Thứ hai, BLDS 2005 đã lược bỏ quy định về cơ chế giám hộ của Nhà nước (thông qua cơ quan LĐTB&XH). Việc Nhà nước đảm trách việc giám hộ là một trong những biểu hiện tốt đẹp nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân và vì dân”. Do vậy, việc bãi bỏ cơ chế giám hộ của Nhà nước trong BLDS 2005 là không hợp lý.
Dự thảo BLDS (sửa đổi) chưa xử lý được các bất cập nêu trên của BLDS 2005. Hơn thế nữa, Dự thảo lại bổ sung một số thay đổi chưa hợp lý như lược bỏ cơ chế giám hộ đương nhiên (mặc nhiên xác lập) của những người gần gũi thân thích trong gia đình. Theo quy định tại Dự thảo thì mọi trường hợp giám hộ đều chỉ được xác lập theo quyết định của UBND cấp xã.
Dự thảo bổ sung quy định, việc giám sát việc giám hộ cũng cần phải được xác lập theo quyết định của UBND cấp xã, “UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có thẩm quyền cử người giám hộ, người giám sát” (khoản 1 Điều 72). Tiếp theo đó, khoản 4 Điều 72 quy định “Việc giám hộ, giám sát phải được đăng ký theo quy định của pháp luật về hộ tịch”.
Những thay đổi này làm cho việc giám hộ phải qua những thủ tục hành chính quá rườm rà mà những người yếu thế khó có thể thực hiện được, việc xác lập giám hộ trở nên khó khăn hơn, từ đó càng làm cho những người mắc bệnh tâm thần và người chưa thành niên khó có cơ hội được hưởng cơ chế giám hộ.
Qua các phân tích trên, người viết kiến nghị, nên khôi phục lại các quy định về giám hộ trong BLDS 1995 để bảo vệ tốt hơn quyền của những người được giám hộ.
Theo Bùi Đăng Hiếu/CP
Bình luận