Thứ tư, 15/01/2025, 23:07 [GMT+7]

Cẩn trọng với thực phẩm có độc tố tự nhiên

Thứ sáu, 13/08/2021 - 10:49'
(BLC) - Từ lâu, các thực phẩm từ tự nhiên như: nấm rừng, cào cào, châu chấu, bọ xít, dế, ong, mối, sâu chít, trứng kiến... là đặc sản được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh và du khách yêu thích. Nhất là các loại nấm, bởi độ thơm ngon, hấp dẫn của những món ăn từ loại thực phẩm này. Tuy nhiên, đây cũng là các thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc do chứa các độc tố tự nhiên (ĐTTN).

Sau những cơn mưa, nấm rừng phát triển mạnh. Với đặc tính sinh sống gần rừng núi, bà con khi làm nương, lên rừng hoặc quanh nhà thấy nấm mọc, thường hái về sử dụng. Mùa này, người dân các địa phương lân cận thành phố Lai Châu cũng thường mang sản vật núi rừng xuống chợ trung tâm bán. Hôm nay, chị Vàng Thị Nu, dân tộc Mông ở xã Tả Lèng cũng hái được 3kg nấm rừng (loại nấm màu trắng ngà, rất to, đường kính hơn 1 gang tay người lớn). Chị mang xuống chợ trung tâm bán với giá 100 nghìn đồng/kg với hy vọng có thêm chút thu nhập. Trước những băn khoăn của khách hàng về sự an toàn của loại nấm này, chị Nu mộc mạc nói: Mình không biết theo tiếng phổ thông, nấm này gọi tên như thế nào nhưng đây là loại nấm ở rừng gần nhà mình. Sau những ngày mưa kéo dài mới có, mà 1 năm chỉ có 1 lần. Mình lấy được nhiều lắm, gia đình ăn không hết nên mang đi bán thôi. Từ chiều đến giờ mình cũng bán được hơn một nửa rồi. Bà con người Mông hay ăn nấm này, ngon lắm, không ai bị ngộ độc cả.

Nấm rừng được bà con thu hái và bán tại chợ trung tâm thành phố.

Nấm mọc tự nhiên trong rừng được bà con thu hái và bán tại chợ trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm tự nhiên nào cũng an toàn với sức khỏe người sử dụng như loại nấm gia đình chị Nu thường ăn. Nhiều năm về trước, trên địa bàn tỉnh, ở không ít địa phương, các vụ ngộ độc do ăn thực phẩm có ĐTTN xảy ra khá nhiều. Có thể kể ra một số vụ điển hình như tại huyện Than Uyên: 2 người chết, 6 người nguy kịch do ăn phải nấm độc ở bản Mè, xã Ta Gia (năm 2012); 1 người tử vong, gần 30 người phải cấp cứu do ngộ độc khi ăn bọ xít đen ở bản Mùi 2, xã Khoen On (năm 2014). Hay cuối năm 2014, tại xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), 19 người phải nhập viện do ăn nấm rừng. Cũng tại xã biên giới này, 4 người trong 1 gia đình ở bản Sàng Mà Pho bị ngộ độc do ăn phải nấm độc mọc ở chậu địa lan...

Những năm gần đây, do được tuyên truyền và người dân dần nâng cao nhận thức về lựa chọn, sử dụng các thực phẩm từ tự nhiên, nên số vụ ngộ độc dù vẫn còn xảy ra song đã giảm theo từng năm và không có người bị chết. Cụ thể trong các năm: 2015 (xảy ra 3 vụ/10 người ngộ độc), 2016 (2 vụ/10 người ngộ độc), 2020 (1 vụ/7 người ngộ độc). Các vụ ngộ độc này đều do ăn nấm rừng người dân tự thu hái chế biến, trong đó có 17 người phải nhập viện điều trị và rất may không có nạn nhân nào tử vong.

Tìm hiểu thêm về vấn đề trên, chúng tôi có cuộc trò chuyện với đồng chí Vũ Văn Hùng - Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lai Châu. Anh Hùng cho biết: Thực phẩm có ĐTTN là loại thực phẩm bản thân có sẵn các chất độc, được chia làm hai loại: thực phẩm có nguồn gốc động vật: cá nóc, cóc, một số loại bọ xít, ve sầu, cua mặt quỷ... và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật: nấm độc, khoai tây mọc mầm, măng, sắn, lạc mốc, ngô mốc, đậu mốc, một số loại rau rừng (cà độc dược, dương xỉ diều hâu…). Do tập quán của bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh thường sử dụng các loại rau rừng, nấm rừng, côn trùng, một số loại cua, ốc, ếch, cóc sống trong tự nhiên và thực phẩm bảo quản không đúng cách có thể gây nấm, mốc. Vì thế, nếu không phân biệt, nhận biết được các thực phẩm có độc tố, bị nấm mốc hoặc chế biến không đúng cách thì nguy cơ ngộ độc từ những loài thực phẩm có ĐTTN này rất cao, có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm có ĐTTN, cơ quan chức năng đã phối hợp với các đoàn thể, địa phương thường xuyên tuyên truyền tới nhân dân, đặc biệt là bà con ở vùng sâu, vùng xa về ngộ độc thực phẩm do ĐTTN. Hướng dẫn người dân nhận biết các thực phẩm có ĐTTN, bảo quản thực phẩm đúng cách. Kiểm tra, giám sát (KTGS) thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD), chế biến nông - lâm - thủy sản trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở SXKD, chế biến các sản phẩm có ĐTTN. Khuyến cáo bà con không khai thác, thu hái, đánh bắt sử dụng, chế biến dưới bất kì hình thức nào đối với các loại thực phẩm có ĐTTN để dùng làm thực phẩm.

Trao đổi thêm về vấn đề này, đồng chí Tống Văn Dương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Hàng năm Sở chỉ đạo đơn vị chuyên môn tổ chức KTGS an toàn thực phẩm (ATTP) định kỳ vào dịp: trước và sau tết Nguyên đán, Tháng hành động vệ sinh ATTP, tết Trung thu tại các cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm nông - lâm - thủy sản, chú trọng các sản phẩm có ĐTTN. Ngoài ra, còn tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện kiểm tra ATTP tại cơ sở.

Đầu năm 2021, Sở ban hành Công văn số 559/SNN-QLCL ngày 5/4/ 2021 gửi UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tăng cường biện pháp KTGS phòng chống ngộ độc thực phẩm do ĐTTN gây ra. Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc khẩn trương thông tin, truyền thông và cảnh báo đến người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, không chế biến và không ăn các loại động vật, thực vật có nguy cơ chứa ĐTTN như: nấm lạ, rau rừng lạ, sắn, bọ xít, cóc, ve sầu, cua đá, khoai tây đã mọc mầm, các loại thực phẩm bị mốc, nghi ngờ không bảo đảm an toàn dù chỉ một lần. Khuyến cáo bà con khi thấy các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn động vật, thực vật có chứa ĐTTN (buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài, đau đầu…) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời. Đồng thời tăng cường KTGS các hoạt động thu hái, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật, thực vật có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do ĐTTN để sớm phát hiện, ngăn chặn.

Được biết, trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị trong ngành Nông nghiệp đã tổ chức 8 cuộc KTGS chất lượng vệ sinh ATTP với 601 lượt cơ sở SXKD, chế biến sản phẩm động vật, thực vật. Có 4.789 cơ sở sản xuất ban đầu, nhỏ lẻ ký cam kết đảm bảo ATTP. Qua kiểm tra các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định về điều kiện ATTP và không SXKD các loại thực vật, động vật có chứa ĐTTN.

Nếu ăn phải thực phẩm chứa ĐTTN và không được cấp cứu kịp thời sẽ để lại các di chứng và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, bà con cần cẩn trọng khi sử dụng các loại thực phẩm tự nhiên chưa rõ chủng loại và độ an toàn để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Thảo Nguyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...