Thứ sáu, 10/01/2025, 19:23 [GMT+7]

“Cháy nhà”… ra nhiều chuyện

Thứ ba, 14/05/2013 - 08:00'
Khi sự việc con của anh Dương Thái Lam (198 đường Hùng Vương, phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) bị y sĩ Bùi Phương Hoa, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tiêm vắc xin không đủ liều chưa lắng xuống, thì hai ngày trước, chị Nguyễn Kim Oanh (ở tổ 8, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) lại phản ánh chính y sĩ này đã từng tiêm vắc xin pha sẵn khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. 

Tiêm phòng cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Tiêm phòng cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Xử lý nghiêm sai phạm

Ngày 10-3, chị Nguyễn Kim Oanh đưa con là Lê Khắc Hữu (sinh ngày 19-11-2012) đến Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (số 70, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) để tiêm mũi thứ hai vắc xin phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan, viêm màng não mủ. Tại đây, con chị được y sĩ Bùi Phương Hoa tiêm vắc xin đã pha sẵn. Khi tiêm xong, y sĩ này đưa cho chị một vỏ hộp, trong đó có tờ hướng dẫn sử dụng. Điều đáng nói, theo tờ hướng dẫn đó, trước khi tiêm phải pha thuốc trực tiếp, không được pha sẵn. Nghi ngờ có điều không minh bạch nên chị Nguyễn Kim Oanh quay lại phòng tiêm để trao đổi trực tiếp với y sĩ Hoa, đồng thời yêu cầu cán bộ tiêm chủng cho con chị viết tường trình sự việc. Y sĩ Bùi Phương Hoa cũng đã thừa nhận việc pha sẵn thuốc và biên bản tường trình đã được bác sĩ Đặng Đình Huân (trưởng kíp trực hôm đó) ký xác nhận. Trong hai tháng qua, dù luôn băn khoăn về chất lượng của mũi vắc xin nhưng gia đình cũng không phản ánh sự việc đến cơ quan quản lý vì theo chị Nguyễn Kim Oanh, sau khi viết bản tường trình, y sĩ Bùi Phương Hoa đã xin gia đình bỏ qua sự việc.

Phản ánh trên của chị Nguyễn Kim Oanh đã được ngành y tế Hà Nội xác nhận là có thật. Ngày 13-5, Sở Y tế Hà Nội có công văn yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phối hợp với các phòng, ban của Sở xem xét, kết luận, xử lý nghiêm minh các cá nhân có liên quan đến sai phạm (cá nhân y sĩ Bùi Phương Hoa, làm rõ trách nhiệm của thành viên ca trực, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội), báo cáo kết quả về Sở Y tế trước ngày 16-5-2013 để báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trực tiếp chỉ đạo Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự... theo đúng quy định. Trong ngày, Sở Y tế đã cử nhân viên y tế đến gia đình chị Oanh để thăm khám, theo dõi sức khỏe cho cháu bé.

Với tinh thần nghiêm túc và kiên quyết xử lý sai phạm của cơ quan quản lý, chắc chắn người làm sai sẽ phải chịu kỷ luật thích đáng. Tuy nhiên, dư luận đòi hỏi, ngành y tế Hà Nội sẽ làm gì để hiện tượng này không tái diễn? 

Người dân sẽ là một "kênh" giám sát

Để tránh tiếp tục xảy ra sự việc đáng tiếc như trên, ổn định lại hoạt động tiêm chủng, giải pháp của ngành y tế Hà Nội đưa ra trước mắt là rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng tại 29 trung tâm y tế quận, huyện; tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra thường xuyên và đột xuất tại các điểm tiêm; lắp đặt hệ thống camera theo dõi. Bên cạnh những biện pháp quản lý mang tính "nội bộ", ngành y tế Hà Nội mong muốn có sự giám sát của người dân đối với hoạt động tiêm chủng, xem đây là "kênh" giám sát hữu hiệu.

Nhằm phát huy hiệu quả của hoạt động giám sát này, bên cạnh việc công khai số điện thoại đường dây nóng của cơ quan quản lý để người dân kịp thời phản ánh khi cần (0439035688, 0913513616, 0915421888), Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, sẽ yêu cầu các đơn vị tiêm chủng thông báo và niêm yết công khai, chi tiết quy trình tiêm chủng. Đây là một việc làm cần thiết bởi không phải phụ huynh nào cho con đi tiêm chủng cũng nắm được quy trình tiêm chủng để phân biệt tiêm thế nào là an toàn; mình có quyền giám sát và giám sát thế nào là đúng đối với hoạt động tiêm chủng, nhất là trong khi lâu nay, trẻ và cha mẹ trẻ không được các cán bộ y tế coi là khách hàng dù họ đang bỏ tiền ra để tiêm dịch vụ.

Quy trình tiêm chủng: Tiếp đón; khám phân loại (đo nhiệt độ, hỏi tiền sử dị ứng, tiền sử tiêm chủng các mũi tiêm trước, tình trạng sức khỏe hiện tại, nếu trẻ đang sốt hoặc đang nhiễm trùng cấp tính thì hoãn tiêm lần này); tư vấn, chỉ định tiêm chủng đúng loại vắc xin, liều lượng, đường tiêm theo lứa tuổi, thời gian, tiền sử tiêm chủng; nhập số liệu quản lý vào hệ thống máy tính; thu tiền theo hóa đơn, phát tích kê loại vắc xin theo đúng chỉ định; thực hiện thao tác tiêm (xem sổ tiêm, đối chiếu với tích kê, lấy thuốc; thông báo cho khách hàng tên vắc xin, vị trí tiêm, đường tiêm, liều lượng tiêm; pha hồi chỉnh nếu có); sát trùng nơi tiêm; bỏ bơm kim tiêm vào hộp an toàn, vỏ lọ vắc xin vào túi lưu 14 ngày theo đúng quy định; chỉ trả vỏ hộp cho khách hàng với loại vắc xin có vỏ hộp riêng cho từng liều tiêm; hướng dẫn khách hàng các phản ứng sau tiêm thường gặp và cách xử trí; theo dõi 30 phút sau tiêm tại khu vực tiêm chủng.

Theo Tùng Linh (Hanoiimoi)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) - Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...