Thứ tư, 15/01/2025, 19:47 [GMT+7]

Chó, mèo còn thả rông đến bao giờ?

Chủ nhật, 16/02/2020 - 07:16'
(BLC) - Tại các xã, phường trên địa bàn thành phố Lai Châu, cũng như địa bàn các huyện trong tỉnh. Việc người dân nuôi chó, mèo không tiêm phòng, xích nhốt, rọ mõm vẫn diễn ra phổ biến. Thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông, lây lan dịch bệnh, cắn người gây thương tích thậm chí dẫn đến tử vong.

Dọc theo các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố Lai Châu như: Trần Phú, Huỳnh Thúc Kháng, Trần  Hưng Đạo… hay tại các tổ dân phố, khu dân cư chẳng khó để nhìn thấy các loại chó, mèo không dây xích, luôn trong tư thế sẵn sàng cắn, rượt đuổi người đi đường. Không những thế, chó, mèo sẵn sàng chạy ngang qua đầu xe khiến người đi đường đâm phải hoặc giật mình gây tai nạn. Bên cạnh đó, việc chó, mèo thả rông còn thường xuyên phóng uế, đào bới thùng rác gây mất vệ sinh dễ lây lan các loại dịch bệnh. Tại một số khu dân cư như tổ 1 phường Đoàn Kết chó, mèo được nuôi với số lượng nhiều nhưng không được xích nhốt thường tụ tập cắn, sủa vào ban đêm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Kéo theo nhiều hệ lụy, làm mất tình làng nghĩa xóm…

Bà Vũ Hoài Thêm - trú tại số nhà 201, đường Lê Duẩn, phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) cho biết: Trong dịp tết vừa qua, tôi bị chó nhà hàng xóm sang tận nhà cắn trên mặt, hiện tại con chó đã chết, tôi đã sơ cứu và tiêm phòng vắc-xin nhưng vẫn hoang mang và rất lo lắng. Không những ảnh hưởng sức khỏe, gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới công việc cũng như tinh thần.

Có thể dễ dàng nhận thấy, việc người dân Lai Châu nuôi chó, mèo thời gian gần đây tăng cao theo trào lưu. Hiện, số lượng chó, mèo trên toàn tỉnh có khoảng 60.000 con theo báo cáo mới nhất của Chi cục   Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Số lượng chó, mèo được tiêm phòng không quá 50%, đa phần không được nuôi nhốt, rọ mõm. Phần lớn người dân nuôi chó, mèo không quan tâm tắm rửa vệ sinh và thực hiện nhốt xích vì quan niệm xích nhiều càng hung dữ, khiến nhiều gia đình lo lắng, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ, thường xuyên phải đi lại qua các khu vực có nhiều chó, mèo ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân trong khu vực.

Ông Hà Mạnh Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Tân phong cho biết: Thời gian vừa qua, phường quyết liệt thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về vấn đề kiểm soát động vật nuôi nói chung, chó, mèo nói riêng trên địa bàn phường. Chúng tôi đã chủ động tuyên truyền, nhắc nhở người dân chăm sóc sức khỏe vật nuôi, tiêm phòng, xích, nhốt thông qua hệ thống loa phát thanh phường cũng như trong các cuộc họp tổ dân phố. Yêu cầu người dân ký cam kết tiêm phòng, rọ mõm, nhốt tại nhà. Phối hợp với Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố thành lập các tổ tuần tra, tăng cường bắt giữ những trường hợp thả rông, nhắc nhở xử phạt hành chính các hộ gia đình vi phạm. Tuy nhiên, hiệu quả không cao bởi nguồn ngân sách của phường còn khó khăn, không có phương tiện đi lại, cùng với đó nguồn nhân lực thực hiện không chuyên, khó đảm bảo an toàn khi thực hiện nhiệm vụ. Nhiều trường hợp khi bị xử lý đã gây nhũng nhiễu, tụ tập số đông người nhà tại trụ sở UBND phường, đòi hỏi, mắng mỏ, dọa nạt cán bộ… Ngoài những khó khăn trên, việc thực hiện các quy định xử phạt còn nhiều bất cập, mức phạt không đủ sức dăn đe, quy định chưa sát thực tế như phạt chó, mèo phóng uế là 200 nghìn đồng, thả rông từ 300 - 1.000 đồng…

Ông Phạm Anh Hùng – Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Mặc dù thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở nâng cao ý thức người dân nhưng tỷ lệ tiêm phòng cho chó, mèo trên địa bàn thành phố chỉ đạt 50%, còn ở các huyện, nhất là các địa bàn vùng cao thì còn thấp hơn, thậm chí những bản vùng cao người dân hoàn toàn không thực hiện các quy định tiêm phòng trong khi việc tiêm phòng, quản lý chó, mèo nuôi là tránh nhiệm của người dân.

Tình trạng chó đươc thả rông trên đường Trần Hưng Đạo, phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) vẫn phổ biến. Ảnh chụp ngày 13/2/2020.

Theo Bác sỹ Trần Bá Hướng - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Việc nuôi chó, mèo mà không tiêm phòng là rất nguy hiểm. Trong nhưng tháng cuối năm 2019, đã có 4 trường hợp tử vong do chó, mèo cắn. Ngày 6/2 có thêm một cháu bé 12 tuổi chết do mắc bệnh dại liên quan tới chó, mèo. Đây là những trường hợp đáng tiếc mà nguyên nhân là do sự thiếu kiến thức về phòng, chống dịch bệnh dại, ý thức các hộ nuôi chó, mèo, người bị thương còn chủ quan. Hiện tại bệnh dại do chó, mèo có khả năng đã biến đổi nhiều biểu hiện bệnh, tuy nhiên vẫn có thể nhận ra như sốt, hoảng sợ, sợ nắng, sợ nước, mất ngủ… nhưng thời gian ủ bệnh có thể kèo dài hơn bình thường là 15 ngày. Bệnh cũng có thể xuất hiện ngay trong mùa xuân như trường hợp cháu bé 12 tuổi ở bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) vừa qua. Người dân cần chủ động cập nhật thông tin, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, khi cao điểm mùa dịch đang tới gần.

Tình trạng thả rông chó, mèo trên địa bàn tỉnh ta vẫn diễn ra phức tạp, mong rằng trong thời gian tới tiếp tục có sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao ý thức trong Nhân dân. Đồng thời, xử lý nghiêm các hộ nuôi chó không chấp hành quy định của pháp luật để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.

Mạnh Hùng – Tấn Bảo

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...