Trước đó (ngày 3.12), Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế (OECD) đã công bố kết quả đánh giá học sinh quốc tế 2012 (PISA). Theo kết quả này, Việt Nam xếp hạng 17 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ- vượt xa học sinh Anh, Mỹ.
Kết quả ở từng môn, Việt Nam xếp thứ 8 về khoa học (528 điểm), xếp thứ 17 về môn toán (511 điểm) và xếp thứ 19 về môn đọc hiểu (508 điểm). Năm nay, trọng tâm của đánh giá xếp hạng học sinh tập trung vào môn toán. Chung cuộc, Việt Nam có xếp hạng thứ 17 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đánh giá.
Danh sách xếp hạng học sinh quốc tế 2012 của Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế (OECD)
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (người phụ trách PISA của Việt Nam) chia sẻ tại buổi đối thoại: “Kết quả này bất ngờ cả với chúng tôi. Khi bắt đầu tham gia chương trình PISA, VN chỉ hi vọng học sinh đạt hạng trung bình hoặc dưới trung bình”. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, trong quá trình chuẩn bị về số liệu học sinh, danh sách các trường, các loại hình trường học (công lập, ngoài công lập, trường nghề), Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế (OECD) nắm thông tin và chọn mẫu. OECD đã chọn 59 tỉnh thành của VN được tham gia đánh giá PISA. Và kết quả xếp hạng thật bất ngờ: Học sinh Việt Nam vượt xa nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Theo Bộ GDĐT, hiện nay ngành giáo dục của VN đã xây dựng kế hoạch hành động và từng bước triển khai thực hiện để đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo PISA. Bộ GDĐT trực tiếp phụ trách điều hành PISA và đứng tên ký thỏa thuận với OECD.
Bộ cũng thành lập Ban quản lý PISA, thành phần gồm các lãnh đạo của những đơn vị trực tiếp liên quan đến thi cử và phát triển giáo dục phổ thông. Ban quản lý PISA sẽ chịu trách nhiệm tham mưu để Bộ GDĐT đưa ra các quyết sách thực hiện PISA quốc gia và chỉ đạo các Sở GDĐT địa phương.
PISA sẽ được đưa vào nhà trường phổ thông và gắn liền với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh ở các cấp học.
Bình luận