Thứ hai, 13/01/2025, 14:36 [GMT+7]

Chống buôn lậu: Giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng địa phương

Thứ sáu, 18/12/2015 - 08:40'
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm qua đạt nhiều kết quả, tuy nhiên còn nảy sinh nhiều bất cập đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Ảnh: VGP/Lê Sơn

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2015?

Ông Nguyễn Văn Cẩn: Hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia từ đầu năm đến nay và kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ban chỉ đạo 389 quốc gia cùng các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp đẩy mạnh phối hợp đấu tranh có hiệu quả, phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 187.000 vụ việc vi phạm, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2014. Thu nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 11.500 tỉ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ; khởi tố 1.123 vụ với 1.281 đối tượng. Một số vụ buôn lậu lớn được phát hiện như vụ buôn lậu 62.000 bao thuốc lá tại Củ Chi; vụ bắt giữ 156 bánh heroin tại địa bàn tỉnh Cao Bằng; bắt giữ 611.000 lít dầu lậu trên vùng biển Kiên Giang, hơn 1 tấn ngà voi ở Đà Nẵng, hơn 200 container hàng cấm nhập ở TPHCM...

Hoạt động của Ban chỉ đạo 389 quốc gia về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc vi phạm, nâng cao kết quả tổng thể công tác đấu tranh. Một trong những điểm nổi bật là công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả và đi vào cuộc sống.

PV: Vậy những yếu kém, khó khăn, bất cập cần khắc phục trong công tác này trong năm tới là gì?

Ông Nguyễn Văn Cẩn: Vẫn còn một số ngành, địa phương phối hợp chưa chặt chẽ, nhất là trong công tác xử lý, kể cả cơ quan tố tụng do một số văn bản chưa rõ ràng, một số vụ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Điều này Ban Chỉ đạo đã nhận thấy và trực tiếp Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban đã chỉ đạo cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị chức năng và cá nhân chịu trách nhiệm để làm rõ.

PV: Có ý kiến cho rằng, so với số vụ mà các lực lượng chuyên trách bắt giữ, xử lý thì số vụ khởi tố vụ án không nhiều, không đủ sức răn đe?

Ông Nguyễn Văn Cẩn: Chúng ta đã xử lý gần 1.300 vụ án, điều này là ít so với 187.000 vụ bắt giữ. Trong đó, một số ngành chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự khá ít như quản lý thị trường (bắt giữ 3.000 vụ hàng giả, nhưng đề nghị khởi tố 11 vụ), điều này cho thấy sự phối hợp giữa quản lý thị trường và cơ quan điều tra chưa kịp thời. Sang năm 2016, chúng tôi sẽ sửa đổi quy chế phối hợp gắn với trách nhiệm của các lực lượng chuyên trách. Nếu là cơ quan không có chức năng khởi tố vụ án thì khi nào có dấu hiệu hình sự cần chuyển ngay cho cơ quan điều tra, hoặc cơ quan công an các cấp phải vào cuộc ngay từ đầu để xem xét, tăng công tác phòng và tiến hành điều tra sâu để xử lý, nhất là từ các tin báo của người dân trong lĩnh vực này.

PV: Có ý kiến cho rằng, thời gian qua do chúng ta tập trung đánh mạnh và các ổ nhóm, đầu nậu lớn nên tình hình buôn lậu quy mô, ngang nhiên đã được hạn chế nhiều. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu vẫn phức tạp trong thời gian tới, đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành phải có trách nhiệm cao, nhất là người đứng đầu. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Cẩn: Vừa qua, chúng ta thấy số lượng bắt giữ tăng, nhiều vụ án lớn, trọng điểm được xử lý. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu vẫn phức tạp bởi chúng ta càng hội nhập thì các đối tượng trong nước cấu kết với nước ngoài nhằm đưa hàng lậu, hàng kém chất lượng, giả mạo xuất xứ vào các nước cũng như vào Việt Nam có dấu hiệu tăng. Điều đáng lo ngại là trong số những mặt hàng tuồn vào nước ta, có những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu...

Do vậy, Ban Chỉ đạo đã chủ động xây dựng kế hoạch để đấu tranh chống các loại tội phạm này, đặc biệt trước và trong dịp Tết Nguyên đán và tổng kết cuối tháng 2/2016. Kế hoạch này giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương vùng trọng điểm và có đánh giá cụ thể để xác định trách nhiệm.

PV: Thưa ông, lâu nay chúng ta cũng đều xác định trách nhiệm của người đứng đầu công tác này. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo về việc này như phải thay thế, luân chuyển, kỷ luật cán bộ thiếu trách nhiệm hay bảo kê. Việc này được các bộ, ngành, địa phương thực hiện như thế nào, có đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân hay không?

Ông Nguyễn Văn Cẩn: Qua công tác kiểm tra, kiểm soát và đánh giá, năm 2015 đã luân chuyển, kiểm điểm trách nhiệm đối với một số đơn vị, cá nhân có dấu hiệu không thực hiện đúng nhiệm vụ, bao che, tuy nhiên con số đó vẫn còn ít.

Năm 2016, Văn phòng sẽ tham mưu cho Ban Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thậm chí sẽ kiểm tra cụ thể một số vụ án, vụ việc, từ đó đề xuất xử lý trách nhiệm cụ thể.

Việc luân chuyển cán bộ làm việc ở môi trường nhạy cảm, dễ bị mua chuộc được thực hiện theo quy chế của từng ngành. Ví dụ như ở cán bộ ngành hải quan, tối đa không quá 3 năm phải luân chuyển, nếu có dấu hiệu thì luân chuyển ngay, không đợi hết 3 năm mới làm.

PV: Công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương thời gian qua đạt nhiều kết quả, tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn khi thấy nhiều vụ việc được báo chí phản ánh nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa thống nhất phương án xử lý, ví dụ như vụ Công ty Thuận Phong ở Đồng Nai. Trách nhiệm để chậm trễ này thuộc về ai, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Cẩn: Một số vụ việc còn để kéo dài, một phần là do quy chế phối hợp, đặc biệt là phối hợp trong xem xét, xử lý còn chưa cụ thể. Ngoài ra, cũng do văn bản quy phạm bởi có những điểm còn chồng chéo, dẫn đến vận dụng thế này cũng được, thế kia cũng được. Cơ quan được giao nhiệm vụ chưa tích cực, cơ quan được xin ý kiến đôi khi né tránh...

Về việc này, Ban Chỉ đạo đã cho ý kiến, chỉ đạo quyết liệt bởi có vụ việc chúng ta báo cáo tận Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo cho ý kiến giải quyết. Ví dụ như vụ Công ty Thuận Phong thì ngay trong tháng 12/2016 này, Bộ Công an sẽ có báo cáo cụ thể với Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo.

Xin cảm ơn ông!

Theo Lê Sơn/chinhphu/15:29, 17/12/2015

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...