Thứ hai, 13/01/2025, 08:37 [GMT+7]

Chung quanh vấn đề giám sát, tham vấn cộng đồng

Thứ năm, 02/04/2015 - 08:56'
Tham vấn cộng đồng trong xây dựng và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án phát triển kinh tế - xã hội đã được thực hiện ở nước ta từ năm 1993, sau khi có Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, công việc này ở nhiều dự án còn mang tính hình thức.

Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai tạm dừng để thực hiện tham vấn về môi trường. (Ảnh: Xuân Hoàng).

Theo Luật Bảo vệ môi trường, chủ dự án phải tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng thực hiện nghiêm ngặt việc tham vấn cộng đồng. Đơn cử như Đề án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội và Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, vừa bị tạm dừng thực hiện sau khi dư luận “ thổi còi” vì không thực hiện việc tham vấn cộng đồng, có biểu hiện gây ô nhiễm môi trường.

Đề án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội là vấn đề lớn cả về yếu tố kinh tế lẫn xã hội không chỉ của Hà Nội, nhưng chỉ tham vấn một bộ phận người dân thuận theo cơ quan quản lý. Khi Đề án được triển khai đồng loạt, trước sự phản ứng quyết liệt của dư luận và công luận, Hà Nội quyết định dừng thực hiện Đề án để tham vấn cộng đồng. Nếu Đề án không dừng lại để tham vấn cộng đồng, chắc chắn lá phổi xanh của Hà Nội sẽ mất xanh, Hà Nội sẽ chật hẹp và ngột ngạt hơn.

Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, không chỉ không thực hiện tham vấn cộng đồng, mà ngay cả Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng không được biết để tham vấn. Dự án có thể ảnh hưởng đến sông Đồng Nai - sông quan trọng của Việt Nam chảy qua 11 tỉnh nếu không thực hiện việc tham vấn các cơ quan, tổ chức liên quan và cộng đồng theo một quy trình chuẩn thì cái giá phải trả về vấn đề môi trường là không nhỏ.

Việc các đề án, dự án "né" tham vấn về môi trường có nguyên nhân từ cách làm nóng vội, chạy theo tiến độ, thành tích, lợi nhuận. Hiệu quả kinh tế của dự án là vấn đề quan trọng, nhưng sự an toàn cho con người về môi trường sống còn quan trọng hơn. Bớt một đồng về bảo vệ môi trường hôm nay, thì cái giá phải trả cho tương lai sẽ vô cùng lớn, không thể đo đếm bằng tiền. 

Khi đánh giá tác động môi trường, theo quy định, chủ dự án phải tham vấn cộng đồng, nhưng chủ dự án lại có quyền quyết định, còn người được tham vấn thì không. Chính vì vậy, không ít chủ dự án lợi dụng quy định này để coi việc tham vấn cộng đồng là thủ tục hình thức, làm cho có. Vấn đề cốt lõi của việc tham vấn cộng đồng là trách nhiệm giải trình sau tham vấn và minh bạch thông tin để dư luận, công luận giám sát.

Hiện nay, đối tượng tham vấn thường là những người dân trực tiếp liên quan đến dự án, bị thu hồi đất, còn người dân sống quanh khu dự án bị tác động đến các vấn đề sinh kế, khói bụi, đường sá hư hỏng, khí thải, tiếng ồn… lại không được tham vấn. Việc “khu biệt” đối tượng tham vấn cũng sẽ làm hạn chế sự phản biện, lợi ích của số đông bị xem nhẹ...

Tính đến năm 2014, cả nước có 295 khu công nghiệp được thành lập theo quyết định của Chính phủ. Ngoài ra, còn có hàng trăm cụm, điểm công nghiệp được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nhiều khu, cụm, điểm công nghiệp trên cả nước chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn về môi trường theo quy định. Thực trạng đó làm cho môi trường sinh thái ở một số địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cộng đồng dân cư, nhất là các cộng đồng dân cư lân cận với các khu công nghiệp, đang phải đối mặt với thảm họa về môi trường; sống chung với khói bụi, uống nước từ nguồn ô nhiễm chất thải công nghiệp. Tại các đô thị lớn, quá trình đô thị hóa nhanh cũng nảy sinh tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức báo động. Đó là các ô nhiễm về nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, không khí, tiếng ồn... Ở nông thôn, tình trạng ô nhiễm môi trường từ trồng trọt và chăn nuôi đang có xu hướng gia tăng, trong khi việc kiểm soát chưa đạt hiệu quả cao.

Vấn đề môi trường đang nóng lên từng ngày, từng giờ. Để con người được sống thân thiện với môi trường, ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, cần lắm sự chung tay giám sát, phản biện của mỗi người dân. Không thể coi việc bảo vệ môi trường chỉ là trách nhiệm riêng của cơ quan nhà nước!

Đăng Dương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...