Chung tay thực hiện quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Từ hiểu biết cặn kẽ…
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ TT&TT ban hành, chỉ ra các quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước; các cơ quan nhà nước và các nhà cung cấp mạng xã hội.
Bộ Quy tắc nêu rõ các tổ chức, cá nhân cần tìm hiểu, tuân thủ các điều khoản hướng dẫn, sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia. Người dùng nên sử dụng họ, tên thật của cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc. Thực hiện bảo mật tài khoản và kịp thời thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đến quyền, lợi ích hợp pháp tổ chức, cá nhân.
(Ảnh minh họa: baochinhphu.vn).
Tổ chức, cá nhân chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt; vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước cũng thực hiện nội dung quy định như đối với tổ chức, cá nhân; đồng thời, thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức mình về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội. Khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cần chủ động thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết.
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội quy định các quy tắc ứng xử và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội; cung cấp thông tin; phản hồi những ý kiến trên mạng xã hội về vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội có trách nhiệm trong việc công bố điều khoản sử dụng dịch vụ; các biện pháp phát hiện, xử lý, ngăn chặn và loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật; hướng dẫn người sử dụng mạng xã hội; tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng.
Đến chung tay thực hiện
Trước hết, Mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội cần tìm hiểu kỹ về mục đích, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, về nội dung cơ bản của Bộ quy tắc ứng xử, bao gồm Quy tắc ứng xử chung; Quy tắc cho tổ chức, cá nhân; Quy tắc cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; Quy tắc cho các cơ quan nhà nước và Quy tắc cho các nhà cung cấp dịch vụ như đã nêu ở trên. Cùng với đó là nội dung của Luật An ninh mạng 2018, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 của Chính phủ, nhất là những hành vi bị cấm như những hành vi xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Thứ hai, Khi tham gia mạng xã hội, người dùng chỉ đăng tải hoặc chia sẻ thông tin từ nguồn chính thống, những thông tin chính xác, tin cậy; không chia sẻ, trích dẫn khi không chắc chắn về độ chính xác. Theo đó, thông tin chính thống gồm thông tin được đăng, phát trên báo chí Việt Nam hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước theo quy định pháp luật về báo chí, sở hữu trí tuệ. Các trang mạng xã hội (facebook, zalo, blog, Instagram…) không được coi là kênh thông tin chính thống, chỉ là thông tin có tính chất tham khảo.
Thứ ba, Người dùng cần phát triển các kỹ năng xem xét, xử lý thông tin trên mạng xã hội. Phải có sự chắt lọc thông tin từ hiểu biết và kinh nghiệm của mình, không cả tin với những gì đọc được trên mạng, đề cao cảnh giác trước những thông tin sai trái, thông tin xấu, độc. Để có được thông tin chính xác, tin cậy, người dùng nên xem nguồn gốc của thông tin từ đâu, chính thống hay không chính thống; thái độ, dụng ý của người đưa thông tin. Nếu không dẫn nguồn, có thể tự tìm nguồn bằng những “từ khóa” bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài.
Thứ tư, Người dùng mạng xã hội nên tự xác lập các quy tắc cho bản thân. Xem xét điều mình nêu có lợi, có hại cho ai, có thể gây hậu quả gì. Kiểm chứng để bảo đảm độ chính xác của thông tin, không tùy tiện, dễ dãi trong việc chia sẻ, dẫn lại các thông tin từ các trang khác mà chưa kiểm định hoặc từ những nguồn có thể bị mạo danh. Bảo đảm tính bảo mật, không làm lộ, lọt các thông tin cá nhân, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Nêu cao trách nhiệm công dân, bày tỏ thái độ, quan điểm cá nhân khi cần thiết, nhằm thúc đẩy những điều tích cực trên môi trường mạng.
Thứ năm, Phát huy vai trò các tổ chức, đoàn thể trong thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bảo đảm tuân thủ quy tắc, điều lệ, nội quy của tổ chức, đoàn thể. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn thể, hội viên trong thực hiện các chức trách nhiệm, nhiệm vụ của mình; đồng thời trong vai trò, trách nhiệm của một công dân đối với cộng đồng, xã hội.
Phát huy tốt vai trò quan trọng và tích cực của báo chí, truyền thông trong việc thực hiện các quy tắc mang tính chuẩn mực trên mạng xã hội. Báo chí vừa là nơi cung cấp những thông tin chính xác, đáng tin cậy, để người dùng mạng xã hội chia sẻ thông tin tích cực, vừa là nơi kiểm chứng nguồn tin và thông tin. Đồng thời, phát huy vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội của báo chí, nhất là trong các vấn đề có tính nhạy cảm, phức tạp; phê phán những hiện tượng lệch chuẩn, phát hiện và ngăn chặn thông tin xấu, độc; hướng người dân tham gia mạng xã hội thực hiện đúng các quy tắc vừa được ban hành.
Cập nhật Thứ năm, 24/06/2021 17:08 (GMT+7)/Nguyễn Nhâm/dangcongsan.vn
Bình luận