Chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao: Người dùng hưởng lợi
Theo đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam (MNP) do Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT-TT) soạn thảo, thực hiện chuyển mạng vẫn giữ nguyên số giúp các thuê bao có cơ hội được chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt hơn mà không bị mất số điện thoại đang dùng, vẫn giữ được liên lạc với mọi người, giữ được số gắn với ngày sinh... Việc làm này còn góp phần tạo ra xu hướng cá nhân hóa số điện thoại, là nền tảng cho việc phát triển các dịch vụ mới liên quan đến ứng dụng thương mại, dịch vụ nội dung trên mạng, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ 3G... Song, không thể kể đến một mục đích quan trọng mà đề án đề cập đó là triển khai MNP còn thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp (DN) viễn thông, để đem lại quyền lợi cho khách hàng. Ngoài ra, một lý do không thể không kể đến đó là việc triển khai đề án cũng là thực hiện quy định bắt buộc mà Việt Nam cam kết khi tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Được biết, Việt Nam cam kết thực hiện chuyển mạng giữ nguyên số trước năm 2020, trong khi phần nhiều các quốc gia tham gia TPP cam kết triển khai từ năm 2015.
Khách hàng tìm hiểu các loại hình dịch vụ của Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel). Ảnh: Thanh Hải
Theo lý giải của lãnh đạo Bộ TT-TT, việc xác định thời điểm năm 2017 là hợp lý, vì phù hợp với điều kiện thị trường của Việt Nam. Bộ cũng đưa ra lộ trình thực hiện: Năm 2013 hoàn tất khâu chuẩn bị; các năm 2014 - 2015 làm thủ tục đầu tư xây dựng; năm 2016 thử nghiệm dịch vụ; từ năm 2017 chính thức triển khai dịch vụ MNP cho tất cả các nhà mạng, thuê bao di động tại Việt Nam. Bộ TT-TT sẽ xây dựng Trung tâm chuyển mạng quốc gia để điều hành công việc nêu trên.
Như vậy, từ nay đến thời điểm ngày 1-1-2017 có bốn năm để quản lý nhà nước và các DN tiến hành triển khai. Bày tỏ quan điểm về đề án này, đại diện hai tập đoàn VNPT và Viettel cũng đã đặt ra một số vấn đề cho việc thực hiện. Trong đó, các DN đặt ra bài toán kinh tế về đầu tư thực hiện của Nhà nước và DN là bao nhiêu, sẽ đem lại được lợi ích gì? Thêm nữa là quy trình phối hợp giữa các nhà mạng với nhau như thế nào về chính sách giá cước, trong đó có giá cước chuyển đổi mạng về kết nối liên mạng (thuê bao từ mạng này chuyển sang mạng khác dùng)… Các DN cũng đặt ra các quy định liên quan đến thời gian để thực hiện thủ tục đầu tư…
Trên thực tế, khi đặt vấn đề thực hiện MNP từ vài năm trước, các nhà mạng lớn đã bày tỏ lo ngại nếu không có quy định cụ thể sẽ gây ra xáo trộn và ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường. Chẳng hạn, có thể xảy ra tình trạng thuê bao ồ ạt rời bỏ mạng này chuyển sang mạng khác, vừa gây thiệt hại cho DN chủ quản đã đầu tư hạ tầng mạng lưới lớn, hoặc nếu DN tiếp nhận nếu không sẵn sàng mạng lưới cũng có thể bị quá tải… Cũng có ý kiến cho rằng, triển khai MNP nếu không có ràng buộc rõ ràng sẽ dẫn tới tình trạng DN không chịu quản lý về giá thành, khuyến mãi đưa ra "chiêu" dụ khuyến mãi lớn để hút thuê bao của DN chiếm thị phần khống chế… Đó là những lo ngại không phải không có lý. Song, có một thực tế là, khách hàng cũng rất quan tâm đến chất lượng dịch vụ cho nên họ cũng không dại gì mà rời bỏ mạng đang dùng có chất lượng cao hơn để chuyển về dùng nhà mạng có vùng phủ sóng thấp. Lý do khuyến mãi hấp dẫn vẫn là chưa đủ vì hiện giá cước di động tại Việt Nam thuộc hàng thấp.
Và nếu tất cả người tiêu dùng đều chọn phương án hưởng khuyến mãi thì có lẽ các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile, Gmobile không ở trong tình trạng khó khăn… Được biết, trên thế giới, tại những nước đã thực hiện MNP, tỷ lệ thuê bao chuyển mạng không cao. Do vậy, các nhà mạng lớn cũng không nên quá lo ngại, vì thực tế chất lượng dịch vụ mạng lưới của họ được đánh giá là tốt hơn rất nhiều so với các mạng nhỏ và việc của họ bây giờ là tiếp tục duy trì để đem lại nhiều tiện ích hơn cho khách hàng.
Theo Việt Nga (Hanoimoi)
Bình luận