Chuyện kể của những di tích
Hầm Đờ Cát - trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, được thực dân Pháp gọi là “pháo đài bất khả chiến bại”. Cách đây hơn 60 năm, từ vị trí này các mệnh lệnh được ban ra đã gây không biết bao đau thương, thiệt hại cho quân và dân ta cho đến 17h30 phút ngày 7/5/1954 - ngày mà pháo đài bất khả chiến bại gục ngã. Như quân bài đổ đầu tiên trong trận cờ đô mi nô, hàng loạt quốc gia thuộc địa khác đã vùng lên và đỉnh cao là “Năm Châu Phi”…
Nay, căn hầm vẫn còn đây như luôn nhắc nhở về những ngày tháng gian khổ mà hào hùng cho thế hệ kế tiếp.
Chúng tôi gặp một nữ hướng dẫn viên du lịch. Cô kể rành rọt, diễn cảm từng chi tiết của ngày quân ta tràn lên, giây phút đầu hàng của quân địch. Có lẽ lửa đã được truyền!
Đồi A1 - tấm áo giáp cuối cùng bảo vệ cho khu chỉ huy của quân Pháp tại Điện Biên Phủ năm xưa, những người lên đây dù mang các quốc tịch khác nhau nhưng chỉ có một cách gọi, xưng hô: “Bạn”. Họ tìm về đây để nghe, để xem uy lực của khối bộc phá ngàn cân đánh sập đồi A1 và tin yêu hơn vào trí tuệ, sự can trường, dũng cảm của con người Việt Nam.
Về thăm lại chiến trường xưa sau 6 thập kỷ, người cựu chiến sỹ Điện Biên năm nào luôn nhận được sự kính trọng, nể phục và hàm ơn của các lớp hậu duệ! Ai cũng muốn chụp ảnh, hỏi han và chia vui cùng các cụ.
Tiếng súng đã lùi xa nhưng với người du khách đến từ nước Úc xa xôi này dường như vẫn muốn tìm lại những gì còn sót lại. Và ông đã thành công, một mảnh nẹp của kẹp đạn súng tiểu liên, một vỏ lựu đạn sẽ không bao giờ có thể nổ có lẽ sẽ theo ông về nước để danh tiếng Điện Biên Phủ sẽ vang xa hơn, hào hùng hơn. Khi được hỏi, chia sẻ bằng sự hiếu khách, thân thiện của người Việt, ông hồ hởi nói về những giả thiết về những “mảnh vụn” chiến tranh. Khoảng cách địa lý, sự bất đồng ngôn ngữ giường như không ngăn được những người ưa chuộng hòa bình đến với nhau.
Gạo Điện Biên - thứ gạo được trồng ngay tại nơi trước đây bị nát nhừ bởi hố bom, hố đạn, giao thông hào, chiến hào, công sự, dây thép gai. Mọc lên trong hòa bình, bằng sức lực trí tuệ Việt, gạo Điện Biên đã trở thành một thương hiệu lớn.
Những lớp thanh niên xưa đã đuổi quân thù khỏi đất này còn những lớp thanh niên ngày nay đang xây dựng trong lòng du khách những hình ảnh đẹp, thiện cảm về con người Việt Nam. Dưới chân đồi A1, một tốp thanh niên tình nguyện thường trực để giúp đỡ người yếu, cựu chiến binh lên thăm đồi, cung cấp nước uống miễn phí và thậm chí là phiên dịch viên cho những người có nhu cầu.
Cách trung tâm thành phố khoảng 30km là địa danh nổi tiếng Mường Phăng - nơi cách đây 60 năm là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam kiêm Chỉ huy Trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hai hình ảnh trái ngược nhau về sự kiên cố của công sự và cũng có hai kết quả trái ngược nhau của trận chiến. Một mái nhà tranh, một vị tướng áo vải đã lãnh đạo quân và dân ta làm sáng ngời chân lý thời đại…
Người cựu chiến binh này đã 2 lần được gặp Bác Hồ nhưng chưa một lần được thấy mặt Đại tướng. Ông tên là Phạm Văn Chè quê ở Thái Bình. Với lòng ngưỡng mộ, kính trọng Đại tướng, dù trong mình mang thương tật (mất 71% sức khỏe), lại không có ai đưa dắt nhưng ông vẫn một mình chống gậy vào Mường Phăng, lên thăm Đại tướng. Sức lực của một cụ già 84 tuổi có lẽ chẳng còn bao nhiêu nhưng với tinh thần chiến sỹ Điện Biên năm xưa - tinh thần đã giúp họ làm nên kỳ tích và đưa cụ đi hết chặng đường, đến được nơi “Người anh cả của quân đội Nhân dân Việt Nam” đã làm việc, đã chỉ huy ông, đưa thế hệ của ông đi vào lịch sử.
Xuân Thi
Bình luận