Dịch vụ đổi tiền lẻ: Lệnh cấm đã có, xử lý thì chưa!
Bát nháo dịch vụ đổi tiền lẻ
Như đã thành thói quen, càng vào dịp cận Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền lẻ của một bộ phận người dân lại càng tăng cao. Nắm bắt nhu cầu đó, các dịch vụ đổi tiền lẻ xuất hiện nhiều nơi. Tại các khu vực như chùa Phúc Khánh, đền Quán Thánh, chùa Hà, phủ Tây Hồ... dịch vụ đổi tiền diễn ra khá tấp nập. Nhiều hàng cho trưng các tấm biển "Đổi tiền lẻ" công khai. Không chỉ tập trung ở khu vực cổng chùa, đền, rải rác tại phố Thái Thịnh, đường Láng... nhiều cửa hàng cầm đồ, bán trang sức cũng treo biển đổi tiền lẻ. Tại khu vực phố Đinh Lễ - Đinh Tiên Hoàng, trước Bưu điện Hà Nội, nơi thường xuyên có nhiều người làm dịch vụ đổi tiền, ngoại tệ, mặc dù hoạt động này năm nay trầm lắng hơn các năm trước. Người đổi tiền ở đây thường "đóng vai" người bán nước, trông xe… nhưng có thể sẵn sàng phục vụ nhu cầu đổi tiền của khách hàng bất cứ lúc nào. Một người làm dịch vụ đổi tiền cho biết, họ thường đến ngân hàng đổi tiền trước đó mấy tháng, rồi mang về "ém hàng" chờ đến thời điểm sốt giá dịp trước và sau Tết Nguyên đán mới tung ra kiếm lời. Một số người có "quan hệ" với cửa đền, chùa nên gom được tiền lẻ ở đây.
Theo khảo sát của phóng viên, mức phí đổi tiền mệnh giá lớn lấy tiền mệnh giá 500 đồng chênh lệch khoảng 25%. Với tiền mệnh giá 1.000 đồng và 2.000 đồng phí chênh lệch ở mức 12%. Tiền mệnh giá 5.000 đồng phí chênh lệch là 10%, với điều kiện số lượng tiền đổi phải trên 5 triệu đồng. Tiền mệnh giá 10.000 đồng phí chênh lệch ở mức 8%, với điều kiện số lượng trên 10 triệu đồng. Tiền mệnh giá 20.000 đồng sẽ mất phí chênh lệch 7%... Năm nay, ngoài giao dịch tại các cửa hàng, dịch vụ đổi tiền lẻ trên mạng rầm rộ hơn trước để "né" sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Các diễn đàn xã hội, thậm chí nhiều cơ sở còn thành lập website riêng về đổi tiền. So với mức "cắt cổ" ở chợ đen, mức phí ở trên mạng có vẻ thấp hơn nhưng lại ít có loại tiền lẻ mệnh giá thấp.
Hở ra là bị "ăn chặn"
Thực tế cho thấy, tình trạng đổi tiền nhộn nhịp vào mỗi mùa lễ tết đã tạo cơ hội làm ăn cho những người chuyên đổi tiền ăn chênh lệch nhằm trục lợi, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ. Thậm chí, lợi dụng sự sơ hở trong lúc giao dịch của khách hàng, không ít chủ hàng đã sử dụng tiểu xảo để đánh lừa, ăn chặn khách hàng. Nhiều người đã phải "méo mặt" cầm cọc tiền có tới gần một nửa là tiền đã qua sử dụng, hay bị rút lõi mà không biết. Các "chiêu" được chủ hàng sử dụng thường là những đồng tiền cũ được xen giữa một "cọc" tiền mới, thiếu tiền hay tiền cũ bị cắt góc, "phù phép" thành tiền mới, thậm chí trộn cả tiền giả vào trong. Mặc dù hình thức lừa đảo này đã được cảnh báo nhưng do nhu cầu đổi tiền lẻ rất cao, lại ngại đến các ngân hàng vì mất thời gian chờ đợi nên nhiều người vẫn bất chấp rủi ro. Chị Nguyễn Thị Lý ở xã Trung Văn (Từ Liêm) kể, năm ngoái chị đổi 3 triệu đồng tiền mệnh giá 10.000 đồng và 5.000 đồng mới tại một sạp hàng di động trên phố Đinh Lễ. Do chủ quan, khi mang về đếm lại mới biết "cọc" 5.000 đồng bị thiếu mất gần 200.000 đồng.
Có thể nói, hình ảnh tiền mệnh giá nhỏ được đặt một cách tùy tiện, rải khắp các khu vực trong các đền, chùa, khu vực lễ hội tạo hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa xã hội và làm xấu đi hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Vì vậy, việc ngăn chặn dịch vụ thu đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông tiền tệ rất cần sự chung tay của các ngành, các cấp. Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đã cận kề, bên cạnh công tác tuyên truyền, bản thân mỗi người dân cần phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam, đồng thời nhận thức rõ hệ lụy đi kèm với thói quen đổi tiền để đi lễ, chùa, lì xì đầu xuân của mình, tránh tiếp tay cho hoạt động thu đổi tiền, trục lợi cá nhân.
Theo Hồng Cương/Hanoimoi
Bình luận