Thứ bảy, 11/01/2025, 13:03 [GMT+7]

Du lịch Việt Nam: Thiếu sản phẩm đặc trưng để “móc túi” du khách

Thứ sáu, 06/09/2013 - 08:53'
Khi du lịch ra nước ngoài, ai cũng thích mua đặc sản mang hương vị bản xứ về làm quà cho người thân. Nhưng lâu nay có một thực tế là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lại không biết chọn mua gì làm quà lưu niệm...

Bâng khuâng không biết mua gì

Hơn 20 năm xa quê hương nên mỗi lần có dịp trở lại Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Anh (Việt kiều) lại tìm mua những món quà lưu niệm để tặng bạn bè và người thân tại Liên bang Nga.

Nhưng lần nào cũng vậy, món quà được ông lựa chọn vẫn chỉ là những tấm khăn thêu được bày bán trên mấy con phố cổ Hàng Ngang – Hàng Đào (Hà Nội). Vị khách Việt kiều cho biết, ngoài khăn thêu lụa, những thứ khác: tranh ghép gỗ, đồ thủ công mây tre đan, tranh sơn mài,… thì rất cồng kềnh, khó mang đi xa. Đối với các mặt hàng thời trang như: giày dép, túi xách, quần áo, đồ trang sức… hay thực phẩm ở nước nhà lại khá đơn điệu và không thể cạnh tranh về chất lượng và giá thành so với hàng nhập khẩu đang có mặt ngay tại thị trường Việt.

 

Các sản phẩm lưu niệm của Việt Nam còn nghèo nàn, thiếu hấp dẫn

Các sản phẩm lưu niệm của Việt Nam còn nghèo nàn, thiếu hấp dẫn.

“Không thể tìm được sản phẩm mang đặc trưng của Việt Nam để làm quà để giới thiệu đất nước mình cho những người bạn ở xứ người”, ông nói.

Trong chương trình kích cầu du lịch của ngành du lịch Việt Nam mới đây, một điểm đáng chú ý là chương trình xúc tiến tại chỗ thông qua việc tặng quà lưu niệm cho du khách. Tổng cục du lịch còn đề nghị, trong chương trình này mỗi địa phương mỗi tỉnh thành cần có một sản phẩm lưu niệm đặc trưng.

Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là mức chi tiêu của du khách quốc tế đến Việt Nam rất thấp, bởi sản phẩm du lịch của ta quá nghèo nàn, không có sản phẩm đặc trưng mang tính đại diện.

Thực tế trước đó, ngay sau khi chương trình kích cầu du lịch được khởi động, Tổng Cục du lịch đã làm việc với Sở Công thương Hà Nội, Sở văn hoá Thể thao và du lịch Hà Nội và một số doanh nghiệp du lịch lớn nhằm “bàn kế” xem tặng quà gì cho du khách đến Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, ngoài mẫu sản phẩm quà tặng xúc tiến quảng bá du lịch mang tính đối ngoại mới được đưa ra mới đây. Điều này đã “gióng” lên một hồi chuông báo động về chất lượng du lịch nước ta.

Du lịch kết hợp mua sắm, nhất là sản phẩm lưu niệm là nhu cầu của rất nhiều du khách khi đến điểm du lịch. Nhưng đâu là mặt hàng lưu niệm đặc trưng của Việt Nam và của từng vùng miền để giới thiệu tới du khách và khiến họ sẵn tiền bỏ tiền mua lại là câu chuyện chưa có lời giải của ngành du lịch Việt Nam.

Tốt nhất là đưa khách vào… siêu thị

Hầu hết các công ty lữ hành đều thừa nhận rằng; những mặt hàng, sản phẩm đặc trưng của chúng ta chưa có thì nói gì đến chuyện “móc hầu bao” của du khách.

Việc kéo khách đến Việt Nam mới chỉ đạt được một nửa của sự phát triển du lịch. Điều còn lại là phải giữ được khách lưu lại lâu hơn và kích thích khách hàng mua hàng hoá tại nước sở tại. Mặc dù ngành du lịch đã nhiều lần đưa ra quy hoạch làng nghề để phát triển cho một sản phẩm nhưng các mặt hàng của du lịch Việt Nam còn quá nghèo nàn.

Nhìn chung, sản phẩm lưu niệm của du lịch Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu của khách

Nhìn chung, sản phẩm lưu niệm của du lịch Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu của khách.

Theo khảo sát trung bình trong tổng số chi phí cho chuyến đi du lịch đến Việt Nam, du khách chỉ bỏ hầu bao chi khoảng 15% cho mua sắm. Trong khi đó, đối với nhiều nước lân cận trong khu vực, lợi nhuận từ việc mua sắm của du khách là nguồn thu nhập chính của ngành du lịch các nước như: Thái lan, Malaysia, Singapore.

Tại Thái Lan; ngành du lịch đã thu được trên 50% chi phí của du khách từ các hoạt động mua sắm. Ở Việt Nam, không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm qua vấn đề làm như thế nào để khách chi tiêu vào mua sắm vẫn khiến các nhà quản lý du lịch phải đau đầu.

Một chuyên gia trong ngành du lịch nhận xét du lịch Việt Nam mới chỉ khai thác tài nguyên sẵn có mà chưa biết làm các dịch vụ gia tăng.

Bên cạnh đó, việc các hướng dẫn viên công ty lữ hành dẫn khách đi mua hàng lưu niệm gặp rất nhiều khó khăn. Khó vì nỗi, khi dẫn khách tới các cửa hàng, thì mỗi cửa hàng lại đưa ra một giá khác nhau cho một mặt hàng lưu niệm cùng chủng loại.

Tìm hiểu câu chuyện hai giá một sản phẩm, các công ty du lịch Việt Nam mới té ngửa ra rằng; tuy rằng cùng một mặt hàng đó nhưng chất lượng của sản phẩm đó không giống nhau. Cực chẳng đã, nhiều hướng dẫn viên chỉ đành phải đưa khách vào … siêu thị.

Theo các công ty lữ hành, khách quốc tế đến Việt Nam rất ưa chuộng những món quà lưu niệm được làm theo lối thủ công bằng tay. Dù hầu hết các địa phương trên cả nước đều có làng nghề thủ công truyền thống nhưng những sản phẩm để bán cho khách lại khá đơn điệu về chủng loại và mẫu mã. Do đó, từ bấy lâu nay du khách đến các làng nghề ở Việt Nam cũng chỉ để…tham quan.

Một số ý kiến khách cho rằng; dù ngành du lịch đã tìm được sản phẩm lưu niệm đặc trưng nhưng về sau này việc công bố giá phải rõ ràng và đồng nhất bởi thực tế, có rất nhiều du khách phàn nàn chuyện trong cùng một đoàn, cùng đi shopping, nhưng mỗi người mua một giá khác nhau, có người mua giá đắt tới hàng chục lần và họ có cảm giác như bị “lừa”.

Theo Minh Phan (dantri)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...