Thứ tư, 15/01/2025, 19:26 [GMT+7]

Giải pháp nào để đất “nhả vàng”?

Thứ tư, 05/08/2020 - 14:21'
Làm thế nào để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, để đất có thể “nhả vàng”, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân đang là vấn đề cấp ủy, chính quyền xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) trăn trở và tìm giải pháp để thực hiện.

Với gần 1.600ha diện tích đất gieo trồng, tổng sản lượng lương thực ổn định trên 3.900 tấn, điều này cho thấy Trung Đồng có nhiều lựa chọn trong việc cơ cấu lại các loại cây trồng sao cho hiệu quả. Hiện nay, diện tích chè toàn xã có 286ha và đã hết diện tích mở rộng, 43ha mắc-ca, 7,6ha chanh leo, 17ha nhãn, bơ, ổi, xoài và một số diện tích trồng bưởi da xanh, mít thái… Theo thống kê, diện tích cây ăn quả mặc dù tăng qua các năm song cũng mới được hình thành và còn manh mún, chưa đi vào tập trung quy củ. Sản phẩm làm ra tự phát, không gắn với nhu cầu thị trường nên rủi ro cao, thu nhập của người dân bấp bênh, không ổn định. Hiện nay, trên các cánh đồng của xã, đất sản xuất 1 vụ vẫn còn nhiều (350ha) và chỉ canh tác lúa vụ mùa trong khoảng thời gian 3 - 5 tháng. Còn 7 tháng trong năm đất lãng phí, không tận dụng được nguồn lao động dẫn đến nhàn rỗi, dư thừa. Cứ làm một phép tính nhẩm, ví dụ như với giá thóc bình quân 6.500 - 8.000 đồng/kg, năng suất đạt 46 tạ/ha/năm thì giá trị kinh tế mà người nông dân thu về trong 1 năm (1 vụ) chỉ đạt 37 triệu đồng, trừ chi phí người dân chỉ hòa vốn, không có lãi.
Khó khăn còn đó khi xã vẫn chưa xác định được đâu là cây trồng chủ lực để có thể trở thành hàng hóa, mang lại nguồn thu. Sự mất cân đối giữa các nhóm cây trồng như: lúa, ngô, khoai nên dẫn đến tình trạng sản phẩm thị trường có nhu cầu thì xã không sản xuất kịp để cung ứng và ngược lại. Thêm nữa, cơ sở vật chất phục vụ cho khâu sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản sau thu hoạch còn thiếu và yếu nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nông sản. Cụ thể như những loại nông sản thu hoạch vào mùa mưa (lúa, ngô), độ ẩm không khí cao, bà con chưa có phương tiện và chưa có nhiều kinh nghiệm trong bảo quản nên để xảy ra mốc, thối gây thất thoát và thiệt hại cho nông dân. Trong khi đó, thói quen canh tác của người dân theo hướng tự cấp, tự túc; cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích cho các doanh nghiệp trong liên kết với nông dân để tiêu thụ sản phẩm cũng chưa đầy đủ nên chưa thu hút nhiều đơn vị vào đầu tư.

Người dân bản Bút Dưới (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên) vận chuyển chanh leo nhập cho đơn vị thu mua.

Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, chúng tôi đến các bản Bút Trên, Bút Dưới của xã Trung Đồng thấy có rất nhiều người dân chở các bao hàng là chanh leo đến cơ sở tập kết thu mua tại gia đình anh Tòng Văn Dung - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Bút Dưới. Vừa nhanh tay ghi chép, tính toán, ghi sổ, anh Dung cho chúng tôi biết: Từ năm 2019 trở lại đây nhiều người dân trong bản, xã đã chuyển một phần diện tích có năng suất, sản lượng thấp sang trồng chanh leo. Huyện, xã đã hợp đồng với đơn vị bao tiêu sản phẩm để từng bước tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Tuy hiện tại vẫn còn một số vướng mắc trong việc thống nhất giá cả, phân loại chất lượng chanh leo giữa người dân và công ty thu mua song huyện cho biết sẽ can thiệp kịp thời để bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Được biết, đến nay, 10ha đất đã được người dân trong xã chuyển đổi hệ số sử dụng đất, trong đó có 7,6ha chanh leo. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lò Văn Thi - Chủ tịch UBND xã Trung Đồng tự tin khẳng định: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 giao cho xã mở rộng 120ha cây ăn quả. Đây chính là chỉ tiêu nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ chuyển đổi mục đích sử dụng đất để nâng cao giá trị kinh tế trên 1 đơn vị diện tích mà xã đang quyết liệt thực hiện. Trong đó, có 2 loại cây trồng xã lựa chọn đưa vào trồng đó là chuối và chanh leo. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thị trường đầu ra và tạo cơ chế cho các đơn vị vào đầu tư, bao tiêu sản phẩm lại phụ thuộc phần lớn vào tỉnh và huyện.
Về phía xã, trước mắt là vận động Nhân dân tận dụng tối đa chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh vừa được ban hành. Thực hiện biện pháp luân canh cây trồng trong sản xuất như: 2 vụ trồng lúa, 1 vụ trồng ngô hoặc rau, củ, quả kết hợp với sử dụng các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Để người dân tiếp cận được cách làm mới, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn cho các hộ nông dân, tổ hợp tác về các kỹ năng đàm phán hợp đồng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kế hoạch sản xuất kinh doanh để thực hiện hợp đồng… Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ sản xuất, ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ cho các vùng chuyển đổi có lợi thế, có tính thuyết phục cao; lựa chọn các hộ có điều kiện kinh tế khá tham gia các mô hình để sau khi thấy được hiệu quả sẽ vận động bà con nông dân thực hiện.
Một giải pháp nữa, xã tạo điều kiện và tư vấn pháp lý cho các nhóm hộ nông dân trong vùng chuyển đổi thành lập các hợp tác xã. Thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất và bao tiêu các loại sản phẩm nông nghiệp dễ tìm đầu ra như: hoa lan, cây ăn quả; đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, liên kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Hà Anh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...