Thứ ba, 14/01/2025, 01:24 [GMT+7]

Giải tỏa triệt để “chợ” phát sinh

Thứ tư, 21/09/2016 - 20:28'
(BLC) - Chủ trương di dời chợ tạm phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) đến nay cơ bản nhận được sự đồng thuận của các tiểu thương. Tuy nhiên, đối ngược với hoạt động kinh doanh buôn bán tấp nập ở chợ trung tâm Đoàn Kết mở rộng, các chợ Tân Phong, trung tâm thương mại… vẫn khá “đìu hiu”. Nhóm phóng viên Baolaichau Online đã tìm hiểu thực tế vấn đề này.

>> Quyết tâm cung đủ cầu

Có mặt tại chợ trung tâm Đoàn kết mở rộng, chúng tôi thấy các lực lượng chức năng đang tập trung vận động, di dời người dân và một số hộ kinh doanh bày bán hàng hóa trên lòng đường khu vực phố Chiêu Tấn xuống chợ cũng như di chuyển sang các chợ khác trên địa bàn thành phố. Công việc này khá vất vả, bởi rất nhiều người dù không được phân ô, ki ốt nhưng có tâm nguyện được kinh doanh tại chợ. Mặc dù 1 ô chỗ ngồi đã chịu gánh 2 - 3 mặt hàng (bà con xin ngồi ké) nhưng do lượng người dồn về chợ buôn bán lớn nên chợ quá tải. Và, điều đó dẫn đến tình trạng bà con tràn lên vỉa hè, lòng đường khu vực sau chợ để mua, bán. Khi bị lực lượng chức năng yêu cầu di chuyển thì họ mang hàng “dạt” ra địa điểm khác gần đó né tránh, thậm chí có người cho rau, củ lên xe đẩy đi bán dong, nhất định không di chuyển sang các chợ khác.

Dù được xây dựng khang trang, hiện đại nhưng trung tâm thương mại vẫn chưa thu hút các tiểu thương về kinh doanh, buôn bán.

Vắng cả người bán lẫn người mua - đó là thực tế tại trung tâm thương mại. Mặc dù được đầu tư khang trang, hiện đại nhưng sau 3 ngày thực hiện việc di dời chợ tạm phường Đoàn Kết, việc kinh doanh buôn bán nơi đây chưa có dấu hiệu “sôi động” hơn. Tại khu vực bán các mặt hàng tiêu dùng, có lẽ chỉ khoảng 10 ki ốt được mở của với rất ít hàng hóa, số còn lại vẫn cửa đóng then cài. Một số hộ kinh doanh xuống khảo sát rồi tập trung bàn luận có nên mở cửa hàng vì nếu tình trạng chợ cóc, chợ tạm, chợ phát sinh và buôn bán dưới lòng đường, vỉa hè còn diễn ra ở các tuyến đường thì với những hạn chế về địa hình cũng như mật độ dân cư, chắc chắn đây không phải là địa điểm khả quan cho việc buôn bán.

Tâm sự với chúng tôi, bà Lương Hữu Khoa (tổ 12, phường Đoàn Kết, kinh doanh hàng mã) cho biết: Ngay khi có chủ trương của thành phố về việc di dời chợ tạm phường Đoàn Kết, tôi tình nguyện bốc thăm và di dời về kinh doanh tại trung tâm thương mại. Về đây bày hàng mấy ngày nay, nói thật là không có người mua và chắc chắn phải mất một thời gian nữa mới lấy lại được lượng khách quen trước đây. Đến nay, nhiều hộ kinh doanh tuy đã bốc thăm nhưng chưa chuyển về; còn người bán hàng rau củ cố nấn ná buôn bán tại khu vực chợ trung tâm Đoàn Kết mở rộng hoặc di tản ra những đường ngang, ngõ tắt trên địa bàn. Với họ thì có thể linh động di chuyển hàng hóa, còn chúng tôi với mặt hàng cồng kềnh như thế này thì đành chịu thôi. Ở đâu có chợ, chắc chắn sẽ có người mua, do vậy tôi cũng như các hộ dân được bố trí kinh doanh, buôn bán ở đây rất mong cấp ủy, chính quyền thành phố kiên quyết chấm dứt, giải tỏa triệt để chợ cóc, chợ phát sinh cũng như tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán. Có như vậy, các hộ mới yên tâm kinh doanh và người dân không còn cơ hội “tiện đâu mua đấy” sẽ di chuyển về các chợ mua hàng hóa.

Qua câu chuyện với một số tiểu thương ở trung tâm thương mại, chúng tôi thấy bà con bàn tán xôn xao thông tin sau khi di dời chợ tạm phường Đoàn Kết, hiện nay có 1 nhóm cá nhân có đất cạnh chợ đang tiến hành san ủi xây dựng hàng quán cho thuê bán hàng. Cũng đã có tới 30 hộ kinh doanh đăng ký thuê địa điểm bán hàng. Nói như bà Khoa thì đang trong lúc nước sôi lửa bỏng như hiện nay, nếu thông tin bà con truyền tai nhau là đúng thì chính quyền, cơ quan cần sớm vào cuộc dẹp bỏ. Bởi không thể khẳng định, 1 chợ mới phát sinh sẽ không có chợ thứ 2, thứ 3… 

Một nguyên nhân nữa khiến một số hộ kinh doanh chần chừ về điểm kinh doanh tại trung tâm thương mại là theo chủ trương của thành phố, các hộ kinh doanh, buôn bán khi di chuyển từ chợ tạm sang các chợ khác trên địa bàn thành phố đều được phân kiốt, miễn thuế 2 năm đầu và năm thứ 3 mới chịu thuế với mức 1 triệu đồng/tháng/kiốt. Tuy nhiên, giờ bà con nhận được thông tin hết 2 năm phải mua lại ki ốt với giá 300 - 400 triệu đồng. Mặc dù đây chỉ là tin đồn nhưng cũng đã gián tiếp làm xáo trộn tư tưởng của các tiểu thương. Thiết nghĩ, thành phố nên tăng cường hơn nữa lực lượng xuống nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ kinh doanh, kịp thời ngăn chặn các luồng thông tin trái chiều, có giải pháp định hướng dư luận, tạo hơn nữa sự đồng thuận trong Nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương lớn của thành phố.

Tuấn Hùng - Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...