Gian nan hành trình tự chủ của sân khấu truyền thống
Một cảnh trong vở “Vua Phật” được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Ảnh: HOA NGUYỄN
Cần thiết nhưng hết sức khó khăn
Trước hết, cần khẳng định, tự chủ tài chính là hướng đi cần thiết và đúng đắn để nâng cao tính chủ động, nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường. Đây cũng là động lực khuyến khích các đơn vị đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật để có cơ hội mang về nguồn doanh thu lớn hơn, giúp nghệ sĩ có điều kiện làm nghề và sống bằng nghề, từ đó giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Sau gần 5 năm thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, đến thời điểm này, một số đơn vị nghệ thuật đã trở thành điểm sáng về tự chủ tài chính, tiêu biểu như: Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam… Tuy vậy, con số này vẫn quá ít ỏi so với số lượng hơn 100 đơn vị nghệ thuật công lập trên toàn quốc. Hơn nữa, dễ nhận thấy là những đơn vị có khả năng độc lập về tài chính nêu trên chủ yếu đã có sẵn thế mạnh về loại hình nghệ thuật, lại sở hữu những lợi thế về địa điểm và cơ sở vật chất, cho nên bên cạnh thuận lợi trong khả năng tiếp cận công chúng để hoạt động chuyên môn, còn có điều kiện đa dạng hóa nguồn thu từ những hoạt động kinh doanh khác. Trong khi đó, phần lớn các đơn vị công lập còn lại, nhất là các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống vừa yếu về sức hút loại hình, vừa thiếu điều kiện hoạt động, dẫn đến hành trình tự chủ gặp nhiều gian nan.
Những năm gần đây, sân khấu truyền thống thường xuyên lâm vào tình trạng khủng hoảng khán giả, nhất là khi phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với hàng loạt loại hình giải trí nghe nhìn khác. Trong guồng quay gấp gáp, sôi động, những tích tuồng, điệu cải lương, câu ca chèo dường như trở nên lạc nhịp, không ít đơn vị lâm vào cảnh sống lay lắt. Có những tác phẩm được đầu tư, dàn dựng công phu, nhận về đánh giá cao từ giới trong nghề, nhưng khi ra rạp chỉ bán được rất ít vé. Nhiều lãnh đạo đơn vị băn khoăn: thu còn không đủ chi thì lấy đâu tích lũy để tái tạo khả năng sáng tạo nghệ thuật, chưa nói phải tự chủ kinh tế hoàn toàn. NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: Nhà hát luôn nỗ lực để đa dạng hóa các hoạt động như biểu diễn định kỳ các chương trình âm nhạc, trích đoạn chèo truyền thống vào các tối thứ sáu hằng tuần, biểu diễn các vở lớn vào các tối thứ bảy hằng tuần, bên cạnh đó là duy trì các chiếu chèo, tham gia các dự án như “Tôi xê dịch”, “Chèo 48h” nhằm phát triển, quảng bá nghệ thuật chèo… Song nhiều buổi diễn phải bù lỗ vì nguồn thu chủ yếu vẫn phụ thuộc vào bán vé, mà đòi hỏi công chúng hiện đại chi tiền để xem chèo không phải chuyện dễ. Với tuồng và cải lương cũng không ngoại lệ, khi nhiều vở diễn chỉ bán được số vé hết sức hạn chế. Ấy là chưa kể, một số đơn vị như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam... còn không có sân khấu biểu diễn riêng, thường xuyên phải bỏ ra số tiền không nhỏ để thuê địa điểm, dẫn đến việc bảo đảm các nguồn chi khác cho đầu tư sáng tạo, thù lao diễn viên, truyền thông quảng cáo... trở thành gánh nặng khó đỡ trên lộ trình tự chủ.
NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đưa ra so sánh: Bên cạnh thuận lợi về sức hấp dẫn của loại hình nghệ thuật, các đơn vị ca múa nhạc còn có khả năng duy trì mô hình hoạt động linh hoạt thông qua việc mượn, thuê diễn viên làm theo thời vụ, chương trình. Trong khi đó, các đơn vị nghệ thuật như xiếc hay tuồng, chèo, cải lương luôn phải duy trì cả đoàn kịch mục, cũng khó để thay, thuê diễn viên do đòi hỏi đặc thù của loại hình nghệ thuật và những khó khăn ngay từ khâu đào tạo, dẫn đến áp lực tự chủ càng lớn. Tính chất của sân khấu truyền thống lâu nay là “thầy già, con hát trẻ”, cho nên có một thực tế là ở các đơn vị nghệ thuật truyền thống thường tồn tại đội ngũ tuổi đời chưa cao nhưng tuổi diễn đã quá, không thể tinh giản một cách cơ học, nhưng nếu giữ lại mà không có ngân sách nhà nước thì khó có thể bảo đảm thu nhập. NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam thẳng thắn chia sẻ: Hiện phần lớn các hoạt động của nhà hát vẫn được Nhà nước cấp kinh phí mà còn gặp nhiều khó khăn trong cân đối thu - chi, vì thế nếu lập tức cắt giảm hoàn toàn thì sẽ hoạt động thế nào. Ngay với sân khấu TP Hồ Chí Minh từng có nhiều điểm sáng về xã hội hóa mà nay nhiều mô hình cũng gặp khó khăn và đứng trước nguy cơ giải thể, huống hồ sân khấu phía bắc vốn hạn chế hơn về thị trường biểu diễn?... Đây là những thách thức không đơn giản khi các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống phải đi tìm lời giải cho bài toán tự chủ.
Cần một cơ chế linh hoạt và đặc thù
Rõ ràng, tự chủ kinh tế là xu thế tất yếu, cũng là đòi hỏi cần thiết để phát triển một nền nghệ thuật năng động, sáng tạo. Song tự chủ không có nghĩa là để cho các đơn vị nghệ thuật tự bơi, tự quyết định sự tồn tại của mình, nhất là với nghệ thuật truyền thống khi bên cạnh yêu cầu phát triển còn là nhiệm vụ phải bảo tồn, gìn giữ vốn quý cha ông. Thời gian qua, do áp lực về doanh thu, có những đơn vị nghệ thuật đã chạy theo những đề tài câu khách, giật gân để thu hút khán giả, hoặc dựng vở một cách dễ dãi để chiều theo thị hiếu thị trường. Điều này không khỏi khiến người trong nghề lo ngại về nguy cơ mai một bản sắc nghệ thuật truyền thống. Rõ ràng, nếu thực hiện tự chủ thiếu thận trọng, thứ có thể đánh mất không chỉ là sự sống còn của một đơn vị mà lớn hơn là sự tồn vong của loại hình nghệ thuật. Do đó, để tiến tới tự chủ, nhất thiết phải có một lộ trình được tính toán cụ thể với cơ chế linh hoạt, phù hợp đặc thù, tính chất, nhiệm vụ của từng đơn vị, loại hình nghệ thuật. Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cần có sự đầu tư cơ sở vật chất để bảo đảm hoạt động của đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống trước khi bắt đầu lộ trình tự chủ; xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển sân khấu và có cơ chế để đầu tư kinh phí cho công tác quảng bá tác phẩm.
Nhiều đại diện đơn vị nghệ thuật truyền thống cho rằng, trong thời điểm hiện tại, khi công tác đào tạo công chúng sân khấu truyền thống cần thời gian mới phát huy hiệu quả, các loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước để bảo đảm sự phát triển liên tục. Thay vì đầu tư theo kiểu cào bằng, Nhà nước cần có chính sách đầu tư trọng điểm. Bởi hiện nay, sân khấu dân tộc đang lâm vào thế khủng hoảng, nhất là thiếu trầm trọng những kịch bản hay. “Có bột mới gột nên hồ” nhưng số lượng các tác giả viết kịch bản tuồng, chèo, hay cải lương rất ít. Có ý kiến cho rằng, nên cơ cấu, quy hoạch lại các đơn vị nghệ thuật truyền thống để có sự đầu tư tương xứng, khi đó mới có những kịch bản và tác phẩm chất lượng cao.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các đơn vị nghệ thuật truyền thống cứ thế trông chờ vào sự giúp sức của Nhà nước. Để có thể tự chủ trong tương lai, các đơn vị cũng cần nghiên cứu, chủ động đổi mới tìm hướng đi phù hợp. Thời gian qua, một số đơn vị nghệ thuật như Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ đã xây dựng được một số vở diễn chất lượng tốt từ huy động nguồn kinh phí xã hội hóa. Đây là kết quả cho sự nỗ lực của các nghệ sĩ sân khấu, cũng là tín hiệu vui cho thấy nếu đi đúng hướng, các đơn vị nghệ thuật truyền thống cũng có thể tiến tới tự chủ. Bên cạnh những hoạt động nhằm đa dạng hóa nguồn thu như kêu gọi tài trợ, hợp tác bán vé, xây dựng các gói chương trình riêng phục vụ từng đối tượng khán giả cụ thể…, các đơn vị nghệ thuật cũng cần tính tới khả năng đưa nghệ thuật truyền thống gắn kết với du lịch. Đây là hướng đi hiệu quả đã được nhiều nước thực hiện và khả năng sẽ mang đến kết quả khả quan trong điều kiện du lịch Việt Nam đang từng bước tăng trưởng mạnh…
Theo TRANG ANH/nhandan/ Thứ Hai, 29/07/2019, 01:57:24
Bình luận