Giao thông sau Tết: Áp lực vừa phải
Các tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ, Phạm Văn Đồng, quốc lộ 5, quốc lộ 32… lượng ô tô, xe máy tăng theo từng giờ và càng đông hơn vào cuối buổi chiều ngày 5-2. Song, do đã có phương án phân luồng, tổ chức giao thông hợp lý nên lượng người và phương tiện dù không nhưng việc di chuyển không đến mức quá khó khăn. Bên cạnh đó, tại các điểm “nóng” đều có lực lượng thanh tra GTVT, CSGT điều tiết, hướng dẫn giao thông để kịp thời xử lý các sự cố.
Tại ga Hà Nội và ga Long Biên, hành khách từ các tỉnh trở về Thủ đô rất đông nhưng việc đi lại diễn ra khá trật tự. Cùng với việc bố trí nhân viên hướng dẫn, các ga này mở hết các cửa ra để hành khách đi lại được dễ dàng. Trước các cửa ga, xe ôm và taxi cũng được sắp xếp trật tự. Tuy nhiên, nhiều lái xe taxi đã thẳng thừng từ chối khách với những cung đường ngắn hoặc đòi giá cao gấp đôi, gấp ba so với đồng hồ tính cước.
Tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm... lượng xe khách ra vào bến tuy có tăng nhưng đều đã được bố trí nơi đỗ phù hợp. Do đó, tình trạng ùn ứ trong khu vực nhà chờ, khu vực đón trả khách đã không diễn ra. Đại diện Công ty TNHH một thành viên Bến xe Hà Nội cho biết, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân sau Tết Nguyên đán được thuận lợi nhất, Công ty đã yêu cầu các đơn vị thành viên bố trí đủ xe phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, từ ngày 31-1 đến 9-2, Công ty đã yêu cầu Bến xe Giáp Bát bố trí 1.679 xe, Bến xe Gia Lâm 710 xe, Bến xe Mỹ Đình 1.642 xe. Cùng với đó, Công ty đã phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tăng tăng tần suất hoạt động của xe buýt để chống ùn tắc tại các bến.
Theo Lương Ninh Giang/HNM
Bình luận