Hàng Việt trên vùng cao Sìn Hồ
Huyện vùng cao Sìn Hồ những năm gần đây, nhờ chủ trương chính sách hỗ trợ của Nhà nước, kinh tế đã có phần khởi sắc. Tuy nhiên là địa phương có đặc thù riêng, không thuận lợi về giao thông liên tỉnh, các xã bị chia cắt, cộng đồng dân cư sống rải rác không tập trung, kinh tế chủ lực vẫn là nông nghiệp nên thu nhập bình quân vẫn còn khá thấp. Theo báo cáo thống kê của huyện, năm 2020, thu nhập bình quân toàn huyện đạt 31 triệu đồng/người/năm nhưng vẫn có không ít xã trên địa bàn thu nhập rất thấp, chưa đạt 20 triệu đồng/người/năm. Nhờ Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đưa hàng Việt về vùng cao, thương mại dịch vụ huyện phát triển mạnh vào khoảng 4 năm trở lại đây. Qua đó, góp phần thay đổi văn hóa tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy ngành thương mại vùng cao phát triển.
Cơ sở kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng tại bản Chiềng Chăn 3 (xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ) có nhiều mặt hàng giống nhau về mẫu mã được bán với giá khá rẻ.
Qua tìm hiểu thực tế tại huyện Sìn Hồ, có thể dễ dàng nhận thấy, hàng Việt luôn chiếm tỉ lệ cao tại các cơ sở kinh doanh, từ trung tâm thị trấn đến các xã, bản vùng sâu. Đây là điều dễ hiểu vì hàng Việt có sức cạnh tranh hơn, được người tiêu dùng tin, lựa chọn sử dụng. Điều này khẳng định hàng Việt có chất lượng tốt, thậm chí một số mặt hàng được người tiêu dùng đánh giá cao hơn hàng nhập khẩu. Vậy do đâu lại có hàng giá rẻ trên địa bàn?.
Trao đổi với ông Nguyễn Duy Phương - đại diện giám sát nhãn hàng Công ty Cổ phần bánh kẹo Hải Hà tại Lai Châu cho biết: Các nhãn hàng của Việt Nam có thương hiệu lớn lâu năm, chất lượng nhìn chung rất tốt, giá lại phù hợp với người tiêu dùng hơn so với hàng ngoại, nên dễ tiếp cận với người dùng phổ thông. Mặt khác, nhờ chính sách ưu tiên hàng Việt của Nhà nước; hỗ trợ về thuế, nguyên liệu sản xuất trong nước, giá nhân công rẻ... và quan trọng hơn là việc người dân ủng hộ đón nhận, nhờ đó thị phần trên thị trường khá lớn.
Dù vậy khi điều tra, khảo sát thị trường tại trung tâm huyện Sìn Hồ và tại các xã vùng cao như: Tả Phìn, Tả Ngảo, Hồng Thu; các xã vùng thấp như: Chăn Nưa, Pa Tần, Nậm Tăm... chúng tôi nhận thấy các mặt hàng được bày bán với nhiều mức giá khác nhau so với giá niêm yết của các công ty và nhà phân phối. Cùng với đó, nhiều mặt hàng như: bánh kẹo, nước mắm, đồ gia dụng... có nhãn mác gần giống nhau như: nước cam ép Twister hàng thật và hàng nhái là Twiste chỉ thiếu chữ "r", nước mắm "chinsu" bị làm nhái thành "chinsus", sản phẩm điện tử dân dụng của Công ty Điện cơ Thống Nhất như: quạt, bóng đèn, ấm nước... bị làm nhái, làm giả khá nhiều. So sánh có thể thấy tương đồng đến 99% về thiết kế, mầu sắc ngoại hình, nhưng bên trong hoàn toàn là sản phẩm khác, kém chất lượng. Đây là các sản phẩm đang chiếm lĩnh thị trường vùng cao, vùng sâu.
Bà Nguyễn Thị Lanh – chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ trung tâm huyện Sìn Hồ cho biết: Tại các xã, bản vùng cao, các mặt hàng tiêu dùng trên địa bàn huyện chủ yếu là hàng Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cơ bản là các mặt hàng tiêu dùng chất lượng tốt. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn hàng kém chất lượng, được các tiểu thương bán công khai tại các khu vực vùng sâu, thậm chí ngay tại các cửa hàng lớn của trung tâm huyện. Cơ quan quản lý khó kiểm tra, kiểm soát và xử lý.
Hàng nhái thương hiệu vẫn ngày ngày được bày bán công khai tại không ít quầy hàng, bất chấp nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Tiểu thương lợi dụng việc nhãn mác giống nhau trên bao bì sản phẩm, đánh lừa thị giác người tiêu dùng. Về phía cơ quan chức năng khi kiểm tra khó xử lý vì chỉ bằng thủ thuật đơn giản là tiểu thương “hô biến” kệ bán hàng với nhiều hàng nhái kém chất lượng, thành nơi trưng bày sản phẩm mẫu chỉ với một tấm biển có nội dung “sản phẩm mẫu trưng bày - so sánh” nhằm chống đối cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Xuân Đà - Trưởng phòng Công thương huyện Sìn Hồ cho biết: Các hộ kinh doanh bán hàng kém chất lượng để thu lợi, gây tác động xấu đến uy tín hàng Việt chất lượng cao, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Cơ quan chức năng huyện đã phối hợp lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên tổ chức kiểm tra. Nhưng do địa bàn rộng, lực lượng chức năng mỏng, các tiểu thương cố tình né tránh nên khó kiểm soát. Một số hộ kinh doanh trên địa bàn thị trấn, xã dùng nhiều hình thức nhằm qua mặt cơ quan chức năng.
Thị trường hàng Việt ở vùng cao đang diễn ra cuộc chiến giành thị phần khốc liệt, không cân sức, giữa hàng Việt có thương hiệu uy tín lâu năm và hàng nhái, kém chất lượng. Trong đó khái niệm pháp lý về hàng nhái kém chất lượng còn khá mơ hồ. Mặt khác việc đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, mẫu mã sản phẩm chưa được các nhãn hàng chú trọng. Khi chế tài xử lý vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ về thiết kế sản phẩm đang còn hạn chế, thì người tiêu dùng khi mua hàng vẫn phải cẩn trọng dò tìm giữa ma trận hàng thật và hàng gần giống thật.
Mạnh Hùng
Bình luận