Thứ bảy, 11/01/2025, 08:44 [GMT+7]

Hé lộ các nghi can vụ “cướp sim, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng”

Thứ ba, 30/07/2013 - 08:15'
Nguồn tin của Dân trí cho biết, cơ quan điều tra đã bước đầu xác định các nghi can trong vụ giả mạo chủ nhân “cướp” sim điện thoại và xâm nhập tài khoản ngân hàng của khổ chủ để thực hiện giao dịch hàng chục triệu đồng.

Tin nói, hiện cơ quan điều tra đang hoàn tất các thủ tục tố tụng, chuyển Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa xem xét tống đạt quyết định khởi tố vụ án nghiêm trọng này.

Những ngày qua, phòng chức năng công an tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành thẩm vấn nhiều người liên quan để xác định và làm rõ hành vi. Do vụ việc có liên quan đến các hoạt động công nghệ cao, nên Cục CS PCTP về công nghệ cao (C50) cũng vào cuộc phối hợp với Công an Thanh Hóa điều tra.

Hiện cơ quan công an chưa công khai danh tính của các nghi can cũng như chi tiết sự việc.

Hé lộ các nghi can vụ “cướp sim, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng”

Hình thức thanh toán mà các đối tượng sử dụng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của các nạn nhân.

Liên quan đến quy trình cấp lại số điện thoại có nhiều sơ suất, thông tin từ MobiFone cho biết, hiện các đại lý của Công ty TNHH Tâm Việt tại Thanh Hóa đã bị đình chỉ để phục vụ công tác điều tra.

Đại lý Tâm Việt nơi cấp lại sim cho kẻ gian (Ảnh: Duy Tuyên)

Đại lý Tâm Việt nơi cấp lại sim cho kẻ gian (Ảnh: Duy Tuyên).

Công ty TNHH Tâm Việt là đơn vị ký hợp đồng bán và cung ứng các dịch vụ của MobiFone tại một số địa bàn ở Thanh Hóa, đi vào hoạt động năm 2010 có 3 cửa hàng kinh doanh đặt tại thành phố Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa và huyện Như Thanh. Đại diện MobiFone Thanh Hóa cho biết, đơn vị này cũng đã đình chỉ nhân viên tên Như Quỳnh, người làm sai quy trình, cấp sim cho kẻ gian.

Đại diện Công ty thông tin di động VN (VMS - MobiFone) tại Hà Nội cũng xác nhận, nhân viên của MobiFone tại Thanh Hóa cũng đã được mời tới cơ quan điều tra để cung cấp thông tin, hợp tác điều tra.

Trước đó, ngày 17/7, Dân trí nhận được thư khiếu nại của anh Vũ Minh Nhật (SN 1975, trú tại Thanh Xuân - Hà Nội), với nội dung anh đang sử dụng số điện thoại 0903xxxx50 bình thường tại Hà Nội thì phát hiện sim mất liên lạc, do đại lý của Công ty Tâm Việt (tại Thanh Hóa) cấp sim sai quy trình cho một đối tượng giấu mặt.

Chỉ trong vòng 70 phút kể từ khi chiếm đoạt được số điện thoại của anh Nhật, kẻ giấu mặt đã sử dụng số thẻ thanh toán của anh để giao dịch mua hàng với các website HomePay và Nganluong qua cổng thanh toán của Công ty CP dịch vụ thẻ Smartlink, chiếm đoạt của anh Nhật gần 75 triệu đồng.

Trước đó ít ngày, một thuê bao của Viettel là anh Đặng Thanh Hải (ở TP.HCM) cũng phản ánh bị một đối tượng ở Thanh Hóa dùng thủ đoạn tương tự để đoạt số điện thoại, đồng thời chiếm đoạt 30 triệu đồng trong tài khoản của anh qua cổng thanh toán này.

Hiện chưa rõ hai vụ việc có chung thủ đoạn này do cùng một đối tượng hoặc một đường dây thực hiện hay không.

Với trường hợp của anh Nhật, theo bản in sao kê các giao dịch mà anh Nhật thu thập được và cung cấp cho Dân trí, trước đó có người đã nhiều lần sử dụng số thẻ ngân hàng của anh để thực hiện giao dịch trên HomePay và Nganluong nhưng bất thành do không có số điện thoại để xác nhận OTP. “Tiếc là dấu hiệu bất thường này không được cổng thanh toán cảnh báo và lưu tâm”, anh Nhật cho biết.

Hé lộ các nghi can vụ “cướp sim, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng”

Sao kê lịch sử giao dịch trên Smartlink mà anh Nhật cung cấp cho thấy có người đã nhiều lần cố gắng thực hiện các giao dịch nhưng thất bại trước khi chiếm được số điện thoại của anh (Ảnh trích từ tài liệu do anh Vũ Minh Nhật cung cấp).

Anh Nhật cũng cho biết thêm: “Trong những ngày qua, đại diện Công an Thanh Hóa có trao đổi với tôi, và tôi cung cấp cho phía công an nhiều chứng cứ quan trọng, cũng như những nghi vấn để phục vụ cho công tác điều tra. Tôi thấy cơ quan công an làm việc rất rốt ráo và có trách nhiệm”.

Về số tiền mà anh Nhật trình báo bị chiếm đoạt, anh Nhật cho biết sẽ tuân thủ các quy định của pháp luật để được đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, anh Nhật nhấn mạnh bên cạnh hoạt động tích cực và hiệu quả của cơ quan điều tra, các bên liên quan đến dịch vụ thanh toán cần có câu trả lời rõ với khách hàng về quy trình bảo mật, để thể hiện trách nhiệm đầy đủ với hàng triệu khách hàng đang dùng các dịch vụ thanh toán trực tuyến.

“Rất may mắn là sự việc của tôi đã được cơ quan điều tra quan tâm, giải quyết. Nhưng với các lỗ hổng nhìn thấy được trên hệ thống thanh toán trực tuyến qua sự việc này, rất có thể nhiều người nữa sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo”, anh Nhật nói.

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo một ngân hàng (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Việc đơn giản hóa quy trình giao dịch giúp tăng tính tiện dụng cho khách hàng, nhưng đồng thời cũng là một thách thức đối với tính bảo mật. Ngân hàng liên quan và phía dịch vụ thanh toán cần lựa chọn bài toán hài hòa trong việc thanh toán online, để đảm bảo thuận tiện nhưng cũng giữ được tính bảo mật cao”.

Chiều 29/7, ông Nguyễn Hữu Du - Trưởng phòng CS ĐTTP về Kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Thanh Hóa xác nhận hiện PC46 đang ráo riết tiến hành các biện pháp để đưa các đối tượng ra ánh sáng. "Đây là một hình thức lừa đảo rất tinh vi, cần có sự tuyên truyền sâu rộng để người dân tránh", ông Du cho biết.

Theo Hồng Kỹ - Duy Tuyên (Dantri)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...