Thứ hai, 13/01/2025, 14:33 [GMT+7]

Hạn chế tai nạn lao động trong xây dựng

Chủ nhật, 17/04/2016 - 18:43'
Ngành xây dựng với 70 nghìn doanh nghiệp lớn, nhỏ hằng năm tổ chức thi công tới 50 nghìn công trình. Mặc dù đã có nhiều giải pháp, tiêu chuẩn quy chuẩn an toàn, hằng năm Bộ Xây dựng đều ban hành chỉ thị về công tác an toàn xây dựng, phối hợp các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành các quy định quản lý về điều kiện hoạt động của các thiết bị thi công chuyên ngành nhưng tai nạn lao động (TNLĐ) trong lĩnh vực xây dựng vẫn đang đứng đầu tổng số vụ TNLĐ trong các lĩnh vực hoạt động.


Thi công xây dựng nhà ở tại khu đô thị Văn Phú (Hà Nội).

Theo thống kê của Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ, lỗi do chủ sử dụng lao động chiếm tới 72,7%, chỉ khoảng 13,4% là do người lao động. Thực tế cho thấy, tình trạng mất an toàn lao động (ATLĐ) nói chung và ATLĐ trong ngành xây dựng vẫn còn nhiều lỗ hổng. Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Phạm Minh Hà cho biết: Nhằm tăng cường quản lý, hạn chế TNLĐ trong thi công xây dựng, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo “Công tác quản lý an toàn trong xây dựng”. Cục đã phối hợp các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp xây dựng tiến hành đánh giá những mặt làm được và chưa làm được đối với công tác ATLĐ trong xây dựng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm ATLĐ ngày càng được coi trọng, người lao động phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và điều kiện cơ bản được quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam sẽ tham gia với tư cách là thành viên.

Phó Cục trưởng ATLĐ (Bộ LĐ-TB-XH) Nguyễn Anh Thơ cho biết: Tại các công trình hiện nay, khi mà chúng ta phát triển với những quy mô rất rộng và rất lớn thì năng lực quản lý của cả T.Ư và địa phương hầu như không đáp ứng được và việc tuân thủ của các chủ đầu tư, giám sát và các nhà thầu là không đầy đủ. Có thể nói, có nhiều nhà thầu cố tình vi phạm về an toàn trong sử dụng lao động cũng như trong sử dụng các thiết bị máy móc. Bảo đảm ATLĐ không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp, các ngành, mà của chính những người lao động và chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải làm sao để công tác này thật sự đạt hiệu quả, không mang tính hình thức, nhất là khi Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7 tới.

Phó Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam Đỗ Văn Quảng cho rằng, cần tăng cường công tác tự kiểm tra của Công đoàn về việc chấp hành quy định ATVSLĐ; đồng thời tham gia các đoàn tự kiểm tra do đơn vị tổ chức để kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, các chế độ chính sách ATVSLĐ, các biện pháp bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động, nhất là các dự án tập trung nhiều công nhân lao động, có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ. Công đoàn tham gia với người sử dụng lao động xây dựng các chính sách để động viên, khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến cải tiến thiết bị, máy, công nghệ nhằm cải thiện môi trường làm việc, giảm nhẹ sức lao động; nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”.

Phó Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Ngô Lâm cho biết, trong năm 2015, Bộ Xây dựng giao Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Cục Giám định phối hợp các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra ATLĐ trong thi công xây dựng tại các công trình xây dựng do Tổng công ty Licogi và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội thi công và các công trình trọng điểm thuộc danh mục do Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra, nghiệm thu, như: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Thủy điện Trung Sơn, hầm Đèo Cả, Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 - Vĩnh Tân 4, Cầu Cao Lãnh - Đồng Tháp. Cục Giám định sẽ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động xây dựng theo quy định đối với các chủ thể tham gia xây dựng tại các công trình, dự án có quy mô lớn, các công trình, dự án đang thi công xây dựng, ảnh hưởng an toàn cộng đồng, tại các địa phương xảy ra nhiều sự cố, TNLĐ.

Năm 2016, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật ATVSLĐ và thực thi cụ thể bằng các văn bản dưới Luật. Tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan. Đồng thời rà soát, thay thế Thông tư 22 về điều kiện thi công an toàn trong xây dựng. Trình Chính phủ các nghị định sửa đổi về xử lý vi phạm quy định trong thi công xây dựng. Tăng nặng các hình thức xử lý để mang tính răn đe. Rà soát các tổ chức kiểm định đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu kiểm định các thiết bị và thi công xây dựng. Bảo đảm việc cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng đúng yêu cầu chất lượng. Tại các địa phương, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp các UBND tỉnh và các cơ quan liên quan, kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác ATLĐ trong xây dựng. Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì, hướng dẫn các cơ quan liên quan kiểm tra công tác an toàn xây dựng. Việc hình thành Chi cục quản lý an toàn xây dựng trong thời gian tới đây, chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả công tác ATLĐ trong xây dựng.

Theo Minh Thành/nhandan/Chủ Nhật, 17/04/2016, 02:42:21

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...