Thứ hai, 13/01/2025, 08:21 [GMT+7]

“Hội” nhiều nhưng “thảo” ít?

Thứ hai, 09/02/2015 - 08:25'
Hiện nay, chúng ta chưa thống kê được trong 1 năm có tổng số bao nhiêu hội thảo được diễn ra nhưng tin chắc rằng, con số này là rất lớn. Tuy nhiên, điều đáng bàn không phải là số lượng mà lại chính là chất lượng của nó. Bởi dư luận chung đánh giá rằng các cuộc hội thảo hiện nay đang chạy theo xu hướng “hội” thì nhiều nhưng “thảo” thì ít, thậm chí có hội thảo để "giải ngân"?

Hội thảo là một cuộc thảo luận về một số vấn đề có có tính khoa học, lý luận và thực tiễn đang đặt ra. Mục đích của hội thảo là làm sáng tỏ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của vấn đề, đề xuất, kiến nghị hoặc dự báo vấn đề một cách có cơ sở khoa học… Do đó, vai trò của các cuộc hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước.

Vì hội thảo có vai trò quan trọng như vậy nên ở tầm vi mô hay vĩ mô, chúng ta đã có rất nhiều các cuộc hội thảo lớn nhỏ liên quan đến tất cả các vấn đề từ an ninh quốc phòng, chính trị, ngoại giao đến văn hóa - xã hội. Từ các cuộc hội thảo quốc gia, hội thảo cấp nhà nước, hội thảo khoa học,… bàn đến những vấn đề trọng đại của đất nước đến các cuộc hội thảo xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cấp địa phương, các hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục…

Số lượng hội thảo nhiều như vậy nhưng chất lượng của những buổi hội thảo lại là điều rất đáng bàn. Đa phần những buổi hội thảo đều đảm bảo đủ số lượng đại biểu, nghi lễ của “phần hội” nhưng “phần thảo” gần như cho vào “quên lãng”. Bởi tại các cuộc hội thảo, đại biểu thay phiên nhau đọc tham luận từ đầu đến cuối, thậm chí có người đọc còn không sai dấu chấm, dấu phẩy… Thế nên tại một số cuộc hội thảo, người điều hành đã nhắc nhở các vị tham luận là đọc tóm tắt lại vì tất cả những điều đại biểu đang đọc thì những người nghe đều đang cầm trên tay. Vì “phần thảo” như vậy nên từ hội thảo đến… cuộc sống là một khoảng cách không hề gần.

Chúng ta cũng phải thẳng thắn với nhau rằng, là có không ít các hội thảo được tổ chức là để… “giải ngân” vì trong kế hoạch của các bộ, ngành và địa phương thường có nguồn chi cho các… hội thảo. Thế nên mới có những hội thảo kéo dài đến 2 - 3 ngày. Đây sẽ là cơ hội để các đại biểu gặp gỡ, giao lưu, đi du lịch, liên hoan, thăm thú nơi nọ, nơi kia… Thế là mục đích chính của hội thảo đã bị “biến tướng”.

Có một thực tế khác là cùng với họp hành, “công việc” hội thảo đang chiếm một thời lượng không ít của nhiều cán bộ, công chức. Thế nên mới có thông tin báo chí nêu có vị lãnh đạo cấp thành phố mỗi năm nhận được 700 giấy mời đi họp, đi hội thảo ở cấp Trung ương và địa phương. Và đã có những thống kê cho thấy, trên cả nước mỗi ngày có vài nghìn cuộc họp và hội thảo. Tất nhiên sẽ chẳng ai mặn mà với các cuộc họp, cuộc hội thảo nếu như ở đó không có chế độ, không có phong bao, phong bì.

Hội thảo biến tướng đến mức đại biểu Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phản ánh tình trạng có những hội thảo tổ chức ở khách sạn 5 sao, một cái báo cáo bình thường trong nước chỉ chi trả khoảng 2,5 triệu đồng thì trong dự án có vốn nước ngoài được chi trả tới 50 - 60 triệu đồng dù chất lượng không khác nhau. Đại biểu Tiên phân tích: “Sở dĩ có mức chi trả khác nhau như vậy là bắt nguồn từ việc vay vốn nước ngoài để chi thường xuyên, trong đó có việc chi cho các dự án trong lĩnh vực chi thường xuyên ở các bộ ngành và địa phương, chi cho các hội thảo…”.

Vì nhiều cuộc họp, cuộc hội thảo như thế nên mới xảy ra tình trạng đại biểu, khách mời đến dự khai mạc, đọc xong tham luận là “chuồn” chứ không thể trụ nổi đến hết buổi đầu tiên vì những chủ đề lan man, thiếu thực tế. Có trường hợp ngồi nghe tham luận như “vịt nghe sấm” rồi ngồi… ngủ gật một cách ngon lành. Lại có những cuộc hội thảo, đến phần cuối chỉ còn lại mỗi… ban tổ chức. Điều đó phần nào cho thấy những vấn đề được nêu ra tại các hội thảo không tạo được sự quan tâm hoặc có quan tâm nhưng không chất lượng. Chính vì thế mà những tài liệu, những đề xuất, những sáng kiến, những kiến nghị của các đại biểu sẽ được “xếp xó”, “cất tủ” sau hội thảo theo kiểu “xong xuôi tất cả lại về”.

Thiết nghĩ, chuyện tổ chức hội thảo nhằm đưa những vấn đề của xã hội ra bàn luận, lấy ý kiến đóng góp của nhiều ngành, nhiều giới là hết sức cần thiết nhưng việc tổ chức thế nào để hội thảo thực sự mang lại hiệu quả là cả một vấn đề. Trong khi đất nước còn đang rất khó khăn, đừng để hội thảo trở thành một kênh lãng phí, gây bức xúc cho người dân./.

Theo Thu Hà/chinhphu

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...